The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong Thông tư 130/2016/TT–BTC cho Doanh nghiệp

Tọa đàm: “Thông tư 130/2016/TT–BTC và giải pháp cho doanh nghiệp” đã tạo ra cái nhìn đồng thuận, đồng thời chỉ rõ mặt tích cực và hạn chế của Luật thuế GTGT, Thuế TTĐB và Quản lý thuế nói chung của Luật 106/2016/QH và Thông tư 130 của Bộ Tài chính.

DN nhập khẩu ô tô có thể phá sản vì Thông tư 130

Có mặt tại buổi Toạ đàm, hầu hết các DN đều khẳng định rằng, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 130/2016/TT-BTC qui định chi tiết thi hành một số điều Luật sửa đổi, bổ sung luật Thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các thông tư về thuế đã gây rất nhiều khó khăn và “ngỡ ngàng”, thậm chí gây ra phá sản hàng loạt đối với DN nhập khẩu ô tô.

Ông Nguyễn Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc cho rằng, khi Thông tư 20 ra đời gần như 200 DN nhập khẩu ô tô phải giải thể, đóng cửa và chỉ còn lại 20-30 DN nhập khẩu ô tô còn yêu nghề vẫn tìm cách làm riêng để bán. Nhưng vừa rồi ngày 12/8 Bộ Tài chính có ra Thông tư 130 và áp dụng từ 1/7/2016 đã khiến cho gần như 30 DN ngỡ ngàng, bàng hoàng vì có những DN bị truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế.

Ông Tuấn cho biết, ngày 1/7/2016,Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế.

Đến ngày 12/8/2016, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 130/2016/TT-BTC qui định chi tiết thi hành một số điều Luật sửa đổi, bổ sung luật Thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các thông tư về thuế.

Khoản 3 điều 2 (sửa đổi) tại Thông tư số 130/2016/TT-BTC qui định: “Trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 01/7/2016 nhưng bán ra từ ngày 01/7/2016 thì khi bán ra cơ sở kinh doanh phải kê khai nộp thuế TTĐB theo mức thuế suất quy định tại Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế”.

Theo đó, tất cả các loại xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống xuất hóa đơn bán từ ngày 1/7/2016 có dung tích xi lanh từ 3000 cm3 – 4000 cm3 sẽ phải áp thuế TTĐB tăng từ 60% lên 90%. Loại dung tích từ 4000 cm3 – 5000cm3 áp thuế tiêu thụ đặc biệt từ 55% tăng lên 110%; loại từ 5000 cm3 – 6000 cm3 áp thuế TTĐB là 130% (tăng 70%) và loại trên 6000cm3 sẽ áp thuế là 150% (tăng 90%).

“Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý khi đưa ra Luật phải có văn bản hướng dẫn rõ ràng, có lộ trình cụ thể để các DN thích nghi. DN không ngại nộp thuế nhưng các cơ quan quản lý cần phải hỗ trợ giúp đỡ DN”. – ông Nguyễn Tuấn nhấn mạnh.

Là DN vừa và nhỏ ở Hải Phòng, ông Trần Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Mầu Đức cho biết, mặt hàng chủ yếu là ô tô và chỉ nhập khẩu 2 năm nay nhưng so với DN Hải Phòng cũng là DN kinh doanh tốt. Công ty của ông hiện cũng đang chịu vướng mắc rất lớn của Thông tư 130.

Ông cho biết, Thông tư đưa ra lại rơi vào mặt hàng xe tồn và nếu bị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ rất khó khăn. “DN sẵn sàng nộp thuế nhưng có những thông tư đưa ra vượt quá khả năng của DN. Thông tư 130 là một dẫn chứng. Thông tư đưa ra đột xuất và hướng dẫn chưa cặn kẽ khiến DN rất khó có thể vượt qua. Chúng tôi đề nghị các cơ quan thuế, chuyên gia kinh tế, các Bộ ngành nên ủng hộ cho DN vượt qua được khó khăn thách thức hiện nay”.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Thuật – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Quang cho rằng, chính sách khi ban hành với từng DN sẽ có những cái hỗ trợ và cản trở riêng, tuy nhiên “Chúng tôi thực sự mong muốn chính sách đó phải tạo nên sự công bằng, tạo thuận lợi cho DN kinh doanh” – ông nói – “Để nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam tối thiểu mất 3-6 tháng mới có hàng về cảng. Khi hoàn tất các thủ tục về đăng kiểm, ấn định thuế… có những thời điểm mất tới hàng tháng, nhanh nhất mất từ 15-20 ngày. Do đó, các DN thường có lộ trình kinh doanh từ trước đó. Với tình hình xe nhập khẩu kinh doanh như vậy cộng với lộ trình hướng dẫn của Thông tư thì 100% DN không thể thực hiện được”.

