Giảm mạnh các chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp
17 Tháng 6, 2021
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những chính sách, giải pháp nhằm giảm gánh nặng về chi phí tuân thủ thuế và đã có nhiều kết quả tích cực mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.
Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính về thuế là nhóm thấp nhất
Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020) được Chính phủ công bố ngày 17/3/2021, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính về thuế là nhóm thấp nhất, trung bình 267 nghìn đồng. Cụ thể, thời gian thực hiện thủ tục thuế giảm 19% và chi phí trực tiếp giảm 79% so với năm 2019, dẫn đến tổng chi phí tuân thủ giảm 66%.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, lĩnh vực thuế đã có nhiều chuyển biến tích cực so với các năm trước, tuy nhiên, cần tiếp tục cải thiện nhiều hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), tiếp tục giảm chi phí tuân thủ trong lĩnh vực thuế, đặc biệt là các chi phí không chính thức.
Cả 2 Báo cáo APCI 2020 và Báo cáo PCI 2020 đều ghi nhận mức giảm trong chi phí tuân thủ thuế của các DN cả chính thức và phi chính thức nhờ vào nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Điển hình như, điện tử hóa việc kê khai, thu nộp thuế, giảm thời gian giải quyết các thủ tục cũng như chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” các thủ tục đối với DN.
Báo cáo APCI 2020 tập trung vào các thủ tục nhằm hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với DN, khai quyết toán thuế thu nhập DN, khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, trong khi thủ tục về thuế còn nhiều mảng công việc và quy trình khác, trong khi Báo cáo CPI thực hiện khảo sát nhiều thủ tục hơn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chi phí tuân thủ thuế càng thấp thì người nộp thuế dễ dàng tuân thủ các quy định của TTHC thuế. Chi phí tuân thủ thuế càng lớn càng làm gia tăng khả năng tránh thuế của DN. Như vậy, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục giảm chi phí tuân thủ thuế thông qua các giải pháp đổi mới, cải cách.
Giải pháp giảm thiểu chi phí tuân thủ thuế
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường áp dụng một cách triệt để và tối ưu việc điện tử hóa các thủ tục hành chính thuế như đã làm trong những năm gần đây. Kết quả cắt giảm thời gian và chi phí tuân thủ theo Báo cáo APCI 2020 là rất tốt, đưa mức đánh giá của người nộp thuế đối với việc cải cách của cơ quan thuế lên đứng đầu trong 9 nhóm thủ tục được khảo sát.
Mặc dù vậy, cần tiếp tục triển khai việc quản lý kê khai, thu nộp thuế đến toàn bộ DN, đồng thời với việc triển khai tốt hơn việc áp dụng hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp. Thời hạn áp dụng hóa đơn điện tử bắt buộc trước được được quy định là từ 1/11/2020 đã phải lùi sang 01/7/2022 vì nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là ở phía DN.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ người nộp thuế đối với các TTHC thuế trên internet bằng việc xây dựng các nội dung hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn để giúp DN tiếp cận ngay và thực hiện dễ dàng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc giải đáp các thắc mắc, phản hồi các yêu cầu của DN cũng như hỗ trợ các thủ tục, đặc biệt là các thủ tục được phản ánh gây nhiều phiền hà, mất thời để giảm thời gian tìm hiểu và thực hiện các thủ tục của DN.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế và cải cách công tác quản lý thuế. Quy trình thực hiện các thủ tục hiện nay đã được đơn giản hóa rất nhiều, nhưng cần đơn giản hơn nữa. Cần sớm áp dụng cơ chế “thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế” (APA) trong quản lý thuế.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư hướng dẫn vấn đề này nhằm cụ thể hóa Điều 41 của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Thông tư này được ban hành sẽ giúp DN có thể chuẩn bị trước về việc xác định APA dựa trên kế hoạch, thông tin dự kiến của chính DN, tạo sự chủ động trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, khai và nộp thuế nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ thuế.
Thứ ba, kiểm soát các tình huống gây phát sinh chi phí không chính thức của DN trong thực hiện các TTHC về thuế, đặc biệt trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra. Để làm được điều này, cần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra rõ ràng, minh bạch trên cơ sở phân tích, đánh giá DN có rủi ro như đã đề cập trong phần trên, hạn chế thanh tra, kiểm tra tràn lan, không có trọng điểm.
Bên cạnh đó, cần giám sát kết quả thanh tra, kiểm tra một cách nghiêm ngặt kết hợp với mở rộng kênh phản hồi, khiếu nại kết quả thanh tra của DN với cấp trên có thẩm quyền…
Chi phí tuân thủ thuế mặc dù đã giảm mạnh nhờ vào các nỗ lực cải cách của toàn ngành Thuế, nhưng thực tế sẽ tiếp tục phát sinh vướng mắc ngoài ý muốn, dẫn mất thời gian cho DN và cơ quan quản lý thuế. Vì vậy, cần hiểu rõ các tác động của chí phí tuân thủ này lên hoạt động của DN và tìm ra giải pháp giảm hơn nữa chi phí tuân thủ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể an tâm sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và mở rộng hoạt động.