The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Nội lọt Top 10 PCI, doanh nhân cần làm gì để nâng tầm cho doanh nghiệp?

Trong buổi Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ Doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn thời gian gia nhập thị trường cho Doanh nghiệp”, diễn ra chiều 10/9, do Sở KH&ĐT Hà Nội phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) tổ chức, có sự tham gia của lãnh đạo nhiều Sở, ban ngành và đại diện các doanh nghiệp (DN) của Thành phố Hà Nội (TP).

Tọa đàm nhằm triển khai thực hiện Nghị Quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) Thành phố Hà Nội và định hướng năm 2021.

Lọt Top 10 PCI năm 2018, có trên 272.000 DN năm 2019, Hà Nội đang nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư cho DN:

Ông Trần Ngọc NamPhó Giám đốc Sở KH&ĐT:

Thời gian qua, TP đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư. Điều này đã khẳng định thông qua kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, được xếp hạng thứ 9, đạt 55,40 (tăng 4 bậc so với vị trí thứ 13 năm 2017).

Đây là năm đầu tiên Hà Nội lọt vào Top 10 tỉnh, thành được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và thông thoáng trong môi trường kinh doanh. Để nâng cao điểm số PCI năm 2019 và trong những năm tới, Sở tiếp tục lắng nghe DN và có những hoạt động cụ thể nhằm nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh của TP. Đây cũng là mục đích của việc tổ chức hội thảo, những ý kiến của DN sẽ được Sở ghi nhận và tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.

Ông Trần Ngọc Nam ký biên bản hợp tác hỗ trợ DN trên địa bàn TP

Ông Lê Văn Quân – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Hà Nội:

Lũy kế hết tháng 8/2019, Hà Nội có trên 272.000 DN, tỷ lệ DN nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số DN Hà Nội, đóng góp GDP 40%, tạo công ăn việc làm 50% lao động, tăng 9% so với cùng kỳ 2018 và tăng 40% lượng DN trước Nghị Quyết 35/NQ-CP.

Cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) đáp ứng 1.000 hồ sơ ĐKKD/ngày (bình quân 1 cán bộ ĐKKD xử lý 25 – 30 hồ sơ/ ngày; Vốn đăng kí trung bình (2016 – 2018): 7 tỷ đồng/DN; Số lượng sản phẩm DN nhỏ và vừa tạo ra chiếm khoảng trên 30% tổng sản phẩm; Số việc làm tạo ra của DN nhỏ và vừa chiếm trên 60% tổng số việc làm; Vốn đầu tư của DN nhỏ và vừa chiếm 25% tổng số vốn đầu tư của toàn DN.

Để có kết quả đó, Sở đã ứng dụng CNTT trong các thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký DN với việc triển khai mô hình Cơ quan ĐKKD thân thiện.

“Năm 2018, TP Hà Nội hiện đang là địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký DN qua mạng với tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký DN đều được nộp qua mạng điện tử” – ông Lê Văn Quân nói.

Ông Mạc Quốc Anh mong muốn TP hỗ trợ tích cực hơn nữa cho sự phát triển chung của DN trên địa bàn HN

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội (Hanoisme)

Ông Mạc Quốc Anh thừa nhận, thời gian qua, lãnh đạo TP. Hà Nội đã có nhiều động thái tích cực nhằm chuyển biến những khó khăn thành cơ hội cho các DN trên địa bàn, bằng các chính sách hỗ trợ về thủ tục pháp lý, giải quyết hành chính, tổ chức đào tạo, hỗ trợ tài chính, miễn phí đăng ký cho các DN thành lập mới.

Hanoisme cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn, cung cấp thông tin chính sách về Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại giao thương hàng hóa giữa các vùng miền, trong cả nước và thị trường ngoài nước. Nhiều diễn đàn DN được tổ chức với mục đích tư vấn, hỗ trợ các DN về các giải pháp công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý thời kỳ cách mạng 4.0.

Tuy nhiên, với những hạn chế về quy mô, kiến thức, tầm nhìn, nguồn vốn, các DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa cần được TP. Hà Nội hỗ trợ thêm về dịch vụ tiện ích, hỗ trợ kết nối nguồn vốn, xây dựng mô hình kết nối giữa Cơ quan Đăng ký kinh doanh với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quá trình khởi nghiệp, giúp DN hoàn thiện việc gia nhập thị trường nhanh nhất.

“Chúng tôi cần nhận được sự hỗ trợ tốt hơn từ TP, Sở, ban ngành…”

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, nhiều năm trước, Hà Nội là một trong số những địa phương bị doanh nghiệp kêu ca nhiều nhất về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, sự hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính, thủ tục gia nhập thị trưởng đã được cải thiện đáng kể, thể hiện qua các chỉ số PCI. Ông Tuấn cho rằng, việc giữ vững được sự chuyển động tốt này, hay những đánh giá tốt của DN về môi trường kinh doanh là khó, nên cần sự bền bỉ để duy trì của chính quyền thành phố và các cơ quan hỗ trợ DN.

Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm các doanh nhân cũng đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó nổi bật là việc hộ kinh doanh phát triển lên DN còn “vướng” nhiều thứ, vướng về thủ tục cấp phép mở rộng mô hình kinh doanh, vướng giấy phép con hoặc chưa đồng bộ giữa thủ tục hành chính của TP với các quận, huyện…

Hay hiện nay các DN thành lập mới vẫn phải chi 100.000 đồng để để đưa thông tin DN lên Cổng thông tin điện tử Quốc gia. Số tiền này tuy rất nhỏ nhưng nên bỏ đi vì khi thực hiện vướng thủ tục ngân hàng, cũng như không phù hợp với chủ trương khuyến khích thành lập và chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên DN.

Đại diện các DN trao đổi khó khăn, vướng mắc với ông Trần Ngọc Nam và ông Mạc Quốc Anh trong phần tọa đàm

Ông Hoàng Ngọc LinhTổng giám đốc của Công ty PLG Group; Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Phúc Thọ, Hà Nội:

Hiện TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chưa đến được với các hộ kinh doanh cá thể. Vì thế, TP cần chỉ ra đường hướng, tạo thêm môi trường sinh thái khởi nghiệp để các hộ kinh doanh cá thể tiếp cận với chủ trương này.

Ông Linh cho biết, các hộ kinh doanh cá thể muốn lên DN còn vướng về kiến thức quản trị kinh doanh cũng như thiếu thị trường và hàng loạt các kiến thức cơ bản khác như marketing, thuế cũng như pháp luật liên quan, bởi mô hình hoạt động của các hộ kinh doanh hoàn toàn khác với mô hình DN.

Các hộ kinh doanh cá thể vừa là nông dân, vừa là người kinh doanh nên tư duy chưa bắt nhịp được với thời cuộc, nhiều gia đình phát triển kinh doanh rất tốt nhưng không muốn thành lập DN vì họ băn khoăn họ sẽ được gì và gặp khó khăn gì khi phát triển từ mô hình cá thể lên DN.

Mặt khác, khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, nếu chuyển đổi thành DN, nhiều hộ kinh doanh còn gặp khó khăn về mặt bằng. Ông Linh kiến nghị Thành phố nên dành quỹ đất cho các hộ kinh doanh cá thể, tạo điều kiện cho họ phát triển, vì thực tế, số hộ cá thể ở huyện lên tới con số vài nghìn. Đồng thời, DN huyện cũng mong muốn các DN đầu đàn tạo môi trường kích thích sản xuất, để họ có thể gửi gắm sản phẩm, phát triển thương hiệu.

Ông Bùi Ngọc TườngGiám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành:

DN nhỏ và vừa ở các huyện chưa thực sự hiểu vể các thủ tục pháp lý do công tác tuyên truyền cũng chưa thực sự sâu rộng đến cấp huyện, xã. Các hộ kinh doanh cá thể dù nhiều hộ phát triển rất tốt nhưng họ sợ thành lập doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh cá thể sợ những nhập nhằng về thuế, sợ không có hướng phát triển, vì trên thực tế, cứ 100 DN thành lập, chỉ có khoảng 70 DN phát triển được, còn 30 DN rơi rụng.

Với điều kiện thị trường kinh doanh khắc nghiệt, cạnh tranh lớn, cộng với một số chính sách chưa đến được với DN cũng là những băn khoăn của nhiều hộ kinh doanh, khiến họ chưa muốn hoặc không muốn phát triển từ hộ kinh doanh cá thể lên DN .

Bà Nguyễn Thị Ngọc ThúyGiám đốc Công ty cổ phần Thương mại Gia đình Việt:

Bà Thúy cho rằng, hiện các thủ tục hành chính như đăng ký thành lập doanh nghiệp, sửa đổi ngành nghề kinh doanh… đã được rút ngắn hơn rất nhiều, không bị cản trở, gây khó khăn như trước đây. Cụ thể, nếu trước đây, một DN thành lập mới cần tới 15 ngày hoặc hơn để có giấy phép đăng ký; đến thời điểm hiện tại, DN chỉ cần 3-5 ngày để hoàn tất các thủ tục, đi vào hoạt động, sản xuất.

Tuy nhiên, thủ tục về đất đai vẫn còn một số vướng mắc. Ví dụ, với một số DN nhỏ và vừa, sau một thời gian dài phát triển vững chắc, họ muốn mở rộng mô hình sản xuất thì gặp khó khăn trong việc chuyển đổi diện tích đất thổ cư họ đã mua thành sổ đỏ chính chủ được quyền kinh doanh. Bà Thúy mong muốn, TP cần có những chính sách hỗ trợ DN đầu tư kinh doanh hơn nữa để DN có nền tảng, môi trường để phát triển mạnh mẽ.

Bài, ảnh Nguyễn Hạnh

Theo Luxury-inside.vn