“Những DN như chúng tôi sẵn sàng chấp nhận nộp thuế tiêu thụ nội địa tại thời điểm trước 1/7 nhưng phải hài hoà giữa lợi ích của DN và chính sách”. – ông nói.

Còn ông Mai Trần Thanh Hoàn – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Phước Minh khẳng định: “Cơ quan thuế cần xem xét lại cho DN về vấn đề này. Rõ ràng khi Thông tư 130 đưa ra đã khiến cho DN nhập khẩu ô tô không kịp trở tay”.

Ông Nguyễn Đình Quyết – Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hưng Hà cho biết, công ty ông nhập khẩu xe chở tiền nhưng tại thời điểm trước đó không có quy định luật thuế tiêu thụ nội địa, khi Hải quan có công văn về việc phải truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt yêu cầu DN bị truy thu là 15% đã gây bất ngờ và khó khăn cho DN. “Tại thời điểm chúng tôi nhập khẩu có đầy đủ văn bản hướng dẫn nhưng tại thời điểm đó không có văn bản nào hướng dẫn về thuế tiêu thụ đặc biệt cả thì tại sao lại bị truy thu như vậy?” – ông Quyết nói.

Liên quan tới Thông tư 130 ông Quyết cũng cho rằng, việc ban hành Thông tư hướng dẫn thì tính thời hiệu phải là sau 45 ngày để DN còn có sự chuẩn bị, tính toán hợp lý nhưng ở đây lại không như vậy đã khiến cho DN bị bất ngờ và không xoay sở kịp.

Có mặt tại buổi toạ đàm, TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, một chính sách được ban hành phải ổn định, minh bạch và có tính dự báo, chống rủi ro chính sách cho DN, đảm bảo không có sự hồi tố và có quy định về thời gian thực hiện.

“Trên tinh thần như vậy thì thấy Thông tư 130 là đúng tinh thần của luật, thu thuế cho nhà nước, nhằm chống thất thu thuế và gian lận thương mại, đảm bảo hành vi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Thông tư 130 cũng có cái chưa tạo thuận lợi cho DN nhập khẩu ô tô. Do đó, cơ quan ban hành và DN cần phải có sự cân đối hài hoà lợi ích, giãn thời gian thực hiện nhằm giúp và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN”. – ông Phong nói.

Luật sư Nguyễn Quang Anh – Giám đốc Công ty Luật Sao Việt cho biết, mỗi một chính sách thuế đưa ra đều điều chỉnh các nhà nhập khẩu, sản xuất. Về cơ bản chính sách cần phải ủng hộ DN tuy nhiên ủng hộ ở mức độ như thế nào để các bên đều chấp nhận được. “Tôi nghĩ trước khi thực hiện chính sách phải có văn bản hướng dẫn cụ thể. Các DN khi thực hiện phải khai báo hàng hóa tồn, đưa quy chế đối với các trường hợp hàng tồn trước đó”. – Luật sư Nguyễn Quang Anh nói.

Tọa đàm “Thông tư 130/2016/TT–BTC và giải pháp cho doanh nghiệp” do Báo DĐDN phối hợp với Ban pháp chế (VCCI) tổ chức vào chiều 28/12/2106 tại trụ sở VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Hữu Tân – Vụ Phó Vụ Chính sách Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính); Ông Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia Kinh tế; Luật sư Nguyễn Quang Anh – Giám đốc Công ty Luật Sao Việt; Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, thuộc Phòng TM và CN Việt Nam; Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Trần Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Mầu Đức; Ông Nguyễn Đình Quyết – Giám đốc Công ty CP Thương mại Hưng Hà; Ông Vũ Nam Chung – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Gia Vũ; Ông Đõ Văn Thuật – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Quang; Ông Nguyễn Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc.

Giải pháp nào giúp DN “thoát khó” ?

Ông Nguyễn Hữu Tân – Vụ Phó Vụ Chính sách Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, với Luật số 106/2016/QH hầu hết các ý kiến đều thấy DN ô tô đang có những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Việc nắm bắt tìm hiểu thông tin về quy định luật là rất cần thiết đối với DN để tránh được việc chưa hiểu hoặc dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện.

