The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Giám đốc VCCI Cần Thơ: Phải kiên trì để cải thiện PCI khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Trao đổi với Phóng viên DĐDN, TS.Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI-Cần Thơ) cho biết, với sự nỗ lực và kiên trì thực hiện của các địa phương, chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh PCI của vùng ĐBSCL tiếp tục được cải thiện.

TS.Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ.

- Thưa ông, xin ông cho biết đôi nét những chuyển biến trong cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 tại khu vực ĐBSCL?

PCI của khu vực đã nhiều năm ổn định ở mức tốt. Năm 2015 điểm trung vị vùng đứng cao nhất cả nước, trong 10 chỉ tiêu cải thiện mạnh mẽ nhất thì vùng ĐBSCL đã chiếm hết 6.

Nếu như năm 2015 chỉ có 1 tỉnh nằm trong nhóm tốt, một tỉnh ở nhóm thấp thì 2016 đã có sự cải thiện mạnh mẽ, có 2 tỉnh nằm trong nhóm tốt là Đồng Tháp và Vĩnh Long.

Top 15 của PCI 2016 cũng có 6 tỉnh thuộc ĐBSCL. Ngay như địa phương nằm ở nhóm thấp như Cà Mau cũng đã nỗ lực tăng 6 bậc, vươn lên nhóm trung bình. Điều này đã góp phần là cho "bức tranh" PCI của khu vực thêm nhiều sắc tím, xanh hơn.

Trong khi đó, tỉnh An Giang chọn cách cải thiện điểm số thông qua các mô hình cụ thể như cà phê doanh nhân vào ngày thứ sáu, gặp gỡ, lắng nghe xử lý các yêu cầu khiếu nại DN và đang chuẩn bị tiến tới đánh giá cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh các sở ban ngành và quận huyện. Tỉnh Sóc Trăng trụ hạng nhưng đã có cải thiện về điểm số và lọt vào nhóm tốt.

Còn Tiền Giang- tỉnh mạnh trong thu hút đầu tư nhưng chỉ số PCI còn thấp, điều đáng mừng là ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới đã có sự quyết tâm hơn về cải thiện chỉ số PCI. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã tạo sự thay đổi tích cực khi tăng 13 bậc từ hạng 19 lên hạng 6 và là gương mặt "Á quân" mới của khu vực.

Ở vị trí Top dẫn đầu như Đồng Tháp thì bên cạnh duy trì cà phê doanh nhân, lãnh đạo địa phương còn trực tiếp đi cơ sở gặp gỡ tiếp xúc với DN, nông dân, lắng nghe chia sẻ và phát hiện các mô hình hay để trên cơ sở đó đưa ra chính sách phù hợp. Cách làm của Đồng Tháp đang đi gần DN hơn nữa, qua đó nắm bắt được khó khăn uẩn khúc của DN để đưa ra chính sách phù hợp.

-Theo phân tích của ông thì nhiều năm liền chỉ số PCI của khu vực đứng ở thứ hạng cao, thế nhưng vì sao thu hút đầu tư cũng như số DN thành lập mới ở đây còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là rất thấp?

Đây là một câu hỏi hay và cũng là nỗi trăn trở của chuyên gia kinh tế lãnh đạo các địa phương. Thế nhưng, nếu đặt vấn đề ngược lại: ĐBSCL không có nỗ lực cải thiện PCI thì điều gì sẽ xảy ra?

Thu hút đầu tư không đơn thuần là môi trường kinh doanh tốt. PCI đánh giá dựa vào 10 chỉ số thành phần nhưng đây chỉ là yếu tố mềm về cải cách hành chính, thái độ quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.

Để thu hút đầu tư còn một số yếu tố không kém phần quan trọng là lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, sự phát triển của đô thị, dịch vụ, công nghiệp phụ trợ ...những điều này PCI không đánh giá được.

