The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Gỡ rào cản, mở đường cho doanh nghiệp (phần cuối)

Việc tiếp tục tháo gỡ rào cản, cắt giảm chi phí, giúp doanh nghiệp (DN) có môi trường hoạt động thông thoáng hơn đang là nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng bước nhanh hơn trong cuộc chơi hội nhập toàn cầu.

Ðiều này đòi hỏi phải có sự cải cách thật sự mạnh mẽ để chuyển tư duy theo kiểu quản lý hành chính hiện nay sang mô hình kiến tạo và phục vụ như Chính phủ trông đợi. Ðó cũng chính là những điều mà giới doanh nhân đang hết sức mong mỏi.

Xóa bỏ "giấy phép con" - dễ hay khó?

Trong bài trước, chúng tôi đã nêu bất cập của một số quy định tại Nghị định 60/2014/NÐ-CP về điều kiện cấp phép nhập khẩu máy in. Theo đó, người đứng đầu DN phải có chứng chỉ về ngành in từ cao đẳng trở lên hoặc được cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo bồi dưỡng hoạt động in (khóa học ba tháng). Cho rằng đây là thủ tục "hành là chính", đại diện Công ty đầu tư phát triển quốc tế Thắng Lợi (TP Hồ Chí Minh) Thanh Phong lập luận: In chỉ là một khâu nhỏ trong quy trình sản xuất hàng dệt may. Vì thế, việc bắt buộc một chủ DN phải có chứng chỉ cao đẳng ngành in hay tham gia lớp bồi dưỡng thì DN mới được phép nhập máy in là quá rắc rối.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, qua nhiều hội thảo, các chuyên gia và DN đều nhận định đây là quy định chưa hợp lý, kiến nghị nhiều lần, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tiếp thu ý kiến để sửa đổi. Nhưng một năm qua, nghị định này vẫn chưa được điều chỉnh. Nói về Nghị định 38/2012/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Ðình Hòe chia sẻ: Trước sự bất hợp lý về công bố phù hợp quy định ATTP gây ra, VASEP và nhiều cơ quan, đơn vị, cùng hàng nghìn DN đã không ít lần kiến nghị sửa đổi. Tuy nhiên, qua nhiều năm, Bộ Y tế vẫn không hề có động thái thay đổi nào.

Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Ðình Cung thắc mắc: Thật khó hiểu khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng đều chỉ đạo, nhưng cấp dưới dùng dằng mãi không thực hiện! Thủ tướng yêu cầu Chính phủ phải kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, DN là mục tiêu phục vụ, vì vậy các cơ quan, cán bộ liên quan cũng phải đổi mới. "Thay đổi nhỏ như Nghị định 38/2012/NÐ-CP còn không làm được, làm sao trông mong việc lớn hơn có thể thành công?" - TS Nguyễn Ðình Cung nhấn mạnh.

Thực tế, câu chuyện xóa bỏ rào cản, cắt giảm chi phí cho DN luôn được Chính phủ coi là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, nhiều DN đã thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) nhờ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi. Các DN vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong các TTHC, đầu tư kinh doanh gây phiền hà, tốn thời gian, chi phí và đâu đó làm cho DN mất niềm tin. Còn rất nhiều chi phí bất hợp lý DN đang phải gánh chịu chưa được đề cập đầy đủ trong các giải pháp cải cách hiện hành; nhiều quy định bất hợp lý chưa được sửa đổi.

Về nguyên nhân, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, mặc dù chủ trương của Chính phủ là quyết liệt rà soát và cải cách điều kiện kinh doanh (ÐKKD), tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; tuy nhiên, các bộ, ngành hầu như "án binh bất động". Các quy định về ÐKKD chính là một trong những vấn đề bức bối trong hệ thống pháp luật về kinh doanh hiện nay. Việc cải cách các ÐKKD là một yêu cầu mang tính quyết định để tăng quy mô và chất lượng của nền kinh tế, nhằm đưa tăng trưởng GDP đạt mức 7 đến 8%/năm.

Với yêu cầu gỡ bỏ khoảng một nửa số ÐKKD hiện nay như Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang kiến nghị "sẽ rất dễ và có thể rất khó" để thực hiện. Dễ nếu được các bộ, ngành đồng tình ủng hộ, ngoài cam kết mạnh mẽ, cần hành động quyết định, theo đến cùng, truy trách nhiệm đến cùng để tạo áp lực với cấp trung gian trong thay đổi cách thức quản lý. Còn nếu không, mọi nỗ lực cải cách sẽ chỉ đổ xuống sông, xuống bể.

Thay đổi tư duy quản lý

Trưởng ban Pháp chế VCCI Ðậu Anh Tuấn nhận định: Ðúng là cơ chế hiện nay còn nhiều bất cập, cơ quan thực thi quyền cấp phép lại được đứng ra soạn thảo quy trình cấp phép. Cho nên, chính sách thường có xu hướng trao cho bộ, ngành soạn thảo nhiều quyền nhất, nhưng ít trách nhiệm nhất. Cũng vì lý do này, việc giao cho các bộ, ngành tự tiến hành rà soát, đánh giá và loại bỏ các ÐKKD không hợp lý sẽ khó đem lại hiệu quả, bởi chẳng mấy ai tự đi "lấy đá ghè chân mình".

