Hà Nội: Kinh tế tiếp tục phát triển, môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện rõ nét
16 Tháng 10, 2017
Sáng 13/10, tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVI, đồng chí Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội đại diện cho Ban cán sự đảng UBND thành phố báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, KT-XH 9 tháng đạt được kết quả toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá; thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư tăng cao hơn so cùng kỳ; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Kinh tế tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 8,1%, dự kiến cả năm tăng 8,5%, đạt kế hoạch đề ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016 (IIP 9 tháng năm 2016 là 7,11%); trong đó: Chế biến, chế tạo tăng 7,42%, Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước, và điều hoà không khí tăng 8,72%, Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,77%, Khai khoáng giảm 21,83%.
Các ngành dịch vụ duy trì phát triển khá, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ 9 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016 (9 tháng 2016 tăng 9,4%); ước cả năm 2017 tăng 10,3%. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 9 tháng đạt 8.593 triệu USD, tăng 8,7% (9 tháng 2016 giảm 0,4%). Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn 9 tháng đạt 21,95 tỷ USD, tăng 22,6% cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đón 17,97 triệu lượt khách du lịch, tăng 9% so cùng kỳ, trong đó: khách quốc tế đạt 3,54 triệu lượt, tăng 23,5% cùng kỳ (số khách quốc tế có lưu trú đạt 2,53 triệu lượt, tăng 22% cùng kỳ); khách nội địa đạt 14,34 triệu lượt, tăng 7% cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng khách sạn đạt 59,7%, tăng 4,31% cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 52,96 nghìn tỷ đồng, tăng 14% cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi; giá trị gia tăng 9 tháng tăng 2,15% và cả năm ước tăng 1,7%. Tốc độ tăng trưởng cả năm thấp hơn 9 tháng do ảnh hưởng giảm giá thịt lợn thời gian đầu năm, người chăn nuôi hạn chế mở rộng quy mô đàn lợn nên sản lượng Quý IV giảm. Thu NSNN trên địa bàn 9 tháng đầu năm đạt 146,4 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán, tăng 16,2% cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách địa phương 9 tháng thực hiện 41.703 tỷ đồng, đạt 53,6% dự toán. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư NSNN; đã giải ngân 17,1 nghìn tỷ đồng, bằng 51% dự toán.
Ước thực hiện cả năm 2017, thu NSNN trên địa đạt 207.628 tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 15,8% so với thực hiện năm 2016. Chi ngân sách địa phương: 77.262 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 35.894 tỷ đồng, đạt 107,3% dự toán. Đã ban hành và thực hiện Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 30/3/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 31/3/2017 về phát triển doanh nghiệp năm 2017. Một số sở ngành (Cục Thuế, Cục Hải quan, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư...), các quận, huyện đã tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng hiện nay đã đạt 96%, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Hà Nội đạt 60,74 điểm (tăng 1,74 điểm), xếp ở vị trí thứ 14/63, tăng 10 bậc so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay. Năm 2016 là năm thứ 4 liên tiếp chỉ số PCI của Hà Nội tăng hạng, cũng là năm đầu tiên Hà Nội bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt (vượt ngưỡng 60 điểm). Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 3 cả nước và tăng 6 bậc so với năm 2015.
Thành phố chỉ đạo tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ; đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội với số vốn 5,2 tỷ USD. Tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”... - Thu hút vốn đầu tư đạt kết quả tích cực: Lũy kế 9 tháng đầu năm, tiếp nhận 125 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách vốn đăng ký 84.120 tỷ đồng; 398 dự án FDI vốn đăng ký cả cấp mới và tăng vốn là 2,16 tỷ USD; 22 dự án PPP vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng (Lũy kế đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Thành phố triển khai 128 dự án PPP vốn đăng ký 332.030 tỷ đồng); cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 18.685 đơn vị vốn đăng ký 144.100 tỷ đồng (tăng 10% về số lượng và giảm 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016).
Hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng hiện đã đạt tỷ lệ 96%. Vốn đầu tư xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm đạt 198.413 tỷ đồng, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2016. Công tác ổn định giá cả thị trường được thực hiện tốt. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,51% so cùng kỳ; ước bình quân cả năm 2017 CPI tăng khoảng 3,05-3,11% so với bình quân năm 2016.
Triển khai có hiệu quả Chương trình trồng 1 triệu cây xanh
Thành phố tiếp tục hoàn chỉnh Quy định quản lý hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy trình kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh, chăn nuôi động vật. Đổi mới cơ bản công tác duy tu, duy trì hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh, dải phân cách. Tập trung thu gọn đầu mối quản lý, vận hành để nâng cao hiệu quả công việc. Triển khai có hiệu quả Chương trình trồng 1 triệu cây xanh nhằm tăng độ phủ xanh; đã kêu gọi và nhận được sự tham gia xã hội hóa trồng cây của nhiều đơn vị, tổ chức như Vingroup, Vpbank, AIC, Công ty CP ĐT và PTĐT Việt Hưng, Vinaconex, GPInvest… Trong 9 tháng đầu năm đã trồng được 310.451 cây; tính lũy kế đến nay, toàn Thành phố đã trồng được 447.451 cây xanh, đạt 44,7% mục tiêu Chương trình.
Công tác đảm bảo trật tự giao thông tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Tổ chức tốt công tác phân luồng, hướng dẫn, đảm bảo an toàn giao thông phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, việc thi công các dự án trọng điểm... Sắp xếp điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn Thành phố, đến nay đã hoàn thành 623/681 nốt, của 24 tỉnh, chiếm 99%; tổ chức vận hành tuyến buýt nhanh BRT từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã.
Hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2017
Báo cáo cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố còn một số hạn chế cần tiếp tục được quan tâm khắc phục như sản xuất kinh doanh còn không ít khó khăn. Việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm còn ít; sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đáp ứng nhu cầu; các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Công nghiệp vẫn tăng trưởng nhưng có xu hướng tăng chậm dần, tính cạnh tranh còn chưa cao. Vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, đặc biệt là lấn chiếm đất nông nghiệp, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép còn xảy ra.
Tình trạng ùn tắc giao thông còn xảy ra, nhất là giờ cao điểm; hiện tượng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; vi phạm về biển hiệu có lúc, có nơi còn diễn ra. Công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường chưa thực sự chủ động, còn hạn chế, đặc biệt ở một số làng nghề; còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên một số hồ. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi tại một số điểm công cộng. Công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao; cháy, nổ, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp; đã xảy ra một số vụ việc gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trên địa bàn vẫn xảy ra dịch bệnh như sốt suất huyết. Công tác khám chữa bệnh, chất lượng thuốc, vệ sinh an toàn thực phẩm có chuyển biến, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017, đây là thời gian nước rút để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh để hoàn tất các hợp đồng của năm 2017, chuẩn bị các đơn hàng, các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ Tết Mậu Tuất 2018.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/6/2017 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 và các văn bản chỉ đạo liên quan, Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm, đồng thời tập trung thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2017; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu, chi ngân sách; Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường. Tiếp tục xây dựng, củng cố và giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng địa phương, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tích cực thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán thu - chi ngân sách năm 2018 đảm bảo chất lượng.
CÔNG THỌ - NGỌC HẢI - ĐỨC THỌ