Cho dù Hà Nội, TP.HCM có chỉ số PCI thấp đi nữa nhà đầu tư vẫn đến vì từ xa xưa nơi đây đã được lựa chọn là trung tâm với cơ sở hạ tầng thuận tiện, dịch vụ tốt. Tất nhiên, nếu hai đô thị lớn này có thứ hạng PCI cao thì càng hấp dẫn nhà đầu tư.

Trở lại câu chuyện thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL thì hạn chế lớn nhất vẫn là vị trí địa lý và hạ tầng giao thông. Nhiều thập kỷ nay chúng ta luôn ca tụng ĐBSCL có lợi thế là vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước mà chưa đề cập đến lợi thế trên các lĩnh vực khác.

Lợi thế về nông nghiệp không thì chưa đủ để thu hút đầu tư mà đầu tư vào nông nghiệp không chỉ là công nghiệp chế biến vì lĩnh vực này đơn giản nên nhiều DN trong nước đã làm rồi. DN FDI cũng không mặn mòi với lĩnh vực chế biến giản đơn mà chỉ nhắm vào ngành nghề có tính chất phức tạp, giá trị gia tăng cao hơn như: sản xuất máy móc thiết bị phục vụ công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, may mặc...do đó rất cần kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển và dịch vụ logistics. Trong khi đó đường cao tốc thì chỉ mới về đến Trung Lương. Cảng biển cũng chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu khai thác.

Tuy nhiên, những dấu hiệu thu hút đầu tư vào vùng cũng đang cải thiện, năm 2016 đã thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, chiếm khoảng 8-9% so với cả nước trong khi trước đây tối đa chỉ khoảng 5%. Nét mới trong thu hút FDI 2016 là dự án lớn đã vào Vĩnh Long, Cần Thơ chứ không loanh quanh các tỉnh vùng ven TP.HCM như Long An, Tiền Giang.

Như vậy, tuy còn yếu kém về hạ tầng giao thông cảng biển, nhưng nhờ cải thiện chỉ số PCI hay nói cách khác là PCI đi trước đã tạo được sự chú ý cho nhà đầu tư và bước đầu đã những chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư.

-Theo ông những giải pháp nào sẽ giúp khu vực ĐBSCL tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới?

PCI không phải là phần thưởng mà là trách nhiệm rồi kèm theo đó mới là phần thưởng. Một địa phương có chỉ số PCI tốt thì chắc chắn hình ảnh sẽ được cộng đồng DN đánh giá cao và ưu tiên lựa chọn đầu tư. Ngược lại địa phương có chỉ số PCI thấp thì cũng làm cho DN hoài nghi về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Kinh nghiệm trong thực hiện cải thiện chỉ số PCI cho thấy, những địa phương "đánh trống phất cờ" một hai lần mà không thấy cải thiện rồi chùng xuống thì rất khó cải thiện thứ hạng. Để cải thiện chỉ số PCI thì phải kiên trì và chấp nhận độ trễ của kết quả.

Còn nhớ vào năm 2013, PCI của TP.Cần Thơ đang ở hạng 9 thì sang năm 2014 rớt đến 6 bậc xuống hạng 15, tách khỏi nhóm tốt, rất căng thẳng. Lúc đó Chủ tịch thành phố là ông Lê Hùng Dũng cũng rất nỗ lực tìm nhiều giải pháp để cải thiện nhưng một năm sau cũng chỉ tăng một bậc, tuy không vui nhưng địa phương này vẫn kiên trì thực hiện. Đến năm 2016 tuy Cần Thơ chỉ tăng 3 bậc nhưng điểm số được cải thiện và từ nhóm khá vươn lên nhóm tốt.

Năm nay, chủ đề mà VCCI- Cần Thơ đề ra là gắn PCI với thúc đẩy phong trào khởi nghiệp với mong muốn tạo sự hào hứng cho giới trẻ sáng tạo nhân tố mới thu hút sự chú ý cho nhà đầu tư để cùng hợp tác đưa phong trào khởi nghiệp của vùng phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Huỳnh Khởi thực hiện

Enternews