Hà Nam: Thực hiện “5 hơn” trong công tác cải cách thủ tục hành chính
Giai đoạn 2016 - 2020 Hà Nam xác định đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, các các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện phong trào thi đua “5 hơn” trong cải cách thủ tục hành chính, đó là: Thủ tục đơn giản hơn; thái độ phục vụ thân thiện hơn; thời hạn đảm bảo hơn; người dân hài lòng hơn; phương thức phục vụ hiện đại hơn. Do đó, ngay từ đầu năm, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, rút ngắn tối thiểu từ 40-50% thời gian giải quyết so với quy định; đến năm 2020 rút ngắn tối thiểu từ 60-70% thời gian giải quyết so với quy định đối với hầu hết các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Hiện nay, tổng số TTHC trên địa bàn tỉnh Hà Nam là: 1939 thủ tục. Trong đó: Sở, ban, ngành 1354 thủ tục thuộc 94 lĩnh vực; UBND cấp huyện: 397 thủ tục thuộc 17 lĩnh vực; UBND cấp xã: 188 thủ tục thuộc 16 lĩnh vực. 100% các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã được công bố thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2, trong đó có 1334 TTHC được công bố thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 (Mức độ 3: 1328 TTHC, Mức độ 4: 06 TTHC).
Để đến năm 2020 đạt được mục tiêu Hà Nam là một trong những địa phương có chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh(PAPI) luôn đứng trong tốp 20 địa phương đi đầu trong cả nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Theo lộ trình, Quý II/2017, Hà Nam sẽ hoàn thành và đưa trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã đi vào hoạt động để phục vụ cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nhằm kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính và hạn chế đến mức thấp nhất những nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính, Rà soát, ban hành nhiều hơn nữa các quy trình mang tính liên thông trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giữa các cơ quan cùng cấp và giữa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính.
- Đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương với nhân dân, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, đồng thời công bố công khai số điện thoại của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính.
- Gắn thủ tục hành chính với xây dựng, áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008, tiến đến xây dựng cơ sở dữ liệu cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…tạo thuận lợi trong giao dịch thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiện quả của cải cách thủ tục hành chính phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đến năm 2020.
- Coi trọng việc nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, coi đây là khâu then chốt trong cải cách thủ tục hành chính, lấy thước đo “kỷ cương, trung thực, thạo việc” để đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức.
- Đổi mới phương thức hoạt động, điều hành gắn liền với hiện đại hóa công sở; hoàn thiện từng bước mục tiêu quản trị công sở tiên tiến trên cơ sở nhân rộng mô hình cơ quan hành chính kiểu mẫu hướng đến vận hành chính quyền điện tử. Phát huy tối đa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng như: báo chí, truyền thanh, phát thanh, truyền hình và một số hình thức khác như: bản tin của cơ quan, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, đối thoại trực tuyến, hội nghị, hội thảo...
Bản tin Tư pháp - Sở Tư pháp Hà Nam