Hà Giang "đón"; hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư
20 Tháng 5, 2014
Sáng 16/5, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang lần thứ nhất năm 2014 do UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và VCCI tổ chức, UBND tỉnh Hà Giang trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng.
Hội nghị là một trong những sự kiện xúc tiến đầu tư quan trọng của tỉnh Hà Giang nhằm tuyên truyền, giới thiệu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang; những tiềm năng, lợi thế và định hướng kêu gọi thu hút đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang, các đại biểu và đại diện các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cùng thảo luận, đánh giá tổng quan thực trạng, tiềm năng, lợi thế; định hướng, quan điểm và chính sách ưu đãi mời gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Hà Giang trong năm 2014 và các năm tiếp theo.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Hà Giang trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng, bao gồm: Dự án Nhà máy thuỷ điện Sông Lô 4 cho công ty TNHH Sơn Lâm; Dự án Nhà máy thuỷ điện Sông Con 3 cho công ty CP Châu Sơn; Dự án xây dựng điểm kinh doanh dịch vụ tổng hợp, khách sạn, nhà hàng cho công ty TNHH Hồng Đức; Dự án Nhà máy sản xuất viên gỗ nén cho công ty CP XNK và Tư vấn An Bình; Dự án Siêu thị kinh doanh tổng hợp Thanh Thuỷ cho công ty TNHH Thương mại XNK Bảo Liên; Dự án Trồng cây cao su với công ty CP Cao su Hà Giang; Dự án Thuỷ điện Sông Lô 2 cho công ty TNHH Thanh Bình; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy tuyển quặng Antimon Mậu Duệ - Yên Minh cho công ty CP cơ khí khoáng sản Hà Giang; Dự án xây dựng Trung tâm thương mại khách sạn Phương Đông thị trấn Yên Minh cho công ty CP phát triển Phương Đông Hà Giang.
Cơ hội từ tiềm năng
Báo cáo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao nằm ở cực bắc Tổ quốc, phía Bắc giáp các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), dân số tính đến năm 2013 khoảng gần 800 nghìn người. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành cùng sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng vượt khó của nhân dân các dân tộc Hà Giang, kinh tế của tỉnh tăng trưởng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể: Năm 2013, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,05%, trong đó nông lâm nghiệp tăng 5,15%, công nghiệp – xây dựng tăng 11,02%, các ngành dịch vụ tăng 8,78%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng/năm.
Lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội được triển khai kịp thời, có hiệu quả, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 27%. An ninh quốc phòng được đảm bảo, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Các chương trình, dự án được triển khai có hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang phát triển và ổn định.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Giang là một địa phương ở biên cương Tổ quốc có rất nhiều tiềm năng lớn, điển hình là vùng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt, phần lớn diện tích là cao nguyên, núi đá, đó chính là điều kiện thuận lợi để Hà Giang thu hút du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch mạo hiểm, ngoài ra có sự phát triển các loại cây dược liệu. Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy (giao thương với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc) cũng là một lợi thế vô cùng lớn; các khu công nghiệp dọc theo Quốc lộ 2 tạo điều kiện phát triển cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế mậu biên.
Giải pháp thu hút đầu tư
Để phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút đầu tư phát triển địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Giang cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng điểm là quy hoạch chi tiết từng vùng, có quy hoạch chính sách đột phá. Thực hiện liên kết với các địa phương trong vùng, đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối vào đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Xây dựng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành cửa khẩu quốc tế hiện đại. Thu hút đầu tư phải gắn chặt với bảo đảm trật tự xã hội, an ninh quốc phòng.
Trong 3 năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của Hà Giang luôn ở thứ hạng khá thấp (năm 2011 xếp thứ 41, 2012 thứ 55, 2013 thứ 48 trên tổng số 63 tỉnh). Do vậy, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Những năm tới cần có những đột phá mạnh hơn, tập trung vào những thành tố còn thấp như tính năng động, đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường. Thành lập trung tâm hành chính của tỉnh, đồng thời có cơ chế hiệu quả tiếp nhận ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng cần quan tâm đến các chính sách phát triển toàn diện con người như giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, lưu ý đến công tác đào tạo, dạy nghề, chuyển đổi lao động...
Cũng tại hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã đưa ra một số giải pháp đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh Hà Giang. TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, Hà Giang là tỉnh còn nghèo, nhiều khó khăn, lại ở vị trí xa xôi, cách trở so với các trung tâm phát triển lớn của cả nước. Tuy nhiên, Hà Giang có những lợi thế tuyệt đối so với các vùng khác, cụ thể là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử. Đây là vùng có thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, có nền văn hoá phong phú, giàu bản sắc dân tộc được gìn giữ, bảo tồn qua chiều dài lịch sử với 19 nền văn hoá dân tộc anh em.
Xu hướng thời hiện đại, con người thường hướng về những vùng thiên nhiên hoang sơ, đó chính là điểm khác biệt, điểm nhấn tuyệt đối của Hà Giang cũng như các tỉnh Tây Bắc đối với du lịch trong nước và du lịch nước ngoài. Với tiềm năng về du lịch lớn như vậy, UBND tỉnh Hà Giang sẽ xây dựng chiến lược phát triển du lịch với trọng tâm là Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời có sự kết nối với du lịch các tỉnh Tây Bắc khác.
Điểm thứ hai đó là tiềm năng phát triển nông nghiệp, với sự khác biệt là vùng nông nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới, thậm chí có cả cận ôn đới. Nếu như Hà Giang phát triển được vùng nông nghiệp công nghệ cao, gắn liền với thị trường thế giới thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất lớn. Hà Giang cần đẩy mạnh triển khai xây dựng các chuỗi hệ thống nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm nông nghiệp.
TS Vũ Tiến Lộc dẫn lời các chuyên gia thế giới về marketing, vì sao Việt Nam không phấn đấu trở thành "bếp ăn" của thế giới, không là nguồn cung ứng nông sản chất lượng cao cho thế giới. "Đây là điều mà không chỉ lãnh đạo tỉnh Hà Giang mà cả toàn quốc cần suy nghĩ để có thể đạt được mục tiêu này trong tương lai" – TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Hà Giang cũng cần phải nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch vùng Tây Bắc, chiến lược phát triển của Hà Giang trên mọi lĩnh vực: du lịch, nông – lâm nghiệp, công nghiệp chế biến... Đồng thời, cần phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và xây dựng mạng lưới hiệp hội doanh nghiệp trong khu vực, cũng như của Hà Giang.
TS Vũ Tiến Lộc khẳng định, VCCI đang xây dựng đề án Diễn đàn kinh tế vùng Tây Bắc, đây được coi là "Hội nghị Diên hồng" của các tỉnh vùng Tây Bắc để tụ họp lại với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức. Đồng thời, diễn đàn là nơi để các nhà đầu tư quốc tế, các tổ chức quốc tế có cái nhìn tổng quan về các tỉnh tiểu vùng Tây Bắc, xây dựng kết nối thương mại, du lịch cả vùng Tây Bắc.
Lê Trí Dũng Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp điện tử