Theo ông Tân, trước khi ban hành Luật 106, Ban soạn thảo đã có một hành trình dài chuẩn bị từ việc lấy ý kiến của Quốc hội, các ngành, các cấp thông qua các kênh trực tiếp và qua VCCI.

Ngày 06/04/2016, Quốc hội đã thông qua Luật số 106/2016/QH13- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế nhằm tiếp tục thực hiện việc đơn giản công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập. Luật này có hiệu lực từ 1/7/2016.

Trong quy định của luật này có những nội dung liên quan đến các DN ô tô. Đặc biệt là phần sửa đổi bổ sung một số điều của thuế TTĐB. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có ô tô, thì hiệu lực thi hành của Luật trong đó có thuế suất quy định từ 1/7/2017.

“Trong quá trình thực hiện, có thể dẫn đến hệ quả chưa tốt cho doanh nghiệp bởi thực tế có những loại thuế xuất giảm đi, nhưng cũng có những loại lại tăng lên và các bước thực hiện đều có quy trình lộ trình cụ thể”. – ông Tân nói.

Theo ông Tân, ngay sau khi thông tư 130 được ban hành, giải thích về thời điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt mới, Bộ Tài chính cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại xe ô tô có dung tích cao từ 1/7/2016 nhằm chống thất thu thuế và gian lận thương mại.

Đáp lại quan điểm của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho rằng cách tính thuế như vậy là bất hợp lý và đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.

“Tuy nhiên, các DN cần phải hiểu hàng nhập khẩu trước 1/7/2016 thì chịu thuế suất trước đó, còn nếu bán ra từ 1/7/2016 thì các loại xe kể cả nhập khẩu và nội địa đều phải chịu thuế TTĐB như nhau. Vì vậy, Thông tư 130 trước hết phải hướng dẫn thực hiện theo Luật 106 để thống nhất, tránh việc hiểu chưa rõ sinh ra hệ quả, dẫn đến sai sót”. – ông Tân nói.

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, thuộc Phòng TM và CN Việt Nam nhất trí với quan điểm của ông Tân rằng quy định thời điểm Luật có hiệu lực thì các DN phải tuân theo. Thế nhưng, ông Đậu Anh Tuấn vẫn băn khoăn về thời điểm bởi khi đọc Luật 106, hàng hóa bán trước 1/7/2016 chưa xuất hóa đơn làm sao có thể áp dụng theo luật. Có thể đến tháng 8 hoặc tháng 9 DN mới xuất được hóa đơn, vậy sẽ tính như thế nào?

Phản hồi vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tân cho rằng thủ tục nộp thuế TTĐB ở Tổng cục Hải quan thuộc về DN kê khai thuế nhập khẩu. Đối với khâu nhập khẩu thủ tục kê khai thuế TTĐB quy định từ 1/7/2016, còn trước thời điểm đó vẫn theo mức thuế cũ.

“Ở Luật 106 có nội dung hàng nhập khẩu trước 1/7 thực hiện theo quy định của luật trước 1/7, còn từ 1/7 thực hiện theo quy định của Luật 106. Việc kê khai thuế TTĐB khi bán ra ở trong nước phải xuất hóa đơn vì đây là cơ sở để kê khai thuế”. – ông Tân khẳng định.

Luật 106 cũng quy định rõ, giá xuất ra sau 1/7 sẽ được trừ đi thuế TTĐB đã kê khai ở Hải quan khi nhập khẩu trước đó. Trong luật 106 cũng như Thông tư 130, việc xác định giá tính thuế là do người nộp thuế và người kinh doanh xác định, nhà nước không ấn định, trừ trường hợp theo Luật quản lý thuế mà việc phản ánh không đúng thực tế, không phù hợp với giá thực tế, khi đó, Luật Quản lý thuế mới áp dụng. Còn việc kê khai nộp thuế là DN tự kê khai, nộp thuế trên cơ sở bán hàng của DN.

Để làm rõ hơn vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết: “Chúng ta đang hiểu việc áp dụng thuế TTĐB từ 1/7/2016 nhưng sản phẩm chúng ta nhập khẩu về là trước thời điểm này, Thông tư 130 lại hướng dẫn xuất hóa đơn sau 1/7 tính theo giá mới. Từ đó, mới có những doanh nghiệp, ví dụ như DN của Mầu Đức hai năm nay không bán được xe, bởi sau 1/7 bán xe, DN bị truy thu cả trăm triệu/xe”.

