Hà Giang: Tạo đột phá về cải cách hành chính
Năm 2016 là năm đầu tiên tỉnh ta triển khai thực hiện cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn II (2016-2020), và thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; được sự quan tâm, chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh với quyết tâm “Tạo đột phá về CCHC”, công tác CCHC đã góp phần đẩy mạnh thực hiện mục tiêu của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức về CCHC và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh. |
Ban Chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh đã tập trung quán triệt, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên từng lĩnh vực về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cải cách hành chính công và hiện đại hóa hành chính. Cùng với đó, triển khai thực hiện các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tham mưu ban hành Nghị quyết số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC giai đoạn 2016-2010; Chỉ thị 12 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); ban hành kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Năm 2016, đạt kết quả nổi bật trong thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC. Thành lập Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh, đi vào hoạt động từ tháng 7.2016; hiện có 720 TTHC của 10 sở, ngành được giải quyết giao dịch tại đây. Thực tiễn ghi nhận: sau khi đi vào hoạt động, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC, tiếp nhận và giải quyết nhanh, gọn, đúng pháp luật hàng chục nghìn hồ sơ TTHC. Từ đó đã làm hài lòng người dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với việc kiện toàn BCĐ CCHC tỉnh trên cơ sở hợp nhất BCĐ CCHC với BCĐ ứng dụng CNTT và BCĐ cải cách công vụ, công chức do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm Trưởng ban. Đến nay, tỉnh ta đã sáp nhập 3 Trung tâm Dạy nghề thuộc sự quản lý của thành phố Hà Giang, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân về Trường Cao đẳng Nghề; sáp nhập các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp tỉnh thuộc Sở GD-ĐT và 9 trung tâm thuộc UBND cấp huyện; thành lập Trung tâm Dịch vụ nông, lâm nghiệp Bắc Quang trên cơ sở cơ cấu lại Trạm Khuyến nông và ủy quyền quản lý Trạm Thú y, Bảo vệ thực vật. Sau khi sáp nhập, đã giảm 13 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, UBND huyện và các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã xây dựng đề án chuyển giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư về Sở KH-ĐT; sáp nhập Trung tâm Văn hóa thể thao và du lịch, Đài PT-TH huyện thành Trung tâm Văn hóa, thông tin và du lịch... Dự kiến sau sáp nhập, sẽ giảm được 16 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện.
Xác định CCHC là khâu đột phá, các cơ quan đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào quy trình giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 tại các cơ quan đã giúp các đơn vị chuẩn hóa các quy trình, TTHC, xây dựng được hệ thống đồng bộ, khoa học, phù hợp với chính sách và mục tiêu chất lượng, loại bỏ các TTHC rườm rà, phức tạp; quy trình và thời gian giải quyết hồ sơ được thực hiện đúng, đủ. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai TCVN ISO 9001:20015 thay thế cho TCVN 9001:2008, đã có tác động tích cực trong việc nâng cao hiệu quả xử lý công việc, bảo mật thông tin trong hoạt động tác nghiệp giữa các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Quá trình thực hiện CCHC đã ghi nhận những kết quả nổi bật, một số đơn vị đã có những giải pháp sáng tạo, hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế về việc ban hành Kế hoạch CCHC tuyên truyền, kiểm tra cũng như công tác rà soát TTHC tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm; cơ chế một cửa còn mang tính hình thức, cơ chế một cửa liên thông với một số TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, cấp phép xây dựng chưa thực hiện được; công tác giải quyết TTHC còn chưa hiệu quả, khoa học; phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc đã thống nhất toàn tỉnh nhưng có một số cơ quan đơn vị vẫn sử dụng phần mềm chuyên biệt...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Tuấn, Trưởng Phòng CCHC, Sở Nội vụ Hà Giang cho biết: Nguyên nhân là do lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa kiên quyết, sâu sát trong chỉ đạo điều hành; công chức làm nhiệm vụ CCHC phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên việc thực hiện còn gặp khó khăn, lúng túng; gữa các phòng ban phối hợp chưa đồng bộ; kinh phí cho công tác CCHC còn hạn hẹp nên việc triển khai nhiệm vụ còn khó khăn, thụ động... Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch; thực hiện tốt Chỉ thị 07 của UBND tỉnh về việc tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về CCHC giữa Sở Nội vụ tỉnh với các sở, ngành trên cả nước để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác CCHC...
PHẠM HOAN