The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Nội: Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Trong quá trình đô thị hóa ở một thành phố có diện tích lớn, dân số đông, việc phát sinh những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đời sống người dân là điều không tránh khỏi. Nhận rõ điều này, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn ưu tiên những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, liên quan trực tiếp đến người dân để tập trung giải quyết.

Bà con vui vì đã có nước sạch

Tết Độc lập năm nay của người dân ở ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, sống quanh Khu xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vui hơn những năm trước. Trưởng thôn Liên Xuân (xã Nam Sơn) Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Sống ngay cạnh khu xử lý rác thải lớn nhất của thành phố, nhiều năm nay, người dân thôn Liên Xuân nói riêng, ba xã chung quanh khu xử lý rác nói chung, đều sử dụng nước giếng khơi, giếng khoan để sinh hoạt. Môi trường ô nhiễm cùng nguồn nước không hợp vệ sinh, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân. Mới đây, thành phố đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước theo công nghệ của CHLB Đức, lắp đặt hệ thống cấp nước sinh hoạt với tiêu chuẩn “nước uống được tại vòi” vào từng hộ dân. Có nước sinh hoạt bảo đảm chất lượng, người dân yên tâm hơn về sức khỏe.

Sau mười tháng thi công, Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội đã hoàn thành khoan 13 giếng khai thác nước, xây dựng sáu trạm cấp nước công suất từ 1.300 đến 1.500 m3 nước/ngày đêm, lắp đặt miễn phí đường ống cấp nước vào nhà cho 1.780 hộ dân của ba xã nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường từ khu xử lý rác thải bán kính từ 500 đến 1.000 m. Nếu tính cả 700 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính từ 0 đến 500 m được cấp nước từ năm 2013, thì đến nay toàn bộ gần 2.500 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường từ khu xử lý rác thải đã được sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn.

Không những được miễn phí lắp đặt đường ống cấp nước, người dân được miễn phí sử dụng 3 m3 nước/tháng, được nâng mức hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế từ 80% lên 100%, được khám, chữa bệnh định kỳ. Hiện nay, ngoài việc tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực bãi rác, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để khẩn trương di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m, thành phố bắt đầu áp dụng công nghệ đốt rác phát điện, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do chôn lấp rác như hiện nay.

Hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện Sóc Sơn là một trong những công trình trọng điểm nằm trong chương trình tổng thể cải thiện hệ thống cấp nước cho người dân vùng nông thôn của Hà Nội được thành phố tập trung triển khai trong hai năm gần đây. Đến nay, 26 công trình cấp nước do 19 nhà đầu tư thực hiện đã và đang được thi công trên địa bàn 394 xã trong tổng số 416 xã, 22 xã còn lại đang được tháo gỡ vướng mắc để xúc tiến triển khai. Có được kết quả này là do thành phố tạo nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án như kết nối doanh nghiệp với ngân hàng để có lãi suất vay ưu đãi, đẩy nhanh trình tự thủ tục về đầu tư, đất đai…

Hệ thống xe buýt phủ toàn thành phố

Sau nước sạch nông thôn, việc kết nối giao thông các vùng sâu, vùng xa với khu vực trung tâm cũng là vấn đề người dân Thủ đô quan tâm lâu nay. Trước năm 2008, hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội phủ kín địa bàn khu vực nội thành và năm huyện ngoại thành (cũ), nhưng khi Thủ đô được mở rộng hơn ba lần, hệ thống này bộc lộ bất cập, bởi các huyện thuộc Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bốn xã trước thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) là “vùng trắng” xe buýt. Tại khu vực này chỉ có khoảng mười tuyến xe buýt của tư nhân hoạt động theo mô hình xã hội hóa, với giá vé cao (khoảng 20 nghìn đồng/lượt), chất lượng dịch vụ kém, lại không kết nối với các tuyến xe buýt trong hệ thống, khiến người dân đi lại bất tiện. Tại rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân các huyện Ba Vì, Mê Linh, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức đều mong muốn được mở các tuyến xe buýt kết nối với trung tâm thành phố, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế-xã hội.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã mở 32 tuyến buýt mới kết nối khu vực trung tâm thành phố với khu vực Hà Nội mở rộng. Riêng năm 2016, đã mở mới bảy tuyến buýt, trong đó có hai tuyến kết nối đến các khu đô thị trung tâm; ba tuyến mở rộng đến các huyện ngoại thành và khu đô thị vệ tinh như: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Xuân Mai, Hòa Lạc... Từ đầu năm 2017 đến nay đã đưa xe buýt vào vận hành tới các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Oai, Mê Linh, Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức..., nâng tổng số tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố lên 101 tuyến, phủ kín 30 quận, huyện, thị xã. Việc mở rộng vùng phục vụ đã phát sinh chi phí vận hành, kéo theo nhu cầu trợ giá từ nguồn ngân sách khá lớn, song thành phố vẫn quyết tâm thực hiện, bởi đây là mục tiêu nằm trong đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" đã được thành phố phê duyệt.

Nỗ lực xây dựng chính quyền phục vụ

Vài năm trước, không ít người dân và doanh nghiệp khi đến làm việc tại các cơ quan hành chính ở Hà Nội bức xúc trước tinh thần, thái độ, trách nhiệm, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức thành phố, nhất là những cán bộ trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Có thời điểm, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội bị “đẩy” xuống vị trí thứ 51 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, gần như là một “cú sốc” đối với chính quyền thành phố. Để khắc phục, thành phố đã chọn chủ đề công tác năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”, nhằm nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm nguyên tắc “một đầu mối-một việc thông suốt”. Các đơn vị cải tiến lề lối làm việc, tăng cường trách nhiệm giải trình, xử lý vi phạm của người đứng đầu. Áp dụng cơ chế phê bình, hạ bậc thi đua, hạ thu nhập đối với các trường hợp vi phạm văn hóa ứng xử và đạo đức công vụ. Thực hiện quy trình giải quyết công việc theo hướng “năm rõ”, từng đơn vị, công chức xây dựng kế hoạch làm việc chi tiết hóa quy trình giải quyết công việc. Tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa, minh bạch hóa các quy trình thủ tục. Cho đến nay, thành phố đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức độ 3 các lĩnh vực: tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng của một số dịch vụ công đạt kết quả cao: lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện đạt hơn 90%; đăng ký kinh doanh đạt hơn 70%; thuế đạt 97%. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2018, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt hơn 80%.

Mặc dù những kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận, nhưng trên thực tế, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp vẫn bức xúc vì tình trạng một số cán bộ, công chức cơ quan hành chính có biểu hiện vô cảm, hành dân. Để khắc phục, lãnh đạo thành phố yêu cầu, quan trọng nhất với công tác cải cách hành chính hiện nay là phải chấn chỉnh tư thế, tác phong cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính, những người tiếp xúc thường xuyên với người dân, doanh nghiệp. Các đơn vị phải chấn chỉnh, thay đổi tư duy phục vụ nhân dân theo tinh thần đúng, đủ quy trình và nhanh chóng, thuận tiện.

VIỆT ANH

Nhân dân