The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đừng để phải tắm trong dòng nước đục

Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI – Provincial Competitiveness Index) 2016, tỉnh Đồng Tháp đứng thứ 3: 64,96 điểm sau Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Vậy là đã chín năm liên tiếp vùng đất “Sen hồng” này nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành cao nhất, theo ông Nguyễn Phương Lam, phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ.

Báo cáo PCI 2016 nhắc đến mô hình cà phê với doanh nhân tại Đồng Tháp là một trong những sáng kiến mới cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương. Nếu ở nơi khác, mọc lên nhà máy xem là đầu tư tiền của; thì ở Đồng Tháp các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, liên kết sản xuất kinh doanh là đầu tư tâm huyết.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói: “Ba năm tiến hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu của đề án là xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị cho các ngành hàng của tỉnh và một số mặt hàng địa phương. Tuy giải quyết được một số vấn đề cốt lõi, nhưng mối liên kết hợp tác sản xuất – tiêu thụ, liên kết thị trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại. Sự có mặt của các nhà phân phối với hệ thống cơ sở vật chất thúc đẩy sản xuất – tiêu thụ được xem là cách đầu tư, tác động trực tiếp vào chuỗi giá trị.

Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, dành suốt buổi nghe các nhà đầu tư VinEco, Co.opmart, Long Nguyên (nhà chế biến xoài ở Tiền Giang) nói về yêu cầu của nhà phân phối, chế biến và tính sẵn sàng của nông dân.

“Bà con bỏ đồng áng, bỏ chuyện này chuyện kia lên đây kết nối, tôi đề nghị bà con nông dân mình, doanh nghiệp Đồng Tháp phải làm một việc nhỏ nhưng cần thiết là ráng in nhiều danh thiếp, ghi tên, số điện thoại để dễ liên lạc, ghi hàng hoá sản phẩm gì cần chào bán. Chuyện đó nhỏ nhưng là vấn đề lớn, vì lâu nay bà con hỏi sao chính quyền không tìm đầu ra cho nông dân, nay chính quyền mang “thị trường” tới mà bà con còn không mặn mà thì lỗi do mình hay chính quyền”, ông Hoan nói.

“Người ta đã tổng kết mấy trăm năm nay khi nói về thị trường: Sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai? Sản xuất như thế nào. Sản xuất cho ai, trước hết là khớp yêu cầu hệ thống phân phối, vì người ta đã biết người tiêu dùng cần cái gì rồi. Hồi xưa mình bán cái mình có, bây giờ mình bán cái người ta cần, và những người cần họ đã tới đây rồi. Chúng ta cứ loay hoay hoài, chẳng lẽ cứ ôm nhau khóc vì sản xuất mà không biết bán cho ai, như thế nào là thị trường và đâu là điểm nghẽn…”, ông Hoan luôn là người sát thực tế, nói “chỉ chuyện thối cuống xoài, nếu giải quyết được thì đầu ra tốt hơn nhiều”.

Câu chuyện đó là bài học cho Tatsumura Co., Ltd và Mariko Nakamura, giám đốc công ty nhập khẩu về Nagoya – có quá nhiều việc để làm nếu muốn có trái ngon ở Đồng Tháp.

Lâu nay, công ty Long Nguyên tiêu thụ xoài cát chu cấp đông xuất khẩu, nay VinEco mua xoài tươi nên ngồi lại trao đổi liên kết. Ông Hoan cho rằng Đồng Tháp đang hướng đến kinh tế tập thể, vì chỉ có hợp tác mới thoát ra cái bẫy mạnh ai nấy làm, chất lượng kém, giá thành cao. Trong cách hợp tác, do cách tiếp cận nông hộ để kiểm soát chất lượng, nhưng tôi khuyên đừng phá vỡ kinh tế hợp tác của tỉnh.

