Hà Nội: Nỗ lực cải cách hành chính, thúc đẩy kinh tế phát triển
07 Tháng 10, 2021
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc nỗ lực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và kinh tế Thủ đô phát triển được xem là một trong những giải pháp đưa Hà Nội sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”, góp phần thiết thực chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021).
Những năm qua, việc đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) ở TP. Hà Nội đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo dựng hình ảnh Thành phố “Xây dựng chính quyền phục vụ - Lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng”.
Xác định công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác của thành phố: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, ngay từ đầu năm 2021, TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch CCHC nhà nước năm 2021 của thành phố, Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch thông tin, tuyên truyền CCHC giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch SIPAS giai đoạn 2021 – 2025…
Thành phố đã tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết, tiết giảm đến mức thấp nhất chi phí cho tổ chức, cá nhân; hoàn thành xây dựng quy trình nội bộ, quy trình phối hợp, quy trình liên thông giữa các cấp, các ngành trong giải quyết công việc và giải quyết TTHC, nhất là các lĩnh vực liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, đầu tư, lao động, thương binh và xã hội. Theo đó, từ đầu năm đến nay, UBND TP. Hà Nội đã thực hiện rà soát, đánh giá gần 400 TTHC, đề xuất đơn giản hóa 87 TTHC, đạt tỷ lệ 22,7%.
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố đều chủ động triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” với nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị đều được bố trí độc lập và đặt tại nơi trang trọng, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch. Thành phố còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường rà soát số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC để bố trí cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu.
Việc tiếp nhận hồ sơ trên Cổng dịch vụ công thành phố được triển khai nghiêm túc, bài bản, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt trên 90%. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong luân chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức, tránh việc tụ tập đông người. Đây được đánh giá là một giải pháp hợp lý và thuận tiện cho người dân.
Đặc biệt, Thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi như dân cư, quy hoạch, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm... theo hướng tập trung, tích hợp, làm nền tảng cho việc phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như giáo dục, y tế, giao thông, lao động, tư pháp; bảo đảm sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định.
Đáng chú ý, năm 2021, TP. Hà Nội còn xây dựng các kênh thông tin để tiếp nhận các ý kiến đề xuất, góp ý, phát hiện, hiến kế... của tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân đối với thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác CCHC. Những phản ánh, kết quả khắc phục, xử lý các vấn đề người dân, dư luận bức xúc trong công tác cải CCHC; việc tiếp thu, phản hồi ý kiến đóng góp và kết quả xử lý các kiến nghị, đề xuất của tổ chức, cá nhân đối với chính quyền cũng sẽ được thông tin tại các kênh này.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; tập trung cao độ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện “mục tiêu kép” bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó là đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh TP. Hà Nội (PCI); cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI; Chỉ số CCHC PAR Index, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS…
Để tiếp tục đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian tới, TP.Hà Nội sẽ tiếp tục công khai, minh bạch hóa thông tin trong các lĩnh vực; rà soát, đơn giản hóa các TTHC; công bố, công khai các quy định các TTHC. Thực hiện rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, phù hợp với đặc thù của Hà Nội.
Tiếp tục sắp xếp tổ chức, kiện toàn bộ máy nhà nước của Thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử, số hóa kết quả giải quyết TTHC đang được quản lý, lưu trữ bằng văn bản giấy và lưu thông tin, dữ liệu đã được số hóa tại Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố…
Đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện CCHC, kiểm tra công vụ, chú trọng đa dạng hóa các phương thức, cách thức kiểm tra, phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức….
Theo Công lý