The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Không ngừng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Lê Văn Quân để làm rõ thêm về vấn đề này.
- Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2021 đến nay?
- Trong 4 tháng đầu năm 2021, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 8.680 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 94.931,9 tỷ đồng, tăng 12% về số lượng doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 4.660 đơn vị, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2020.
Cơ quan chức năng cũng thực hiện thủ tục giải thể cho 1.145 doanh nghiệp, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; có 5.931 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội tính đến ngày 30-4-2021 là 311.240 đơn vị, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho biết “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.
Trong đó, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất là các đơn vị mới hoạt động, dưới 3 năm, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là việc tiếp cận khách hàng, bị ảnh hưởng về dòng tiền, chuỗi cung ứng...
- Thành phố Hà Nội đã có những hỗ trợ gì với cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?
- Trước hết phải nói là thành phố Hà Nội đã triển khai nhanh, kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, như giãn, hoãn thuế, cơ cấu nợ, giảm lãi suất tín dụng… Đặc biệt, từ nhiều năm qua, thành phố triển khai hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Ở góc độ đơn vị triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi đã và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thêm từ 2 đến 3 không gian khởi nghiệp; đào tạo chuyên sâu cho các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo; triển khai một số chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số...
Đáng chú ý là, doanh nghiệp thành lập mới được thành phố hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, phí chuyển phát nhanh kết quả thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, kinh phí dịch vụ chứng thực chữ ký số trong 1 năm đầu hoạt động, kinh phí khởi tạo, cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử kèm gói 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến...
- UBND thành phố đã ban hành Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025". Ông có thể cho biết những mục tiêu mà đề án hướng tới?
- Để bảo đảm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xuyên suốt, liên tục, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 29-12-2020 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố; phấn đấu đạt tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân khoảng 10%/năm (khoảng 30.000 doanh nghiệp/năm); giai đoạn 2021-2025 có thêm 150.000 doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn, tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, hơn 40% tổng sản phẩm trên địa bàn và hơn 30% ngân sách của thành phố...
- Vậy các giải pháp hỗ trợ chính là gì, thưa ông?
- Đề án đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ gồm: Nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ theo cơ chế của thành phố Hà Nội.
Hai nhóm đầu chủ yếu triển khai theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, thành phố đã bố trí kinh phí để triển khai các chính sách theo cơ chế riêng. Đáng chú ý, để thúc đẩy giao thương, thành phố sẽ mở rộng chương trình xúc tiến thương mại, chia sẻ thông tin thị trường trong nước và quốc tế; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm có ít nhất 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung ứng sản phẩm cho chuỗi. Thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thương mại điện tử, kết nối kinh doanh, đầu tư... trong và ngoài nước.
Về tài chính, bên cạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nghiên cứu cấp bảo lãnh tín dụng.
Về thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, ngoài hỗ trợ tư vấn, thành phố miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất.
Để thúc đẩy liên kết ngành, chuỗi giá trị, thành phố miễn phí tra cứu thông tin, hỗ trợ chi phí thuê gian hàng tại hội chợ thương mại, chi phí hợp đồng quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu theo chuỗi giá trị; hỗ trợ chi phí đo, kiểm tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn…
- Trân trọng cảm ơn ông!