The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Nội: Chính quyền điện tử mang lại hiệu quả cải cách hành chính

Triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính (TTHC) của TP Hà Nội. Nhiều ứng dụng mới đã phát huy hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Dịch vụ công trực tuyến liên thông
Thời gian qua, TP Hà Nội luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, là nền tảng quan trọng để phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 -2025, trọng tâm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của chính quyền và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Theo đó, UBND TP đã thành lập Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của TP.
Người dân tiếp cận TTHC dễ dàng hơn qua ứng dụng CNTT. Ảnh: Quang TháiNgười dân tiếp cận TTHC dễ dàng hơn qua ứng dụng CNTT. Ảnh: Quang Thái
TP đã ban hành 22 danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL); Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, ngày 28/7/2020 của Chính phủ, quy định về CSDL hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng TP Hà Nội; Kế hoạch Phát triển hạ tầng Bưu chính - Viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Trong quý I/2023, TP cũng đã đưa vào và vận hành chính thức Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành TP, Hệ thống thông tin báo cáo TP; tiếp tục triển khai Hệ thống họp trực tuyến đến 579 xã, phường, thị trấn; duy trì và vận hành ổn định hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống hòm thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp; hệ thống thông tin báo cáo...
Một số cơ quan, đơn vị đã triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, tổ dân phố tại các quận, huyện như: Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thành Xuân, Hoài Đức, Chương Mỹ, Đông Anh,...
“Trong bảng xếp hạng chất lượng điểm các chỉ số thành phần PCI 63 tỉnh, TP, Hà Nội được đánh giá khá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”- Phó tổng thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho biết.
Thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, hiện toàn TP cung cấp 1.867 dịch vụ công trực tuyến. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết TTHC. Hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn trên toàn TP đạt tỷ lệ 99,8%... số dịch vụ công. Toàn TP đã cấp được hơn 10.000 chữ ký số cá nhân cho người dân Hà Nội.
Hà Nội cũng là 1 trong những địa phương đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ tiếp nhận và giải quyết TTHC. Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử, đưa TP dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực.
Chủ trương là đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư
Anh Nguyễn Ngọc Minh (ở Đại Kim) đến làm TTHC tại bộ phận “một cửa” của phường Đại Kim, quận Hoàng Mai cho biết: “Tôi đến đính chính hồ sơ do gia đình ghi sai thông tin đã được công chức hướng dẫn nhiệt tình, chỉnh sửa thông tin ngay trên máy tính nên rất hài lòng”.
Anh Nguyễn Hoài Nam (người dân phường Trung Tự) cho biết, đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại phường, việc trả kết quả nhanh chóng vì đã nhập lên hệ thống trước đó.
"Thay vì phải di chuyển nhiều lần lên phường làm việc, hiện nay các TTHC cơ bản đã được giải quyết từ xa, nhanh, gọn, hiệu quả", một người dân phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ.
Ông Lê Đức Thành - Công ty Thành Hưng làm thủ tục tại Cục Hải quan Hà Nội cho biết: “Doanh nghiệp được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục hải quan (kể cả ngoài giờ hành chính), cũng như bố trí cán bộ, công chức hỗ trợ, giải đáp về thủ tục khi doanh nghiệp có yêu cầu tham khảo các chính sách liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, áp mã hồ sơ... Qua đó, giảm thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trong những năm qua, TP Hà Nội chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC khi thực hiện trong lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài nguyên và môi trường, tư pháp và thuế; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ của các cơ quan hành chính thuộc TP Hà Nội. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết công việc, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức; chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc.
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, 9 tháng năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn duy trì tăng, đạt 22.900 doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những tháng đầu năm 2023, TP Hà Nội luôn trong top những địa phương đứng đầu.
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, TP tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
TP tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Đặc biệt, hình thành trục mô hình “chính quyền số - công dân số” mục tiêu hướng tới của đổi mới mạnh mẽ là phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử.