HÀ NỘI ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?
Tại một Hội nghị do UBND TP Hà Nội tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN mới đây, giám đốc một DN xây dựng đã mở đầu bằng câu nói đầy ẩn ý "Hà Nội không vội được đâu" để phản ánh những vấn đề vướng mắc trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Và đây cũng là điều mà lãnh đạo Thành phố đang trăn trở tìm cách tháo gỡ...
Có lẽ, cũng không quá bất ngờ trước câu nói ẩn dụ ví von của vị giám đốc này trong việc giải quyết TTHC của một cấp, ngành nào đó của Hà Nội, nhất là tại một Hội nghị có đầy đủ “văn võ bá quan” từ Chủ tịch đến lãnh đạo các Sở, ban, ngành của TP. Bởi những vướng mắc trong khâu TTHC lâu nay vốn dĩ vẫn là câu chuyện muôn thủa mà các DN thường kể cho nhau nghe trong những lúc “trà dư, tửu hậu”.
“Hà Nội không vội” vì sao?
Có hàng trăm lý do để giải thích vì sao “Hà Nội không vội được đâu” nhưng trước hết, có lẽ câu nói này bắt nguồn từ văn hóa giao thông. Những năm gần đây, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông bị “tụt hậu” không theo kịp tốc độ phát triển nhà ở, đã dẫn tới không đồng bộ về quy hoạch phát triển, kéo theo việc ùn tắc giao thông đặc biệt là các nút giao thông trọng điểm vào giờ cao điểm.
Không những “không vội” trong tham gia giao thông, với người Hà Nội, dù lúc làm ăn hay vui chơi dường như bất kể khi nào, ở đâu, với ai cũng đều không ồn ào, ầm ĩ, vội vàng… Dù lúc vui, khi buồn hay sốt ruột đến mấy cũng cứ nhẹ nhàng, từ tốn, khoan thai. Hà Nội là trung tâm, Thủ đô của cả nước nên có thể “kiêu”?! Cái cung cách ấy, phong thái ấy dần dần có lẽ đã ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu đậm vào quan hệ ứng xử, kể cả trong giải quyết công việc nơi cơ quan công sở… Qua thời bao cấp đến thời kinh tế thị trường, ai vội mặc ai, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có tâm lý né tránh trách nhiệm, thậm chí còn nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của DN, nhà đầu tư và người dân.
Cái lý sự chậm chạp, đủng đỉnh, từ từ… đến mức khiến người ta phải khó chịu hay sốt ruột ở đất Thủ đô đôi khi còn do nguyên nhân những người có trách nhiệm giải quyết công việc theo kiểu “đem con bỏ chợ”, “đẽo cày giữa đường”. Lắm ý kiến nói vào nói ra cộng hưởng, khiến càng thêm bị lỡ thời cơ, lỡ việc dẫn đến chậm phê duyệt, chậm triển khai dự án…
Và một Hà Nội khác
Gần đây, đặc biệt kể từ năm 2014, những phàn nàn, bức xúc của DN, người dân đã được lãnh đạo TP tiếp thu, đón nhận với tinh thần cầu thị và có những giải pháp cụ thể khắc phục. Bằng chứng là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm 2014 đã tăng một mạch 25 bậc so với năm 2012 (51/63), 7 bậc so với năm 2013 (33/63), cao nhất kể từ khi VCCI điều tra và công bố chỉ số PCI. Điều này hẳn các DN là người hiểu rõ nhất.
Nhưng có lẽ chỉ số này vẫn chưa xứng với Hà Nội, vì qua các Hội nghị tháo gỡ khó khăndoanh nghiệp mà TP tổ chức, vẫn còn đó những “nút thắt”, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay câu chuyện “một “cửa” nhưng “nhiều khoá” vẫn còn tồn tại. Mà hệ luỵ của nó là nhiều dự án của nhà đầu tư trong và ngoài nước đình trệ, thậm chí có dự án “được” kéo dài hàng chục năm…
Bước sang năm 2015, Hà Nội đã thể hiện quyết tâm cải cách TTHC và hỗ trợ tốt nhất có thể cho nhà đầu tư bằng hành động cụ thể thông qua việc thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội (HITTPC) với mong muốn là cầu nối giữa chính quyền TP với DN, nhằm tạo lập môi trường đầu tư, thương mại, du lịch theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh làm ăn thành công và lâu dài tại Thủ đô.
Mặt khác, lãnh đạo TP đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN, khẳng định quyết tâm đồng hành cùng DN, người dân. Lời nói đi đôi với việc làm, năm 2015 TP phân bổ 65 tỷ đồng cho chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, góp phần hỗ trợ các DN tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường. Hỗ trợ lãi suất với tổng kinh phí là 35,3 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho 12 DN với số tiền 11 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất kinh doanh cho 14 DN số tiền 24,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện giảm thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày. Rà soát và kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét cắt giảm 61 TTHC đạt tỷ lệ 14,7%, đơn giản hóa 76 TTHC đạt tỷ lệ 18,4% đối với người nộp thuế…
Và những nỗ lực đó của Hà Nội đã được nhà đầu tư, DN, người dân ghi nhận. Tại buổi tọa đàm “Hà Nội đã thay đổi như thế nào?” gần đây, ông Đặng Văn Trung – một nhà đầu tư, Việt kiều châu Âu đã nhận xét: “Hà Nội đã có nhiều thay đổi, đó là sự thay đổi về diện mạo, về sự phát triển của một nền kinh tế, sự thay đổi về đời sống người dân đã được nâng cao. Chúng ta thấy nhiều xe cộ trên đường, nhiều cửa hàng, công trình xây dựng. Tuy nhiên, với so với các nước trong khu vực, trong một thời gian dài như vậy, những sự thay đổi đó cũng chưa làm chúng ta cảm thấy hài lòng”.
Hà Nội đang bước vào những ngày đầu tiên của năm 2016 với một tâm thế hoàn toàn mới, đây là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng và là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020. Bên cạnh đó, VN đang tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, việc hình thành cộng đồng ASEAN và ký kết, triển khai các hiệp định FTA, TPP… vừa đem lại cơ hội phát triển nhưng cũng có không ít thách thức. Vì vậy, Hà Nội tiếp tục chọn công tác CCHC là một trong ba khâu đột phá, với quyết tâm tiếp tục tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh… Tất cả sẽ tạo nên sự đồng thuận, góp phần để Hà Nội ngày càng trở hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Lãng Anh