“Hôm bữa tôi đi hợp tác xã (HTX) nuôi cá điêu hồng theo quy trình VietGAP (52ha), lần đầu HTX được hỗ trợ sướng quá, hai năm sau tái chứng nhận phải tốn 26 triệu đồng. Trời ơi! Nông dân làm sao có 26 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ đi”. Tôi nghe bà con nói, liền tính bài toán với các anh ở HTX: “Đừng tính trên 26 triệu đồng mà tính trên 700 ngày”, ông Hoan kể. Vậy có gì khác? Mỗi ngày, mỗi người bỏ ống heo 1.000 – 2.000 đồng thì hai năm sau sẽ đủ tiền làm giấy tái chứng nhận. Nếu thành viên đông thì số tiền càng dư ra, đâu cần tới Nhà nước. Chúng ta quên lợi thế kinh tế hợp tác là nhiều người thì việc chia sẻ mỗi người có một chút thôi. Khi thành viên của tổ hợp tác, HTX tăng lên thì đó là sức mạnh của làm ăn hợp tác, mới có sự thay đổi. Cái sống chết của mình mà chờ Nhà nước sao?”

Vào mùa này, xe container từ ngã ba An Thái Trung vào Cao Lãnh chở xoài, chành vựa hoạt động thâu đêm. Con đường cứ rung lên khi những đoàn côngvoa mang xoài Cao Lãnh ra biên giới phía Bắc sang Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Co.opmart Đồng Tháp, khẳng định chất lượng hàng hoá trong siêu thị là thực hiện cam kết có trách nhiệm đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Tuy có hàng an toàn từ Đồng Tháp “nhưng không nhiều lắm”.

Cô Đỗ Thị Lan Nhi, phụ trách dự án hợp tác – thúc đẩy sản xuất – tiêu thụ nông nghiệp Việt, VinEco, đưa ra cơ hội hợp tác cho những nông hộ có quy mô 1ha trở lên và những HTX, tổ hợp tác sản xuất theo quy trình an toàn. “HTX xoài Mỹ Xương, quýt đường, quýt hồng Lai Vung đã vào hệ thống Vinmart (VinEco)”, cô Lan Nhi cho biết.

Tạm thời các mối liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm an toàn chưa có nhiều hấp lực, so lực hút của một đất nước trên 1 tỉ người háo hức với xoài và nhiều cây trái khác từ Đồng Tháp.

“Chúng ta lại đang đứng trước thách thức rất lớn trong sự cạnh tranh giữa các địa phương, trong xu thế hội nhập toàn cầu hoá, trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong điều kiện như vậy, chúng ta – chính quyền và đội ngũ doanh nhân – phải cùng tự định vị lại mình, xem mình đang đứng ở đâu trên con đường như vậy, trong không gian như vậy. Có định vị đúng, chúng ta mới thấy quả là còn nhiều việc phải làm”, ông Hoan nói với các doanh trẻ tỉnh Đồng Tháp, hôm 31/3/2017: “Ông bà mình đã nhắc nhở: “Trâu chậm thì uống nước đục!” Chúng ta muốn tắm mình trong dòng nước trong lành hay vùng vẫy trong vũng nước đục đây?”.

Nếu Bến Tre kêu gọi “Đồng khởi khởi nghiệp” thì Đồng Tháp đang tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Ông Hoan khuyên lớp trẻ: “Khởi nghiệp đâu chỉ là khởi đầu hình thành một doanh nghiệp hay khởi đầu cuộc đời làm một doanh nhân. Khởi nghiệp chính là một thái độ sống, là thái độ nghiêm túc đối với công việc và nghề nghiệp của mình. Luôn luôn đổi mới, không ngừng sáng tạo, là tinh thần mà người doanh nhân phải thuộc nằm lòng để có thể tồn tại và vươn lên. Các bạn có thấm đẫm linh hồn “khởi nghiệp và dưỡng nghiệp”, tinh thần “kính nghề, yêu nghiệp” như vậy chưa? Nếu chưa thì cũng đầy rủi ro rồi đó!”.

bài, ảnh Hoàng Lan

Theo TGTT

VFpress