The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Nội – Một năm nhìn lại từ Hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển 2016

Sau một năm nỗ lực kể từ Hội nghị “Hợp tác đầu tư và phát triển 2016”, vị thế của Thủ đô đã cải thiện rõ rệt trong một loạt chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh quốc gia và quốc tế.

Ngay sau Hội nghị “Hợp tác đầu tư và phát triển 2016”, TP Hà Nội nỗ lực triển khai một loạt hoạt động cụ thể và đẩy mạnh hơn vào năm 2017 - “Năm kỷ cương, hành chính”. Cùng với việc mở rộng cơ chế “một cửa” trong tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị trong một lần cho doanh nghiệp, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung vào các vấn đề về tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ pháp lý, tư vấn, đào tạo về chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu doanh nghiệp hoặc thương hiệu sản phẩm; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 14.000 và ISO 22.000.., nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp …

Sau một năm nỗ lực vị thế của Thủ đô đã cải thiện rõ rệt trong một loạt chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh quốc gia và quốc tế: Hà Nội xếp thứ 8/10 thành phố năng động nhất thế giới theo Chỉ số động lực thành phố (CMI) của JLL năm 2017; Chỉ số PCI năm 2017 của Hà Nội đứng thứ 14/63, tăng 10 bậc so với năm 2016, sau khi tăng hai bậc so với năm 2015 và lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt.

Hà Nội vươn lên đứng đầu cả nước về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ngành tài chính, với 100% hồ sơ đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách, Đăng ký giá và Kê khai giá được tiếp nhận và trả kết quả theo hình thức dịch vụ công mức 4. Ngoài ra, 12 thủ tục hành chính đã được triển khai đăng ký qua mạng miễn phí cho doanh nghiệp. Một hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn còn hai ngày so với mức 2,9 ngày trung bình của cả nước. Đồng thời, phấn đấu trong năm 2017 rút ngắn thời gian từ 20% - 60% so với quy định hiện hành, nhất là các thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng; bảo đảm thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; tỷ lệ kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 95%; tỷ lệ người hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp 80%; Giảm thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày...

Năm 2016, Hà Nội xếp ở vị trí thứ 3 cả nước về chỉ số CCHC (PAR index) được xác định theo các tiêu chí thành phần mới và đang tiếp tục cải thiện chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI; phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng về đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai; công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu, toàn bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận.

Năm 2016, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP Hà Nội đạt gần 278 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ. Hà Nội thu hút hơn 1,9 tỷ USD vốn FDI, chiếm 12,7% tổng số và đứng thứ hai cả nước và có 23 nghìn doanh nghiệp (chiếm 25% cả nước) đăng ký thành lập mới, tăng hơn 19% về lượng và 42% về vốn so với năm 2015, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên hơn 202 nghìn doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tổng dư nợ trên địa bàn đạt 16.113 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so cùng kỳ. Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 42%; cho vay bất động sản chiếm 8,4%; cho vay tiêu dùng chiếm 9%; cho vay xuất khẩu chiếm 9,8%. Hà Nội thu hút 2,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so năm 2015; khách nội địa đạt hơn 9,2 triệu lượt người, tăng 4,3%.

Nửa đầu năm 2017, so cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn Thủ đô tăng 5,9%; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt hơn 917 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 12,2%; thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 15% và hơn bốn triệu lượt khách trong nước, tăng 5,3%.Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17-5, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán do Sở GDCK Hà Nội quản lý có 915 doanh nghiệp, tăng thêm 122 doanh nghiệp so đầu năm; Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 589 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% so đầu năm (trong đó, HNX đạt 171 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8%; Upcom đạt 418 nghìn tỷ đồng, tăng 37,9%). Chỉ số HNX -Index đạt 91,91 điểm, tăng 14,7% so đầu năm (chỉ số HNX30 đạt 172 điểm, tăng 19,9% và chỉ số VNX Allshare đạt 1076 điểm, tăng 13,8%).

Trong quản lý đầu tư phát triển, một mặt, Hà Nội kiên trì và linh hoạt trong định hướng, hỗ trợ các khu công nghiệp mới phát triển theo hướng chuyên ngành và hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là trong công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu của cả nước, từng bước trở thành trung tâm mạnh về công nghiệp phần mềm, nội dung số và công nghiệp phần cứng trong khu vực. Mặt khác, Hà Nội cũng tăng cường kiểm soát các dự án gây ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng và tài nguyên; đẩy mạnh chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm bản quyền, thương hiệu hàng hóa; Đồng thời, cả hệ thống chính trị trên địa bàn cũng đang đẩy mạnh hơn cuộc đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sự vô cảm…

Về tổng thể, có thể thấy, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và cả những nỗ lực đồng bộ trên thực tế trong quản lý nhà nước nói chung, trong công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác phát triển nói riêng. Những thành công bước đầu nêu trên là rất đáng ghi nhận và Hội nghị“Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tiếp tục bổ sung phương hướng và động lực để Thành phố kiên trì đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và cả nước, tiếp tục vượt qua những thách thức, phản ứng linh hoạt và hiệu quả hơn với những động thái thị trường, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả cạnh tranh kinh tế và quản lý nhà nước trên địa bàn, để Thủ đô ngày càng phát triển đang hoàng hơn, to đẹp hơn, có trách nhiệm hơn, xứng đáng với lòng tin yêu và hy vọng của cả nước.

TS. MINH PHONG

Báo Nhân dân