Gỡ khó cho doanh nghiệp: Lắng nghe, chia sẻ và hành động
Không thể “trên trải thảm dưới rải đinh”
Mới đây theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cộng đồng DN đã bày tỏ ý kiến rằng, họ vẫn bị “hành” khi giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, cấp phép đầu tư… Theo báo cáo PCI, hơn 66% DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị cán bộ thực thi công vụ dùng các quy định để nhũng nhiễu; 59% DN nói rằng “công việc được giải quyết sau khi chi tiền bôi trơn”; khâu làm thủ tục thông quan cũng khiến gần 59% DN phải chi tiền. Tỷ lệ DN cho biết họ phải chi phí cho TTHC tăng qua các năm (từ 50% năm 2013), lên tới 66% năm 2015). Nhiều DN nói, các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Đặc biệt, vẫn có tới 65% DN cho biết “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến”.
Dẫn những con số để thấy rằng, nền hành chính của chúng ta có chuyển động sau Nghị quyết 19 của Chính phủ nhưng vẫn chưa thực sự chuyển mình, chưa thể coi đó là nền hành chính trong sạch, mang tính phục vụ. Tức là nền hành chính chưa thích ứng được với sự phát triển, chậm đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển chung. Hệ quả là các DN trong nước vẫn yếu về tính cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Sự vô cảm, thiếu hiểu biết của cơ quan thực thi công vụ hoặc sự cố tính gây khó DN để đạt được những mục đích khác của cán bộ đã khiến nhiều ĐBQH phải thốt lên “rừng TTHC”, “ma trận TTHC” sẽ kéo chậm bánh xe của quá trình cải cách. ĐBQH tỉnh Quảng Trị ông Lê Như Tiến cho rằng, mặc dù chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện để kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện tại nhiều địa phương vẫn còn khoảng cách xa so với thực tế.
Ông Tiến chỉ rõ, đến nay vẫn có tình trạng nhà đầu tư bị làm khó như như cắt nước, cắt điện, lấp đất chặn cửa; đòi tiền lót tay, bôi trơn… Những vấn nạn này, theo ông Tiến là đang “làm DN khốn đốn, doanh nhân nản lòng”. Vị đại biểu dẫn lại nhận xét của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu ra trước đó, rằng “đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim”, và đưa ra lời cảm thán: “Tuy là mời gọi nhà đầu tư nhưng trên trải thảm, dưới rải đinh”.
Đẩy mạnh cải cách
Trước thực trạng này, nhiều địa phương đã có những động thái tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN đồng thời cải thiện môi trường đầu tư của chính địa phương mình. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng DN trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng khẳng định luôn tạo điều kiện tốt nhất để các DN phát triển đầu tư, kinh doanh. Lãnh đạo và các ban, ngành của TP sẽ lắng nghe DN để từ đó có những chính sách đổi mới làm sao tạo thuận lợi hơn cho DN và nhà đầu tư.
Còn tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quyết định số 1613/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN trên địa bàn TP. Theo đó, BCĐ này có nhiệm vụ lập kế hoạch, chỉ đạo các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN trên địa bàn.
Đặc biệt, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới yêu cầu tháo gỡ mọi rào cản về thể chế. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị ngày 17/4, trước hàng trăm nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ tinh thần của Chính phủ là kiến tạo phát triển. Chính phủ hành động, phục vụ, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho người dân, DN. Thủ tướng nói: “DN là tiên phong”, vì thế Nhà nước, với vai trò kiến tạo, sẽ là hậu thuẫn quan trọng nhất cho DN. Việc phân định rõ vai trò nhà nước - DN như vậy chính là điều kiện tiên quyết để nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, không làm thay DN, mà tập trung hoàn thiện thể chế, để thị trường và xã hội làm những việc mà xã hội và thị trường có thể làm tốt hơn.
Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng đã yêu cầu thực thi ngay 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, về chính sách lâu dài, phải sớm trình Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với tầm nhìn xa hơn giai đoạn 2016-2020. Thứ hai, cộng đồng DN đang trông đợi những hành động quyết liệt hơn từ phía Chính phủ, mà trước mắt là Hội nghị giữa Thủ tướng với DN sẽ diễn ra vào những ngày cuối tháng 4 này tại TP HCM để chứng tỏ những động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc gỡ khó cho DN qua đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Sự vô cảm, thiếu hiểu biết của cơ quan thực thi công vụ hoặc sự cố tính gây khó DN để đạt được những mục đích khác của cán bộ đã khiến nhiều ĐBQH phải thốt lên “rừng thủ tục hành chính”, “ma trận thủ tục hành chính” sẽ kéo chậm bánh xe của quá trình cải cách. ĐBQH tỉnh Quảng Trị ông Lê Như Tiến cho rằng, mặc dù chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện để kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện tại nhiều địa phương vẫn còn khoảng cách xa so với thực tế, trong chừng mực nào đó đã làm “doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng”. |
Nguyên Khánh