Tinh thần quản lý thúc đẩy phát triển, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà Chính phủ đang kêu gọi thực tế vẫn chưa thấm nhuần đến tất cả các công chức, cán bộ và kể cả những người làm nhiệm vụ tham mưu chính sách. Vì vậy, trong quá trình xây dựng chính sách, cần phải có một cơ chế độc lập đánh giá lợi ích toàn cục, với đầy đủ các yếu tố từ tính khả thi, chi phí gây ra cũng như khả năng tuân thủ. Ngoài ra, cần xây dựng một nghị định về kiểm soát ÐKKD, cụ thể hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình,... để ra ÐKKD, nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục này thì không ban hành ÐKKD.

Tổ nghiên cứu của CIEM cho rằng, nguyên nhân gây phát sinh nhiều chi phí cho DN và lãng phí nguồn lực nhà nước chính là chất lượng hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật kinh doanh nói riêng chưa đổi mới mạnh mẽ theo hướng xây dựng thể chế để tạo thuận lợi cho DN. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực thi pháp luật kinh doanh cũng như các giải pháp cải cách hiện hành có hiệu quả thấp. Ngoài ra, còn có sự thiếu nhất quán trong thực hiện chức năng quản lý giữa các cấp chính quyền; thiếu trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và các cơ quan quản lý liên quan; bộ máy thực thi pháp luật kinh doanh còn cồng kềnh, chưa sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, chất lượng đội ngũ công chức thấp,...

Thành viên tổ nghiên cứu Ðặng Quang Vinh kiến nghị: Các cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, pháp luật kinh doanh bảo đảm các yếu tố đồng bộ, nhất quán, minh bạch, hợp lý và hiệu quả. Quan trọng nhất là cần rà soát cụ thể tất cả các loại chi phí mà DN đang phải gánh chịu để có được đánh giá khoa học về nguyên nhân cũng như tác động, từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu để cắt giảm với từng loại. Ðồng thời, thiết lập một cơ chế, bộ máy độc lập về kiểm soát chất lượng thể chế kinh doanh và giám sát trách nhiệm thi hành pháp luật của các bộ, ngành và địa phương.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam, khó khăn chủ yếu của DN hiện nay là việc tiếp cận với các dịch vụ công cũng như thủ tục xin một số "giấy phép con". Bên cạnh đó, việc DN vẫn phải gặp gỡ trực tiếp cán bộ, công chức để hoàn thành TTHC cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề như chi phí đi lại, thậm chí cả nhũng nhiễu. Ðể gỡ bỏ những khó khăn này, trước hết, phải loại ngay những quy định, điều kiện chưa hợp lý. Cái nào cần giữ lại phải có quy định rõ ràng, cụ thể cho từng thủ tục, điều kiện, nhất là với các loại "giấy phép con".

Thứ hai, cần đẩy nhanh quá trình cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, minh bạch hóa thủ tục và giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa DN và cán bộ, công chức. Cần động viên, khuyến khích DN, sẵn sàng phản ánh và đấu tranh với các sai phạm của cán bộ, công chức (nếu có). Ðể làm được điều này phải thiết lập cơ chế, có nơi tiếp nhận phản ánh của DN, sau đó giải quyết triệt để các khiếu nại; xử lý nghiêm cán bộ, công chức có dấu hiệu tiêu cực, nhũng nhiễu. Ðiều quan trọng nhất là hình thành cơ chế bảo vệ DN không bị ảnh hưởng xấu khi tố giác tiêu cực.

Trong một động thái mới nhất, Bộ Công thương đã công bố sẽ tiến hành cắt giảm từ 450 đến 600 ÐKKD, tương đương khoảng 35 đến 50% tổng số các điều kiện do Bộ này ban hành. Mặc dù chưa triển khai trong thực tế, nhưng kế hoạch của Bộ Công thương đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân và nhất là cộng đồng DN. TS Nguyễn Ðình Cung nhìn nhận: Xã hội và nhất là cộng đồng DN luôn kỳ vọng, ủng hộ những động thái quyết liệt gần đây của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong việc loại bỏ những rào cản ngăn trở DN vốn đã tồn tại rất lâu rồi. Do đó, cam kết của Bộ Công thương cần phải biến thành hành động và nhanh hơn nữa. Cả cộng đồng cần tiếp tục thúc đẩy, cổ vũ và thậm chí tạo cả sức ép để tất cả các bộ, ngành khác tích cực tham gia vào nhiệm vụ này.

Ngày 3-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP, trong đó xác định rõ việc "bãi bỏ các rào cản, quy định ÐKKD không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng" là một trong năm nhiệm vụ chủ yếu để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ một phần ba đến một phần hai số ÐKKD hiện hành trong lĩnh vực quản lý và các TTHC đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN. Những hành động mạnh mẽ này được kỳ vọng sẽ đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc hỗ trợ DN tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thông thoáng, giúp DN phát triển, góp sức mạnh đưa đất nước vươn lên.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 12-10-2017

VIỆT HẢI và MINH DŨNG

Báo Nhân dân