Gỡ vướng cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng đất đai
Theo báo cáo tại hội nghị, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 được ghi nhận đã chỉ ra rằng, tài nguyên - môi trường không phải là lĩnh vực mà các doanh nghiệp bị cơ quan thanh kiểm tra thường xuyên nhất trong giai đoạn 2010 - 2013, chỉ đứng thứ 4 sau thuế, quản lý thị trường và an toàn phòng chống cháy nổ. Nhưng đây lại là lĩnh vực mà các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai chiếm 21% và tỷ lệ này liên tục tăng từ năm 2010 đến nay. Thậm chí, theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dầu khí Toàn Cầu Nguyễn Quốc Hiệp, dù đã quen với sự rườm rà của TTHC về đất đai nhưng các doanh nghiệp trong nước với tư cách là chủ đầu tư dự án bất động sản vẫn thấy vô cùng phứác tạp, huống chi các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện mức độ kịp thời trong xử lý những bất cập, vấn đề nóng phát sinh trong thi hành pháp luật trong lĩnh vực này chỉ chiếm tỷ lệ 7,23% trong khi rất chậm chiếm tới 10,84%. Đơn cử, khi triển khai một dự án bất động sản tại Hà Nội, bước 1 là doanh nghiệp phải xin định hướng triển khai dự án của UBND thành phố. Bước 2 là nộp hồ sơ xin chấp thuận đầu tư ở Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đơn vị này không trả lời trực tiếp cho doanh nghiệp mà phải có ý kiến của 6 sở, ngành liên quan như: Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng…
Sau khi có quyết định chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp phải mất khoảng 40 ngày để thực hiện bước 3 là làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với các loại giấy tờ và quy trình hỏi xin ý kiến 6 đơn vị tương tự như bước 2. Khi có chứng nhận đầu tư, vào bước 4, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ cho Sở Quy hoạch kiến trúc để xin giấy phép quy hoạch, cũng với các loại giấy tờ và quy trình hỏi xin ý kiến 6 đơn vị như trên.
Tiếp đến bước 5, các doanh nghiệp phải làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định nhu cầu sử dụng đất, cũng vẫn với các loại giấy tờ, quy trình xin ý kiến các sở, ngành liên quan như 4 bước. Sau khi có quyết định giao đất, vào bước 6, các doanh nghiệp mới được cấp phép xây dựng. Với những dự án có quy mô lớn, thì không phải UBND Thành phố xem xét, mà phải thông qua Thường trực Thành ủy quyết định, trên cơ sở đó doanh nghiệp mới được thực hiện thủ tục triển khai dự án…
Nhìn vào ví dụ trên, có thể nói, TTHC vẫn là trở ngại chính đối với các doanh nghiệp khi mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó khăn này càng gia tăng ở thời gian và quy trình thực hiện. Đưa ra nhiều kiến nghị nhằm kịp thời gỡ vướng cho doanh nghiệp theo hướng bảo đảm sự minh bạch, đơn giản và thuận tiện hơn trong thực hiện TTHC trong lĩnh vực đất đai, Trưởng phòng Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đề xuất, cần tiếp tục đơn giản hóa TTHC nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận và sử dụng đất; tạo sự đột phá trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất bằng cách xây dựng mô hình giải phóng mặt bằng phù hợp, tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp; cố gắng duy trì tính ổn định của chính sách, có biện pháp kiểm soát hoặc điều chỉnh giá thuê đất tránh tăng quá nhanh, đột ngột; minh bạch hóa hơn nữa thông qua việc đăng tải công khai và kịp thời các quy định, quy hoạch, kế hoạch; và nhất là cần tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành.
Về phía mình, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhất trí cho rằng, để tháo gỡ các vướng mắc TTHC về đất đai cho doanh nghiệp, nếu chỉ có sự vào cuộc của Bộ thôi là chưa đủ; bởi trên thực tế, việc thực hiện thủ tục này liên quan đến nhiều ngành, nên đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả hơn của các ngành như Tư pháp, Xây dựng, UBND cấp tỉnh… theo cơ chế một cửa, nhằm đơn giản hóa TTHC cũng như kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp.