The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Gài rào cản kinh doanh du lịch ?

Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý về dự thảo Luật Du lịch. Dù chủ trương rà soát, gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã đưa ra, nhưng dự luật của Bộ Văn hóa...

Từ bắt đầu kinh doanh…

Những ràng buộc đối với DN kinh doanh lữ hành bắt đầu từ quy định điều kiện phải “có phương án kinh doanh, địa điểm, trang thiết bị phục vụ kinh doanh lữ hành”. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Trưởng ban Pháp chế (VCCI), quy định này vừa chưa hợp lý vừa thiếu rõ ràng ở một số điểm. Thứ nhất, quy định như vậy DN chỉ cần có phương án kinh doanh là đủ hay cơ quan quản lý sẽ xem xét nội dung phương án kinh doanh đó? Nếu chỉ cần có phương án kinh doanh là đủ, điều kiện này có ý nghĩa gì không? Còn nếu cơ quan quản lý xem xét sẽ xem xét điều gì ở phương án kinh doanh của DN? Dựa vào tiêu chí nào để xem xét? Nếu xem xét xong không đồng ý với phương án kinh doanh của DN, có cho phép DN hoạt động không?

Theo quy định của Luật DN thì DN có toàn quyền quyết định đối với các phương án kinh doanh của mình, tùy thuộc vào chiến lược của mỗi công ty ở từng giai đoạn khác nhau. Các cơ quan nhà nước về nguyên tắc không có quyền can thiệp vào việc quyết định các phương án kinh doanh của DN. Vì vậy, quy định này có nhiều nguy cơ can thiệp quyền tự quyết của DN và chưa phù hợp với tinh thần của Luật DN. Ngay cả khi giải trình được sự cần thiết của việc xem xét phương án kinh doanh của DN, liệu cơ quan quản lý có đủ năng lực để đánh giá một phương án kinh doanh là hiệu quả hay không hiệu quả? Còn về điều kiện “có địa điểm, trang thiết bị phục vụ kinh doanh lữ hành”, cho thấy quy định quá chung chung và thiếu rõ ràng. Việc dự thảo quy định giao toàn quyền cho Bộ VH-TT-DL quy định cụ thể về các điều kiện về địa điểm, trang thiết bị này là chưa phù hợp, bởi theo Luật Đầu tư các quy định về điều kiện kinh doanh phải nằm trong văn bản cấp Chính phủ trở lên và việc giao cơ quan cấp dưới quy định chi tiết, không có bất kỳ tiêu chí mang tính nguyên tắc hay định hướng nào là trao thẩm quyền quá rộng về điều kiện kinh doanh cho cơ quan này.

Ảnh minh họa: L.THANH

Ngoài ra, ngay cả với quy định rất chung này, một số điểm cũng chưa rõ ràng: Địa điểm ở đây được hiểu là địa điểm kinh doanh hay là địa điểm đặt trụ sở chính. Nếu là địa điểm đặt trụ sở chính, không phải là yếu tố để cơ quan xem xét khi cấp phép đối với hoạt động kinh doanh lữ hành - vốn là lĩnh vực địa điểm kinh doanh và địa điểm đặt trụ sở chính nhiều trường hợp không trùng khớp. Nếu là địa điểm kinh doanh, hoạt động kinh doanh lữ hành có thể diễn ra trong nhiều địa điểm khác nhau và không cố định, không rõ sẽ xem xét đánh giá dựa vào yếu tố và tiêu chí nào?

... đến khi hoạt động

Về điều kiện phải ký quỹ, dự thảo cũng có quy định bất hợp lý, tạo rào cản cho việc hoạt động kinh doanh của DN. Cụ thể, theo dự thảo DN kinh doanh lữ hành phải thực hiện ký quỹ tại ngân hàng nơi DN đóng trụ sở chính. Mức ký quỹ tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của DN (kinh doanh lữ hành nội địa, quốc tế hay đối với khách nước ngoài du lịch tại Việt Nam). Tuy nhiên, yêu cầu về ký quỹ này được cho nhằm bảo đảm trách nhiệm của DN đối với khách du lịch. Mặc dù vậy, trên thực tế điều kiện kinh doanh này dường như không hợp lý và ít ý nghĩa bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, bất hợp lý từ góc độ thị trường. Yêu cầu DN phải ký quỹ tại ngân hàng đồng nghĩa với việc một khoản tiền của DN sẽ bị đóng băng không sử dụng trong quá trình hoạt động. Trong kinh doanh nói chung, một khoản tiền “chết” là điều không bình thường, không hợp lý đối với bất kỳ DN nào. Đối với các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, có ít tiềm lực về mặt tài chính, việc buộc họ phải giữ khoản tiền “chết” này từ khi gia nhập thị trường sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tính cạnh tranh của DN trên thị trường.

Thứ hai, quy định này cũng không cần thiết từ góc độ mục tiêu quản lý. Dự thảo yêu cầu DN kinh doanh lữ hành phải ký quỹ để “giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp DN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với khách du lịch trong hoạt động kinh doanh lữ hành”. Tuy nhiên, mục tiêu này dường như không thật cần thiết. Bởi lẽ, như bất kỳ giao dịch hợp đồng khác, mối quan hệ giữa khách du lịch và công ty kinh doanh lữ hành được điều chỉnh dựa trên các thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu công ty lữ hành không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ đối với khách du lịch, đã có công cụ của hệ thống pháp luật dân sự bảo vệ quyền lợi cho họ. Không có căn cứ hay yếu tố nào cho thấy vi phạm hợp đồng du lịch có nhiều rủi ro hơn các vi phạm hợp đồng khác tới mức cần phải được bảo đảm bằng khoản ký quỹ trước của DN.

Mặt khác, nếu cho rằng quyền lợi của khách du lịch cần được bảo vệ hơn khách hàng của các dịch vụ khác, cần phải có yêu cầu trách nhiệm cao hơn đối với DN kinh doanh lữ hành, nên quy định ký quỹ là chưa hợp lý. Bởi DN kinh doanh lữ hành phải có trách nhiệm “mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch trong nước trong thời gian thực hiện chương trình du lịch” như chính dự thảo quy định. Như vậy, quyền lợi của khách du lịch cũng có thể được bảo vệ thông qua hợp đồng bảo hiểm.

Hà My

Sài Gòn Đầu tư