Hà Nội: Nâng chất lượng đón đầu tư
Dù đã đạt thứ hạng cao nhất từ trước tới nay nhờ những nỗ lực của cải cách hành chính, nhưng thời gian tới Hà Nội vẫn cần năng động, cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa để đón nhà đầu tư chất lượng. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết.
PV: Hà Nội đã cải thiện 7 bậc trong xếp hạng chỉ số PCI, cá nhân ông cho rằng đây là bứt phá lớn của Hà Nội, nhưng lại cũng nhận định rằng Hà Nội vẫn là TP chậm thay đổi trong điều hành, vì sao vậy?
Ông Đậu Anh Tuấn: Có 2 vấn đề liên quan đến chỉ số PCI của Hà Nội. Thứ nhất, về xếp hạng Hà Nội đã đạt thứ hạng cao nhất từ trước tới nay (đứng thứ 26/63). Trước đó, năm 2007, Hà Nội đã từng đứng thứ 27 sau đó lại tụt xuống đứng thứ 33, rồi 43, 36, 51. Như vậy, về điểm số Hà Nội có những cải thiện lớn về thứ hạng nhờ những nỗ lực tích cực để cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào hệ thống chỉ số của Hà Nội thì gần như những điểm mạnh vẫn mạnh, điểm yếu vẫn yếu. Hà Nội vẫn đứng đầu về chỉ số đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ DN, chi phí gia nhập thị trường. Tuy nhiên, trong 10 chỉ số thành phần thì chỉ số về tính năng động của chính quyền, Hà Nội xếp thứ 63/63.
Chỉ số về tính năng động của chính quyền là cảm nhận mà DN đánh giá về chính quyền. Tính năng động này có nhiều yếu tố, chẳng hạn nếu DN có khó khăn vướng mắc, chính quyền có hỗ trợ nhanh hay không? Sự thống nhất giữa chính quyền cấp tỉnh, huyện, các sở ngành có sự đồng bộ không, có kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN không? Nếu đánh giá theo tiêu chí này thì Hà Nội luôn bị đánh giá thấp. Rõ ràng, tính năng động thấp nên dẫn tới đánh giá của nhiều người là Hà Nội rất chậm thay đổi. Hơn nữa, do Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả nước nên kỳ vọng của nhiều người rất lớn vào đầu tàu kinh tế này. Bởi nếu 2 đầu tàu Hà Nội và TP. HCM chỉ cần chuyển biến 1 chút thôi, chứ không cần nhanh như các địa phương khác thì nền kinh tế được hưởng lợi rất nhiều. Luôn kỳ vọng những đầu tàu kinh tế phải nỗ lực cải cách vượt qua chính mình, tuy nhiên nếu các đầu tàu này không cải thiện như mong đợi sẽ nhận được điểm số thấp từ các DN.
Theo ông, đâu là lý do chính khiến Hà Nội luôn xếp hạng thấp hơn so với các tỉnh, thành khác như TP. HCM, Đà Nẵng?
- Hà Nội có những khó khăn đặc thù khiến thứ hạng không cao. Vì là đô thị lớn, địa bàn quá rộng nên quản lý không dễ. Hơn nữa, Hà Nội cũng có những cái khó mang tính đặc thù, đó là gần Trung ương nên thiếu tính độc lập tự chủ. Đây là nghiên cứu đã được tổng kết. Thủ đô của các nước khác cũng có những khó khăn tương tự.
Là địa phương có rất nhiều lợi thế, về vị trí địa lý, thị trường rộng lớn, chất lượng nhân lực cao, sân bay quốc tế, bệnh viện quốc tế... mà Hà Nội không cần làm gì, hoặc làm ít thì vẫn có nhà đầu tư đến với họ nên động lực cải cách ít hơn các địa phương khác. Hơn nữa, do lợi thế có sẵn nên đa phần nhà đầu tư vào Hà Nội là nhà đầu tư có chất lượng, nên yêu cầu về sự phục vụ của cán bộ cũng cao hơn các địa phương khác.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ Hà Nội cần cải thiện chất lượng điều hành hơn nữa, vì đây là một cách để chọn lọc nhà đầu tư để hình thành cộng đồng kinh doanh có chất lượng cao đến từ các nước phát triển. Ý nghĩa của PCI đối với Hà Nội là như vậy, chứ không chỉ thứ hạng.
Theo ông, Hà Nội cần làm gì cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới?
- Tôi cho rằng, Hà Nội không chỉ so sánh với các địa phương khác trong nước mà phải có tầm nhìn rộng ra, so sánh với các trung tâm kinh tế năng động trong khu vực để có chiến lược cải cách. Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng đã đề cập phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư ngang bằng với các nước ASEAN, và Hà Nội phải lãnh trách nhiệm này. Đặc biệt, những lĩnh vực DN chê thì Hà Nội phải tìm hướng khắc phục. Hà Nội cần tăng cường các hoạt động đối thoại với các DN để chia sẻ, tháo gỡ những vướng mắc cho cộng đồng DN rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và DN. Là địa bàn rộng, DN đông, chính quyền không thể trực tiếp gặp gỡ DN mà phải thông qua các hiệp hội. Vì vậy, Hà Nội cần quan tâm đến các hiệp hội để lắng nghe tiếng nói từ phía DN.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lục Bình (thực hiện)
Theo Đại đoàn kết ngày 21/04/2015