The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển

Năm 2017 phải là năm có dấu ấn mạnh mẽ trong việc rà soát cơ chế, chính sách và thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp - Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa khẳng định điều này tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua.

Trên thực tế, phản ánh từ phía nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân cho rằng áp lực từ thuế, phí, thủ tục hành chính đang là rào cản rất lớn, hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhằm phân tích rõ hơn về vấn đề này, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chi phí đầu vào cho doanh nghiệp tư nhân theo tinh thần Nghị quyết TW5 khóa 12 về phát triển kinh tế tư nhân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “ Giảm gánh nặng chi phí, thúc đấy doanh nghiệp tư nhân phát triển” vào sáng 23/8, tại Hà Nội.

Dù đã có những thay đổi tư duy từ một Chính phủ kiến tạo nhưng rõ ràng, chi phí chính thức và không chính thức là 2 vấn đề lớn, tồn tại từ rất lâu, là gánh nặng của doanh nghiệp.

Bình luận về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, hơn 60% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận phải chi trả các loại chi phí không chính thức.

Thêm vào đó là tình trạng chồng chéo các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cơ chế thanh kiểm tra chuyên ngành...Các điều kiện điều kiện kinh doanh đang quy định ở nhiều văn bản khác nhau rất đa dạng, phức tạp, chồng chéo về phạm vi quản lý, rất nhiều thủ tục quy định ở các nghị định, thông tư, quyết định gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp. Đòi hỏi, phải có sự thay đổi trong cách rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, một cách hiệu quả và hợp lý hơn từ các Bộ ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Ông Phan Đức Hiếu, cho biết: "Cách làm hiện nay là giao cho các Bộ ngành tự rà soát, tự giám sát và cắt giảm. Tôi nghĩ cách làm này không hiệu quả. Một đơn vị vừa ban hành, thực hiện và tự cắt giảm hoặc bãi bỏ cơ chế do mình tạo ra. Nên có một sự giám sát và phản biện song song. Ví dụ một số nước sẽ có các cơ quan, đơn vị rà soát song song, sau đó thông qua một cơ quan trọng tài, tất nhiên vẫn đề cao tính tự chịu trách nhiệm rà soát các thủ tục của các bộ ngành chủ quản, sau đấy mới thống nhất đề xuất lên Chính phủ, quốc hội. Như vậy thì việc cải cách thủ tục hành chính mới hiệu quả và có tính toàn diện".

Đồng tình với đề xuất phải tăng cường sự phản biện trong việc ban hành các chính sách quản lý, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh mà cộng đồng doanh nghiệp phải tuân thủ, đảm bảo khách quan, khoa học, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cũng nhấn mạnh, quan trọng hơn là tính minh bạch trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính để giảm thiểu sự tùy tiện, chủ quan của các cấp quản lý.

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ chọn là Năm giảm chi phí doanh nghiệp và “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” cũng là một trong hai vấn đề then chốt mà Chính phủ ưu tiên giải quyết trong số hàng ngàn kiến nghị của doanh nghiệp nhằm thiết thực triển khai NQTW5 về phát triển kinh tế tư nhân.

Điều đó một lần nữa khẳng định, vấn đề chi phí của doanh nghiệp phải được nhận diện đúng mức để có những cải cách điều chỉnh, phù hợp, tạo điều kiện để mở đường cho kinh tế tư nhân trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại quốc tế.

B.T