Giấy phép con “hạ gục” doanh nghiệp
Trong quá trình nước rút rà soát, chỉnh sửa hiện nay, nhiều bộ, ngành không những không loại bỏ điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền mà còn “sáng tạo” thêm!
Để đạt mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh , xây dựng tinh thần khởi nghiệp để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nhân. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn trên 6.000 giấy phép con mà hơn một nửa trong số đó được ban hành trái luật đã làm không ít DN lao đao.
“Một rừng đinh”
Theo Luật DN, từ ngày 1-7 tới, nếu những điều kiện kinh doanh (ĐKKD) của các bộ, ngành ban hành trước đây không được nâng thành nghị định thì sẽ hết hiệu lực. Nghị quyết về triển khai thi hành Luật DN, Luật Đầu tư đã nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành trong việc rà soát những ĐKKD, quy định đúng thẩm quyền của Luật Đầu tư và phụ lục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, tiến độ triển khai những việc này rất chậm, nhất là đưa các ĐKKD từ thông tư lên nghị định.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ví ĐKKD giống như một rừng đinh có khả năng gây sát thương cao đối với DN. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 DN mới được thành lập nhưng số giải thể , ngừng kinh doanh cũng lên đến khoảng 60.000.
Con số này, xét trong điều kiện kinh tế không có biến động, số lượng DN đã bão hòa thì sẽ được xem là bình thường. Còn trong bối cảnh tỉ lệ DN tính trên đầu người vẫn còn thấp như ở Việt Nam thì số DN phá sản như trên là bất thường. Trong số những DN rút khỏi thị trường, chắc chắn có những DN bị “hạ gục” bởi ĐKKD, giấy phép con.
Một con số được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân gần đây cũng cho thấy DN đang đuối sức: Cả nước có 980.000 DN nhưng chỉ có hơn 520.000 DN đang hoạt động, được cấp mã số thuế.
Góp phần “tiêu diệt” doanh nghiệp
Một trong những lĩnh vực “kêu” nhiều nhất về ĐKKD là nhập khẩu ô tô - bị điều chỉnh bởi Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại Kylin-GX, cho biết trước đây, các DN nhập khẩu ô tô nhập rất nhiều mẫu xe mới với giá cạnh tranh nhưng sau năm 2011, việc kinh doanh không còn thuận lợi. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất ô tô thường chỉ cần một đại lý ở Việt Nam nên các DN thương mại không thể lo được giấy ủy quyền chính hãng như quy định tại Thông tư 20/2011. Các DN phải kinh doanh xe cũ, còn DN nước ngoài ung dung đặt đại lý ở Việt Nam.
Theo ông Hùng, DN của ông đã đặt cọc hàng triệu USD cho đối tác nước ngoài để nhập xe nhưng nay không thể tiếp tục kinh doanh được. “Có thể nói Thông tư 20/2011 đã góp phần tiêu diệt DN nhập khẩu ô tô. Chúng tôi từng viết tâm thư lên Thủ tướng mong được tháo gỡ và tiếp tục chờ đợi” - ông Hùng bức xúc.
Các DN ô tô cũng lo lắng sau ngày 1-7, Thông tư 20 được nâng cấp thành nghị định mà không có đối thoại với DN, không điều chỉnh thì DN nhập khẩu ô tô của Việt Nam không còn cơ hội kinh doanh. Khi đó, thị trường sẽ rơi vào tay DN ngoại.
Nguy cơ nhũng nhiễu
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, phân tích: ĐKKD có thể giúp đạt được các mục tiêu về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội... song nó cũng gây ra nhiều hậu quả đối với DN. Đó là giảm tính cạnh tranh của thị trường, tăng cơ hội độc quyền; giảm tính năng động, đổi mới của DN; có khả năng dẫn đến việc tăng giá, giảm chất lượng và dịch vụ đi kèm cho người sử dụng và đặc biệt là có nguy cơ gây tiêu cực, nhũng nhiễu.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), có tới 11% trong tổng số hơn 110.000 DN được điều tra cho biết phải trả các chi phí không chính thức lên tới 10% tổng doanh thu. 65% DN cho rằng tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan quản lý các cấp khi giải quyết thủ tục cho DN diễn ra rất phổ biến.
