The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Nội quyết liệt để cơ bản hoàn thành 100% cấp sổ đỏ

Cùng với việc công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt để cơ bản hoàn thành 100% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn trong năm 2021…
Theo Chỉ thị về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa được ban hành, để nằm trong nhóm có thứ hạng cao của cả nước, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung quyết liệt khắc phục 2 chỉ số thành phần giảm hạng đáng kể, rơi vào nhóm có xếp hạng thấp trong năm 2020, gồm chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” (xếp thứ 61/63, giảm 51 bậc) và chỉ số “Tiếp cận đất đai” (xếp thứ 56/63, giảm 15 bậc).
TĂNG THỨ HẠNG CHỈ SỐ TIẾP CẬN ĐẤT ĐAI
Cụ thể, đối với chỉ số “tiếp cận đất đai”, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì thực hiện các giải pháp khắc phục kết quả chỉ số này; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 và 5 năm (2021-2025). Sở này cũng được giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thuận lợi và nhanh chóng; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt để cơ bản hoàn thành 100% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn; giải quyết vướng mắc và nâng cao tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành công tác xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; tham mưu xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường. Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai và tổ chức triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định, không gây khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Đối với chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, Uỷ ban Nhân dân Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch để cải thiện và nâng cao chỉ số này: Giữ vững tỷ lệ 100% tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận thực hiện qua mạng; bảo đảm thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với cả thủ tục đăng ký mới và thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp.
Tiếp tục duy trì 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phấn đấu 50% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4; phấn đấu 50% số thủ tục hành chính có quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ hợp lệ và các thủ tục để doanh nghiệp chính thức hoạt động. Thực hiện niêm yết công khai các thủ tục đăng ký doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”; chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ để nâng cao chất lượng hướng dẫn người dân và doanh nghiệp.
KHAI THÁC HIỆU QUẢ NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI
Tại hội nghị khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ và Luật Đất đai năm 2013 trên các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính và quy hoạch- kiến trúc của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa diễn ra, đại diện Sở Tài Chính cho biết, thời gian qua, công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đã được các cấp, ngành thuộc Thành phố Hà Nội chủ động triển khai thực hiện, tạo nguồn thu cho ngân sách các cấp. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 thực hiện 55.285 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 thực hiện 147.498 tỷ đồng, đạt 266% so với giai đoạn 2011-2015 (kế hoạch năm 2021 thu đạt 22.700 tỷ đồng).
Về công tác quản lý, sử dụng và kết quả sắp xếp lại, xử lý tài sản công liên quan đến đất đai, Ủy ban Nhân dân thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của thành phố với tổng số 10.858 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 41.254.642m2, diện tích nhà 10.019.676m2…
Về việc xây dựng mô hình thí điểm tích tụ, tập trung đất đai, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến nay, thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3ha. Đến nay, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền, đổi thửa, với số lượng 617.964/622.861 (đạt 99,21%).
Cũng trong thời gian qua, các đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đã khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn một số quận Bắc Từ Liêm, Hà Đông và 2 huyện Gia Lâm, Mê Linh.
Báo cáo từ các quận, huyện cho thấy đã tập trung thực hiện công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hằng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ đó làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng cơ bản thực hiện tốt công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đấu giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xử lý các vi phạm… 4 địa phương đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho tối thiểu 98% các trường hợp đủ điều kiện.