FDI - thêm động lực cho cải cách
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, các DN FDI còn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về vấn đề môi trường - một trong những “vết đen” của khu vực FDI. Đây được xem là những động lực cho nỗ lực cải cách cũng như định hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững mà Việt Nam đang hướng tới.
Môi trường thân thiện
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được xem là nhiệm vụ có tính “sống còn” đối với tăng trưởng phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt như hiện nay. Chính vì vậy, những nhận định, đánh giá, hay xu thế đầu tư của khu vực FDI luôn được xem là chỉ báo quan trọng đối với việc ban hành, thực thi các chính sách về thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính… của các quốc gia, vùng lãnh thổ. Và theo kết quả khảo sát được Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI 2016) ghi nhận thì những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đang đi đúng hướng.
Đề cập cụ thể vấn đề này, tại cuộc họp báo công bố PCI 2016, GS.TS Edmund Malesky (Đại học Duke, Hoa Kỳ) cho hay, trong 2 năm qua, những thay đổi pháp luật đã tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những cải cách này đã gặt hái được thành quả, gia tăng sự lạc quan của giới đầu tư nước ngoài và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh lớn hơn. Cụ thể: Khảo sát điều tra thu thập ý kiến của 1.550 DN FDI đến từ 46 quốc gia khác nhau đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam, 11% DN FDI cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 63% tuyển thêm lao động mới. Tâm lý lạc quan về kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới đã tăng khi hơn 50% DN FDI cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010.
Đáng chú ý, theo GS.TS Edmund Malesky, Luật DN và Luật Đầu tư năm 2014 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho DN. Hơn 90% DN FDI có được tất cả các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động chỉ trong vòng 3 tháng, kể từ khi bắt đầu thực hiện các thủ tục. Khoảng 40% DN trong năm 2015 và 2016 chính thức đi vào hoạt động trong vòng chỉ 1 tháng. Đây là tỷ lệ cao nhất Việt Nam từng đạt được và tăng đáng kể so với giai đoạn 5 năm trước.
Tuy nhiên, GS.TS Edmund Malesky cũng khuyến cáo, Việt Nam vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho DN sau giai đoạn thành lập. Năm 2016, 72% DN cho biết, họ mất hơn 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính, đồng nghĩa với việc mất đi lượng thời gian tương ứng đáng lẽ được dùng để quản lý và phát triển DN.
Công nhân Công ty LGE trên dây chuyền lắp ráp máy điện thoại xuất khẩu |
Dù vậy, GS.TS Edmund Malesky cho biết, tỷ lệ DN lựa chọn tất cả các thủ tục này đã giảm so với năm 2015. Kết quả này phần nào nhờ các nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này đặc biệt đúng đối với lĩnh vực hải quan, một trong những trọng tâm của Nghị quyết này.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) khi đề cập đến vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua cũng khẳng định: Việc Chính phủ đưa ra những cam kết mạnh mẽ với cải cách hành chính đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Nhiều rào cản đối với DN đã bước đầu được dỡ bỏ, các DN đã có quyền tự do kinh doanh hơn và đặc biệt đang dấy lên một trào lưu khởi nghiệp được khuyến khích bởi Chính phủ. Nghĩa vụ thuế đối với DN đang được cải thiện theo hướng công khai, minh bạch và giảm gánh nặng… Và đây là một trong những nhân tố được coi là sẽ tạo ra một cú hích mới cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Không đánh đổi môi trường
Phát triển kinh tế xanh, “không phát triển kinh tế bằng mọi giá”, “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng” là định hướng chỉ đạo, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong hoạt động thu hút đầu tư. Và điều này đã nhận được sự đồng thuận cao từ các DN FDI.
Kết quả khảo sát PCI 2016 cho thấy, có tới 50% DN FDI tin rằng, bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm, đặc biệt là các DN nông nghiệp, thủy sản, tài chính và dịch vụ. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN chế tạo cũng chịu nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Kết quả điều tra PCI cũng thấy rằng, một số lượng lớn các DN đã nỗ lực phòng chống ô nhiễm môi trường ngay chính tại DN của mình, thông qua việc áp dụng các quy chế nội bộ và các chương trình đào tạo, tập huấn cho người lao động về bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, 75% DN FDI và 73% DN dân doanh hiện đang áp dụng các “chính sách xanh” như giảm thiểu ô nhiễm bằng cách sử dụng nguyên liệu và năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất… tại chính DN. DN cho biết, họ tuân thủ các quy định môi trường ở mức cao, đồng thời cũng sẵn lòng nỗ lực bảo vệ môi trường, dù biết rằng, việc này sẽ làm tăng chi phí của DN. Đồng thời, 97% DN FDI cho rằng, chính các DN phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường dù việc này làm tăng chi phí của DN.
Một tín hiệu tích cực khác được ghi nhận qua PCI 2016 là đa số các DN hầu như không lo ngại về ô nhiễm môi trường tại địa phương mình đang hoạt động. Khoảng 46% DN được hỏi, cả trong và ngoài nước đều cho rằng, mức độ ô nhiễm môi trường hiện tại có thể chấp nhận được.
“Một thông điệp rõ ràng được PCI 2016 đưa ra, đó là đặt ra vấn đề phải lựa chọn hoặc tăng trưởng kinh tế hoặc môi trường trong lành là một quan điểm sai lầm. Cộng đồng DN Việt Nam hưởng lợi từ một Việt Nam “xanh” và họ ủng hộ các nỗ lực để giữ cho môi trường trong lành tại đất nước này” - GS.TS Edmund Malesky nói.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong quý I/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) là 7,71 tỉ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Về xuất nhập của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong quý I/2017 đạt 31,402 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 71,81% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong quý I/2017 đạt 30,748 tỉ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 70,3% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính trong quý I/2017 đạt 27,234 tỉ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 59,68% kim ngạch nhập khẩu. |
Hải Thanh