Hà Nội sau 9 năm mở rộng địa giới hành chính: Nâng tầm vị thế Thủ đô
Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII, Thủ đô Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính. Sau 9 năm mở rộng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội chung sức, đồng lòng, phát huy mọi nguồn lực kiến tạo Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh.
Vị trí đầu tàu về tăng trưởng kinh tế
Năm 2008, khi tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) chính thức sát nhập vào Hà Nội, Thủ đô đã phải đối diện với không ít khó khăn khi dân số tăng nhanh, hạ tầng chênh lệch giữa các vùng miền, khoảng cách về thu nhập của người giữa khu vực đô thị và nông nông lớn…
Sau 9 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã nỗ lực kéo gần những khoảng cách. Trong phát triển kinh tế, Hà Nội vẫn giữ được vị trí đầu tàu với mức tăng trưởng kinh tế luôn bằng 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước. 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng đạt 7,37% cũng cao hơn mức bình quân chung cả nước. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 5 năm 2011 - 2015 tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Năm 2016, kinh tế Thủ đô tăng trưởng 8,03%, tổng thu ngân sách nhà nước thành phố thực hiện được trên 100.490 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ.
Đúng với tinh thần ưu tiên thúc đẩy, hạ tầng “phải đi trước một bước”, sau 9 năm, hệ thống quy hoạch của Thủ đô đã cơ bản được hoàn thiện. Sau Quy hoạch chung, Hà Nội cũng đã tiến hành triển khai hàng loạt quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phân khu trên địa bàn... chính là cái gốc quan trọng cho TP giải quyết những vướng mắc phát sinh. Trong đó, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được công bố một năm về trước.
Từ đó, hệ thống hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện với các tuyến đường vành đai, các đường trục hướng tâm, các tuyến đường cao tốc và những cây cầu hiện đại như: Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và hoàn thành 7 cầu vượt, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội đang dần thành hình, hứa hẹn tạo bước tiến lớn trong xây dựng hạ tầng giao thông thành phố.
Đến nay, điều mà mỗi người dân thấy rõ nhất đó chính là sự “thay da đổi thịt” ở vùng ngoại thành - địa chỉ luôn nhận được sự ưu tiên đặc biệt sau ngày mở rộng. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại các huyện, thị xã trên 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt trên 95%. 100% số xã có trạm y tế, có bác sĩ và nhiều xã đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng hiện ở mức gần trên 35 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so với năm 2008 và TP đang phấn đấu đạt con số 49 triệu đồng/năm vào năm 2020. Đến nay, đối với cấp xã, có 256/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66,06%. Trong số 131 xã còn lại, có 93 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, còn 38 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí. 2 huyện Đan Phượng, Đông Anh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới và 2 huyện: Thanh Trì, Hoài Đức đang trình Chính phủ công nhận.
Chăm lo đời sống dân sinh, đảm bảo an sinh xã hội
Sự vươn lên không ngừng và khẳng định bản lĩnh của Thủ đô Hà Nội trong 9 năm qua còn thể hiện ở sự quan tâm, chăm lo đời sống dân sinh, bảo đảm an sinh xã hội.
Lĩnh vực nước sạch, đến tháng 6/2017, tỷ lệ khu vực nông thôn được cấp nước sạch đạt 40%; với khoảng 155/416 xã (tăng được 2,8% so với năm 2016). TP đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 23 DA với tổng mức đầu tư hơn 9,6 nghìn tỷ đồng. Đã khởi công Nhà máy nước mặt sông Đuống. Các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên 86,6%, tăng 49,4% so với thời điểm cuối năm 2016.
Hà Nội cũng đã ban hành “chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020” với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống khu vực nông thôn, kéo gần khoảng cách nông thôn, thành thị. Trung bình hàng năm, TP có trên 20.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,5 - 2%. Hiện, TP không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; sẽ hoàn thành chỉ tiêu giảm 10.230 hộ nghèo. Đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 xuống còn 1,8%.
Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước với hơn 800.000 người, chiếm 10% dân số thành phố; trong đó có 92.000 người hưởng trợ cấp hằng tháng. Những năm qua, ngoài chính sách theo quy định của Trung ương, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều chính sách đặc thù, huy động được đông đảo các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Đặc biệt, dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua, thành phố đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 8.211 nhà ở của gia đình người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 958 tỷ đồng, cơ bản hoàn chỉnh việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn những lĩnh vực quan trọng hàng đầu, những nhiệm vụ cấp bách, nổi cộm để ban hành chỉ thị, nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết như: Phát triển du lịch, giải phóng mặt bằng, tăng cường bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự và văn minh đô thị, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, củng cố cơ sở đảng yếu kém gắn với giải quyết những vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Tất cả những nỗ lực, quyết tâm này đã và đang đem lại sự chuyển biến rõ rệt trên mọi lĩnh vực.
TP Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh thần phục vụ, ý thức kỷ cương, kỷ luật của bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố ngày càng được cải thiện theo tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
Thành phố cương quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm, thái độ thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong quá trình giao tiếp, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hà Nội cũng đi đầu trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Nhờ đó, môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội ngày càng tạo được sức hút lớn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 10 bậc, xếp 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội cũng tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước ước đạt 190.922 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 58 dự án trong nước với 34.177,6 tỷ đồng; 24 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với vốn đăng ký 32.103 tỷ đồng.
Tròn 9 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, đây thực sự là một chặng đường đáng nhớ với nhiều thành tựu được khẳng định. Hành trang mang theo của Hà Nội hôm nay đã khác rất nhiều so với 9 năm trước. Tuy nhiên trước những thanh công và không ít khó khăn thử thách của Hà Nội hôm nay, người dân luôn mong chờ những đột phá mới ở “trái tim cả nước” để xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng.
CHÂU ANH