The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà nội: Hàng loạt giải pháp trợ giúp doanh nghiệp và người dân

Từ năm 2013 đến nay, điểm số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội liên tục được cải thiện. 2015 là năm PCI Hà Nội được xếp hạng cao nhất tính từ khi chỉ số này được công bố nhưng khi so với TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh thì thứ hạng PCI của Thủ đô vẫn còn một khoảng cách không dễ san lấp… Để phát triển kinh tế xứng tầm với vị thế, tiềm năng và thế mạnh, trong giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đã đưa ra một loạt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện...

Kinh tế Thủ đô chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Từ đầu năm đến 31/5/2016, Hà Nội thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 3 lần so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Số dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước (68 dự án) với số vốn tăng 2,44 lần (70.421 tỷ đồng). Số vốn thu hút theo hình thức PPP tăng 4,2 lần so với giai đoạn 2011-2015. Số vốn của doanh nghiệp, dân doanh đăng ký mới tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,63 nghìn tỷ đồng…

Mặc dù vậy, kinh tế Thủ đô còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện nhưng còn chậm so với yêu cầu.

Một số doanh nghiệp cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Hà Nội đang còn nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp như thuế (45%), bảo hiểm xã hội (42%), đất đai (36%). Riêng với lĩnh vực đất đai, trong số 19% doanh nghiệp có thực hiện thủ tục hành chính đất đai trong 2 năm gần nhất, có tới 49% cho biết gặp khó khăn trong thực hiện vấn đề này.

Theo ông Lộc, khó khăn chính hiện nay là thời gian giải quyết không đúng thời hạn văn bản quy định hoặc niêm yết (51%), có chi trả chi phí không chính thức (44)% và cán bộ hướng dẫn không đầy đủ, chi tiết (38%). Đối với doanh nghiệp muốn mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó khăn lớn nhất vẫn là lo ngại thủ tục hành chính phức tạp (46%), giải phóng mặt bằng chậm (22%) và quy hoạch đất đai chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (21%).

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội chia sẻ: “Nói đến Hà Nội, người ta thường có câu Hà Nội không vội được đâu. Nhưng đến nay, tôi cho rằng phải chuyển thành câu Hà Nội phải vội rồi. Đây chính là sự thay đổi rõ nét hàng ngày, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư”. Ông Hiển cho rằng số lượng doanh nghiệp đăng ký mới thành lập và bổ sung đăng ký kinh doanh đang tăng lên hàng ngày. Tuy nhiên, công tác đăng ký đang còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, khâu đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch đầu tư giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày tuy nhiên hồ sơ yêu cầu lại tăng lên nhiều hơn.

Quyết liệt thực hiện

Để khắc phục hạn chế này, dự thảo Chương trình 03 của Thành ủy “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020” được thông qua tại hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội mới đây, đặt ra mục tiêu cụ thể là trong vòng 5 năm tới, sẽ nâng vị trí của Hà Nội trong bảng xếp hạng các chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) và chỉ số PCI trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Để thực hiện điều này, thành phố sẽ cải thiện toàn diện các yếu tố căn bản tác động đến môi trường kinh doanh; tạo môi trường hấp dẫn, thân thiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn thành công và lâu dài trên địa bàn; bảo đảm các loại thị trường hàng hóa, lao động, chứng khoán, bất động, khoa học công nghệ… vận hành đầy đủ, thông suốt và ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho phát triển.

Những điểm yếu kéo dài nhiều năm qua, sắp tới sẽ được giải quyết căn bản hơn, nhất là khâu công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, đồng thời tăng cường tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng được đặt ra như: Rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh, nâng tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng lên trên 50%; thời gian đăng ký kinh doanh tối thiểu là 2 ngày; thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày; đến năm 2020, bỏ hình thức thu tiền điện trực tiếp tại nhà hoặc trụ sở; thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội còn dưới 155 giờ/năm; tỷ lệ kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 95%; tỷ lệ người hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp 80%...

Đồng ý với mục tiêu TP đưa ra giảm thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực để đạt được mục tiêu “thăng hạng” lên nhóm đầu các địa phương có chất lượng điều hành khá… song nhiều ý kiến của lãnh đạo quận, huyện đề xuất, bên cạnh việc phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thì quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện phải đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Huy Việt, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm dẫn ví dụ về câu chuyện nhức nhối trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn và nhấn mạnh “cứ nói phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm nhưng rõ như thế nào, xử lý được ai vẫn là điều hết sức khó khăn. Khâu tổ chức thực hiện mới quan trọng, phải đề cao vai trò của các sở ngành”. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm đề xuất, cần phải nâng cao vai trò của các sở ngành trong việc xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư hạ tầng đồng bộ, tránh tình trạng “có đoạn đường làm được thời gian ngắn lại có mấy ông đến đào, tháng trước đào, lấp; tháng sau lại có tổ khác đến đào tiếp, dân rất bức xúc”.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho rằng, dù thành phố đang nỗ lực cơ cấu lại thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian, tránh phiền hà cho doanh nghiệp, người dân song “đội ngũ công nhân viên chức, kể cả lãnh đạo mà không đổi mới, vẫn còn vòng vo, nhũng nhiều, gây phiền hà thì có đổi mới cơ chế đến đâu cũng không ăn thua”.

Trước những ý kiến băn khoăn về việc liệu chỉ số PCI của Hà Nội có lọt được vào top 10 trong 5 năm tới hay không, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, đây là chỉ tiêu hoàn toàn trong tầm tay của thành phố nếu thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp đồng bộ đã đề ra. “Hiện nay, Ban cán sự Đảng UBND TP đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tất cả những chỉ số nào của Hà Nội hiện đang thấp sẽ phải tập trung để nhanh chóng cải thiện trong 5 năm tới, gắn với vai trò, trách nhiệm trực tiếp của các sở ngành, kiên quyết phấn đấu để 5 năm tới Hà Nội phải nằm trong top 10 về PCI”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Hy vọng rằng với hàng loạt giải pháp Hà Nội đưa ra sẽ giảm tải phiền hà, trợ giúp doanh nghiệp, mang lại sự thuận tiện và niềm tin cho nhân dân; đồng thời xử lý mạnh mẽ những biểu hiện tham ô, nhũng nhiễu, vi phạm trật tự kỷ cương, triệt để loại bỏ những nhân tố gây rối loạn hệ thống hành chính. Nếu làm được điều đó, trong công cuộc cải cách còn nhiều cản trở chông gai này, Hà Nội chắc chắn sẽ có thêm nhiều thành tựu, xứng đáng với vai trò, vị trí là Thủ đô của cả nước.

Anh Đức

Tuổi trẻ Thủ đô