Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách hành chính
Cán bộ hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ tại bộ phận một cửa của huyện Hoài Đức. Ảnh: Công Tâm |
Kế hoạch nhằm cung cấp thông tin, phổ biến tới các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về công tác CCHC; trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách chế độ công vụ, công chức và đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố trong giải quyết công việc, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, chuyên nghiệp, vì Nhân dân. Kịp thời phát hiện, biểu dương các cơ quan, đơn vị, cá nhân gương mẫu, có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC. Tăng cường sự tham gia của người dân trong việc thực hiện CCHC; mở rộng kênh thông tin để người dân, tổ chức và doanh nghiệp được tiếp cận đầy đủ, chính xác, minh bạch thông tin về CCHC; tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với công tác CCHC; nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm cần tuyền truyền là các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố về công tác CCHC; Tuyên truyền quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kết quả nổi bật trong công tác CCHC của Thành phố và của cơ quan, đơn vị, địa phương trên các lĩnh vực: Cải cách thể chế; Cải cách TTHC; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, sắp xếp đơn vị hành chính; Cải cách chế độ công vụ, công chức; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử và chính quyền số. Tuyên truyền việc cải thiện, nâng cao các Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số Hài lòng (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp Tỉnh (PAPI), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI), Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) và kết quả các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuyên truyền các điểm đột phá, sáng tạo, các mô hình mới, cách làm hay của tổ chức, tập thể trong CCHC; các sáng kiến, ý tưởng CCHC của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Tuyên truyền về tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng; chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC trong nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và đời sống của Nhân dân.
Tuyên truyền về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn Thành phố; triển khai thực hiện Đề án số 06; phổ biến kiến thức, kỹ năng khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho công dân, tổ chức. Tuyên truyền các vấn đề cần biết khi thực hiện TTHC, đặc biệt chú trọng tuyên truyền các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, đầu tư, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, chứng thực, lao động, thương binh và xã hội, xử phạt vi phạm hành chính,...
Ngoài tuyên truyền qua các ấn phẩm dạng file hoặc đóng tập, sổ tay, tài liệu nghiên cứu, tờ rời hoặc qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Lotus, Kế hoạch còn đề ra các hình thức tuyên truyền khác như xây dựng chuyên trang CCHC của Thành phố; chuyên mục Tiếp nhận sáng kiến CCHC của người dân, tổ chức thuộc Cổng Thông tin điện tử thành phố Hà Nội; Tuyên truyền thông qua các buổi Toạ đàm, Đối thoại giữa chính quyền và người dân; các Cuộc thi tìm hiểu, các phong trào của đoàn viên - thanh niên - công chức, các lớp tập huấn, bồi dưỡng về CCHC cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức,…