Đáng lưu ý là trong quá trình nước rút rà soát ĐKKD hiện nay, nhiều bộ, ngành không những không loại bỏ ĐKKD trái thẩm quyền mà còn “sáng tạo” thêm. Ví dụ, tờ trình dự thảo kinh doanh mũ bảo hiểm của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy ngoài việc nâng cấp các nội dung từ thông tư lên nghị định còn bổ sung nhiều ĐKKD khác như: DN phải có hệ thống phân phối, nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất… Như vậy, DN chưa có giấy phép hoạt động đã phải tổ chức hệ thống phân phối là quy trình rất ngược.
Thậm chí, tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải về kinh doanh vận tải biển còn lo ĐKKD thoáng quá, DN bị lỗ nên phải siết chặt thêm. Tờ trình này nêu “trong thời gian qua, do ĐKKD đơn giản, nhiều DN vận tải biển được thành lập với năng lực khai thác của các chủ tàu rất hạn chế, kinh doanh khó khăn, nợ quá hạn kéo dài, thu không bù được các chi phí… Do đó, cần thiết phải bổ sung một số điều kiện nhằm nâng cao chất lượng kinh doanh vận tải biển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển”.
Luồn lách để tồn tại
Trong khi các bộ, ngành, thậm chí cả địa phương, “vô tư” ban hành ĐKKD suốt những năm qua thì DN phải tìm mọi cách luồn lách để tồn tại.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng một chỉ thị của địa phương thôi cũng khiến DN lao đao. Năm 2010, Hà Nội có chỉ thị tạm dừng cấp phép kinh doanh taxi nên nhà đầu tư phải thành lập DN ở các tỉnh lân cận rồi mang xe về TP này kinh doanh. Như vậy, trong thực tế, chỉ thị hạn chế kinh doanh taxi không có hiệu quả nhưng lại làm tăng thêm chi phí cho DN vì phải đi đường vòng.
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư:
Không giảm mà còn tăng
Sau 16 năm có Luật DN, số giấy phép con do các bộ, ngành, địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn tăng vọt. Không cần phải chờ đến ngày 1-7, hàng ngàn quy định tại các thông tư không được nâng cấp thành nghị định mới là trái luật mà vấn đề này đã diễn ra cả chục năm qua.
Năm 2000, Nghị định 03/2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DN đã ghi rõ những văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành hoặc cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD các ngành nghề đó đều không có hiệu lực thi hành. Luật DN 2005 cũng quy định rõ bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD. Luật Đầu tư 2014 một lần nữa nhắc lại vấn đề này với một điểm khác biệt là Chính phủ cũng không còn được ban hành ĐKKD như trước đây.
Theo Luật Đầu tư, chỉ còn 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, nếu cứ chép lại ĐKKD trong các thông tư vào nghị định hay căn cứ ban hành ĐKKD không có cơ sở hợp lý thì không những gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh mà còn trái với Luật Đầu tư.
Làm méo mó thị trường
ĐKKD đặt ra là vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Nếu không công tâm và hiểu đúng về các quy định này, ĐKKD sẽ rất mù mờ, như: quy định vốn pháp định, kho chứa gạo đối với DN kinh doanh gạo hay quy định số lượng vỏ bình gas, dung tích bể chứa, số lượng đại lý đối với DN kinh doanh gas. Nó sẽ là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nhóm lợi ích, làm méo mó thị trường. Nó cũng tạo ra cơ chế xin - cho, kiểm tra thường xuyên... là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.
Chính vì vậy, cuộc chiến với giấy phép con đã dai dẳng suốt gần 20 năm qua. Có những ĐKKD được loại bỏ nhưng cuối cùng lại được khôi phục với tính chất phức tạp hơn.
Lẽ ra, việc rà soát ĐKKD đề loại bỏ những quy định không hợp lý phải được tiến hành từ 2 năm trước. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được thực hiện đúng tiến độ. Chỉ đến khi Thủ tướng không cho lùi, các bộ, ngành mới chạy đua nước rút thực hiện. Cách làm việc như vậy có thể dẫn đến tình trạng nhiều ĐKKD chỉ thay vỏ chứ không có chuyển biến về chất lượng.