Hà Giang: Năng lực điều hành nền kinh tế - Nhìn từ chỉ số DDCI
15 Tháng 12, 2022
Năm 2021 là năm đầu tiên Hà Giang thực hiện khảo sát thông tin đánh giá năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Đây được xem là bước đi mạnh mẽ trong nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững, toàn diện, hướng đến xây dựng chính quyền đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Chỉ số DDCI nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, cơ quan chính quyền cấp huyện trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh (HKD) trên địa bàn tỉnh. Nội dung khảo sát, điều tra lấy ý kiến các chỉ số thành phần (CSTP) DDCI gồm: Đăng ký cấp phép gia nhập thị trường; chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính (THHC) và tuân thủ pháp luật; cạnh tranh bình đẳng và đối xử công bằng; hiệu lực thực thi văn bản chính sách và thiết chế pháp lý; tính năng động và vai trò của người đứng đầu; chi phí không chính thức; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tiếp cận đất đai.
DDCI năm 2021 của tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Hiệp hội DN tỉnh phối hợp với Cục Thống kê, Liên minh HTX thực hiện điều tra, khảo sát và Công ty Economica Vietnam là đơn vị tư vấn; ghi nhận sự tham gia của các DN, HTX, HKD với 369 phiếu cấp sở, ban, ngành và 287 phiếu cấp địa phương. Kết quả phân tích, xử lý số liệu từ các CSTP cho thấy, dựa trên thang điểm tối đa là 100 điểm, có 11 sở, ban, ngành đủ điều kiện đánh giá đợt này đều thuộc nhóm điểm khá, với dải điểm phân bổ trong khoảng từ 70 - 77 điểm; trong đó, Văn phòng UBND tỉnh được đánh giá kết quả tốt nhất với 77,21 điểm, xếp sau là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 76,88 điểm, Sở Y tế 76,64 điểm; Sở Tài chính và Sở Xây dựng đạt thấp nhất với 70,93 điểm và 70,10 điểm. Với điểm số chênh lệch không quá lớn cho thấy chất lượng quản lý của các sở, ban, ngành khá đồng đều. Đối với các địa phương, nhóm điều hành khá gồm 8 huyện có điểm số trên 70 điểm; trong đó Quản Bạ và Hoàng Su Phì là 2 huyện có điểm số cao nhất với 76,56 điểm và 76,18 điểm; thấp nhất là huyện Yên Minh với 66,14 điểm. Trong các CSTP, chỉ số chi phí không chính thức đạt điểm cao nhất, trung bình toàn tỉnh là 7,66 điểm; CSTP thấp nhất là hỗ trợ sản xuất, kinh doanh với 6,84 điểm.
Một trong những CSTP quan trọng là tính năng động của các sở, ban, ngành và vai trò của người đứng đầu. Thực tế cho thấy, tính cạnh tranh của các cơ quan trong việc cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho DN, HTX phụ thuộc vào sự năng động của cán bộ lãnh đạo. Người có tinh thần, trách nhiệm cao sẽ thúc đẩy toàn bộ hoạt động của cơ quan theo hướng tích cực, tạo điều kiện cho DN, HTX môi trường kinh doanh thuận lợi. Điểm trung bình của chỉ số này đạt 7,1 điểm, trong đó Văn phòng UBND tỉnh đạt cao nhất với 7,79 điểm, thấp nhất là Sở Xây dựng đạt 6,91 điểm. Hầu hết DN, HTX đánh giá năng lực điều hành, tính quyết liệt, thực hiện kỷ luật, tham gia hoạt động đối thoại với DN của lãnh đạo các sở, ngành đạt thang điểm 7 trở lên; có 57,22% DN, HTX cho rằng không có việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành hoặc lên cấp có thẩm quyền cao hơn trong giải quyết các vấn đề liên quan. Đối với sự năng động và hiệu lực điều hành của chính quyền địa phương, huyện Hoàng Su Phì được đánh giá tốt với 7,68 điểm. Thời gian giao dịch với các cơ quan nhà nước được giảm bớt cũng là một trong những điểm sáng tích cực trong “bức tranh” DDCI của tỉnh; điểm chỉ số này đạt 7,33, là CSTP khá cao, trong đó huyện Hoàng Su Phì tiếp tục dẫn đầu với 7,71 điểm.
Xét về tổng thể, năng lực điều hành kinh tế của các sở, ngành, địa phương và môi trường kinh doanh của tỉnh được cải thiện rõ nét, các CSTP đều đạt trung bình khá trở lên. Đa số DN, HTX đều đánh giá khá hài lòng về năng lực, chuyên môn giải quyết công việc và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Các DN khá bình đẳng trong tiếp cận các nguồn thông tin hỗ trợ, công bằng trong giải quyết TTHC; chi phí không chính thức được cắt giảm đáng kể.
Kết quả khảo sát đánh giá chỉ số DDCI năm 2021 thể hiện tương đối khách quan, chính xác về những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại ở một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố. Qua đó, giúp UBND tỉnh có thêm kênh thông tin quan trọng để chỉ đạo, điều hành phát triển KT - XH, cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chỉ số PCI tại địa phương hằng năm được kịp thời, hiệu quả và sát với thực tiễn. Kết luận tại hội nghị công bố kết quả DDCI năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu từ năm 2022 trở đi, BCĐ Cải cách hành chính tỉnh bổ sung nội dung khảo sát chỉ số DDCI vào kế hoạch cải cách TTHC hàng năm của UBND tỉnh để chỉ đạo, triển khai kịp thời, đồng bộ. Trên cơ sở kết quả chỉ số DDCI năm 2021, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải nghiêm túc tiếp thu, coi đây là kênh quan trọng để tập trung rà soát những ưu điểm, hạn chế tồn tại ở bộ phận, phòng, ban chuyên môn, lĩnh vực cụ thể, từ đó xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao các CSTP, phục vụ DN, người dân ngày càng hiệu quả.
Theo Báo Hà Giang