Về trường hợp này, ông Tân cho rằng DN đang hiểu chưa đúng về Thông tư 130 bởi nếu phản ánh Thông tư 130 về xuất hóa đơn, chúng ta có thể thấy, Thông tư này hướng dẫn DN nhập khẩu ô tô trước 1/7 nhưng bán ra từ 1/7 đều áp dụng theo thuế suất của Luật 106.

Luật 106 có 2 khâu, ở khâu nhập khẩu thì nộp thuế TTĐB khi nhập vào và bán ra, tuy nhiên, khi bán ra, DN lại được trừ thuế TTĐB khi đã nộp lần đầu. Như vậy, tương ứng với việc xe ô tô đó dù có nhập khẩu, hay hàng nội địa thì khi bán ra ở trong nước đều phải áp dụng chung một mức thuế ở cùng một thời điểm.

Làm rõ thêm về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, hiện nay mỗi xe hơi lăn bánh ngoài đường phải chịu thuế TTĐB. Xe sản xuất trong nước khi bán ra phải nộp thuế TTĐB, nhưng xe nhập khẩu thì phải 2 lần nộp thuế này mặc dù sau đó khi bán ra được khấu trừ lần nộp thuế thứ nhất. Tuy nhiên, đối với các nhà nhập khẩu, xe nhập trước 1/7/2016 và bán ra sau 1/7/2016 đều có rủi ro lớn cho DN nhập khẩu, bởi có nhiều xe nhập khẩu không bán ra được, cứ để đấy cho đến lúc trở thành một đống sắt vụn hay hàng thanh lý rồi bán ra thì vẫn phải chịu mức thuế TTĐB theo Luật 106, điều này sẽ gây khó khăn cho DN.

Ở góc độ DN, ông Đỗ Văn Thuật nêu ý kiến đồng ý là pháp luật thì phải công bằng, nhưng thực tế của DN lại muôn hình muôn vẻ, vì vậy, nếu không có sự điều chỉnh mà cứ giữ nguyên mức thuế TTĐB như quy định thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN.

Tại Tọa đàm, nhiều doanh nghiệp bày tỏ nỗi băn khoăn khi Luật thuế TTĐB có hiệu lực từ ngày 1/7, nhưng lại không có thời gian hướng dẫn ngay mà đến 42 ngày sau mới có Thông tư 130 ra đời (ngày 12/8). Điều đáng nói, Thông tư 130 cũng lại có hiệu lực từ ngày 1/7. Điều này đã kKhiến doanh nghiệp không kịp “trở tay” khi bị truy thu thuế với những hóa đơn xuất sau ngày 1/7.

Trong khi đó, mức giá bán cho cá nhân doanh nghiệp đã định khi ký hợp đồng nên khi bị truy thu số tiền thuế nên đến hàng tỷ đồng doanh nghiệp lại không thể truy thu của khách hàng, khiến doanh nghiệp phải tự nộp số tiền truy thu này cho cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng Thông tư 130 ra đời quá muộn, việc hướng dẫn doanh nghiệp viết hóa đơn quá trễ.

Doanh nghiệp kiến nghị, khi Thông tư 130 ra đời cần có lộ trình, thời gian để áp dụng. Ví dụ như thông tư ra đời từ 1/7 thì phải có ít nhất 45 ngày sau để cho doanh nghiệp chuẩn bị, như thay đổi quy định áp dụng thu thuế mới với những hóa đơn sau ngày 1/10 thì sẽ hợp lý hơn cho doanh nghiệp.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, “cái khó” của Bộ Tài chính là đã ban hành thông tư nên việc thay đổi là rất khó.

Do đó, theo ông Phong, thông tư phải có mục giải quyết tranh chấp để xử lý những trường hợp dồn lại ở thời điểm hồi lực vướng. Thuế thu nhập đặc biệt là thuế cá nhân, người mua phải trả, DN chỉ có quyền để thu thôi, nên điều này nhà nước phải tự làm lấy – gửi đăng kiểm về cho khách hàng để thu, bởi DN không có chế tài và căn cứ nào để thu. Nhà nước nên đặt mình vào vị trí của DN để hiểu được điều đó

Hiền Phương – Hằng Ngọc – Quốc Tuấn

Enternews