The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Nội cung cấp 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Qua hơn 3 năm tổ chức triển khai Chương trình số 08 - CTr/TU của Thành ủy, công tác cải cách hành chính của thành phố đã được triển khai đầy đủ, toàn diện trên tất cả các nội dung. Đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình số 08 cơ bản hoàn thành. Cải cách hành chính thực sự là khâu đột phá, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đây là khẳng định của ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng phòng cải cách hành chính - Sở Nội vụ Hà Nội tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 10/12.

Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt; tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ trên tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một đầu mối, một việc xuyên suốt”… Công tác xây dựng, ban hành và rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, kịp thời, có chất lượng, đáp ứng các hoạt động về quản lý nhà nước. Công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình giải quyết theo thẩm quyền và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.

Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là 1.818 thủ tục hành chính. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt 98,81% năm 2016, đến hết quý III/2019 đạt 99,86%. Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến nay, toàn thành phố có 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 80%). Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử Thành phố đạt hơn 2,2 triệu hồ sơ. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước có các bước cải thiện, nâng cao qua từng năm.

cai cach hanh chinh khau dot pha thuc day phat trien kinh te xa hoi thu do
Hà Nội: Cải cách hành chính khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành của thành phố và trong phục vụ nhân dân, doanh nghiệp mang lại hiệu quả rõ nét, là công cụ đòn bẩy quyết định thúc đẩy công tác cải cách hành chính của thành phố.

Tổng hợp từ những kết quả nổi bật, trong giai đoạn 2016 - 2020, cải cách hành chính thực sự là một điểm sáng trong ba khâu đột phá của thành phố, được Trung ương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Thể hiện qua các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố năm 2018: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh tiếp tục duy trì giữ vững thứ hạng rất cao trong 2 năm liên tiếp, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố tăng 4 bậc so với năm 2017. Chỉ số hài lòng (SIPAS) của thành phố năm 2018 đạt 83%, tăng 16 bậc so với năm 2017. Chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 2 cả nước.

Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường có liên thông dữ liệu với bảo hiểm xã hội và Công an Thành phố trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu dân cư; đã triển khai chính thức, an toàn, thông suốt hệ thống điện tử một cửa dùng chung 3 cấp từ thành phố đến tất cả các xã, phường, thị trấn.

Cải cách hành chính đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, hoàn thành thắng lợi 13/13 chỉ tiêu đề ra của Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI; 16/17 chỉ tiêu của Hội đồng nhân dân thành phố đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020; là tiền đề quan trọng tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh, từng bước cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi giao ban, nhiều ý kiến cho rằng, Chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố đang đứng ở vị trí thấp. Một số chỉ số thành phần trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cần tiếp tục được cải thiện thứ hạng trong thời gian tới…. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông còn ít, chưa phát huy hiệu quả, còn tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ lưu thông…

Tại buổi giao ban, lãnh đạo Sở Nội vụ nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021 - 2026, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của thành phố. Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh được Hà Nội coi đây là giải pháp đột phá để hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, là cơ sở để tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính các cấp.

Nguyễn Hạnh

Theo Báo Công thương