The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà nội: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế tri thức

Để phát triển kinh tế Thủ đô xứng tầm với vị thế, tiềm năng và thế mạnh, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong đó, tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, từng bước hình thành nền kinh tế tri thức phát triển nhanh và bền vững.

Doanh nghiệp đăng ký giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh: DUY LINH

Để phát triển kinh tế Thủ đô xứng tầm với vị thế, tiềm năng và thế mạnh, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong đó, tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, từng bước hình thành nền kinh tế tri thức phát triển nhanh và bền vững.

Giai đoạn 2011-2015, kinh tế Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Vì vậy, Chương trình số 03 của Thành ủy khóa 16, nhiệm kỳ 2015-2020 về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững” đặt mục tiêu: Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố; huy động mọi nguồn lục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Chương trình đặt ra 12 chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2016-2020, trong đó tăng trưởng GRDP đạt bình quân 8,5-9%; cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là dịch vụ chiếm 67-67,5%, công nghiệp-xây dựng chiếm 30-30,5%, nông nghiệp chiếm 2,5-3%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 140 triệu đến 150 triệu đồng/người/năm; huy động vốn đầu tư xã hội đạt từ 2,5triệu tỷ đồng đến 2,6 triệu tỷ đồng; xếp hạng các chỉ số PAPI, PCI trong nhóm mười địa phương dẫn đầu cả nước; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8 - 9%/năm...

Để đạt các mục tiêu trên, thành phố đã đề ra bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trước tiên, thành phố sẽ cải thiện xếp hạng về môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, phấn đấu đến năm 2020 nằm trong nhóm mười địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI. Để đạt vị trí này, thành phố sẽ cải thiện toàn diện các yếu tố tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh như cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, minh bạch hóa thông tin. Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Trong cơ cấu kinh tế sẽ phát triển các loại hình dịch vụ trình độ cao và nâng cao chất lượng dịch vụ; tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tập trung vào các sản phẩm công nghiệp chủ lực, có thế mạnh. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả. Thành phố sẽ tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, phát triển các thành phần kinh tế và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của Thủ đô.

Để triển khai tốt các nhiệm vụ trên, dự thảo Chương trình 03 đã đưa ra năm nhóm giải pháp chủ yếu. Trước tiên, thành phố sẽ huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển Thủ đô, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, thực hiện các giải pháp chống thất thu ngân sách và tiết kiệm, hiệu quả trong chi ngân sách, đầu tư công. Thành phố cũng sẽ tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học kỹ thuật, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước. Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường. Trong năm năm tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất và xuất khẩu cho các tập đoàn lớn; hình thành các liên kết sản xuất và chế biến, liên kết vùng với các địa phương… Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao; hoàn thành và khai thác hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề tập trung theo quy hoạch, đầu tư xây dựng một số trung tâm thương mại – tài chính, trung tâm logistics và các chợ đầu mối…

Cơ bản nhất trí với dự thảo Chương trình, tại hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các đại biểu đóng góp một số ý kiến. Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Trọng Đông kiến nghị, thành phố xem xét giảm khung giá đất phục vụ sản xuất – kinh doanh vì so với các tỉnh lân cận, giá thuê và sử dụng đất của Hà Nội đang cao hơn nhiều lần, khó thu hút doanh nghiệp. Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi bổ sung, thành phố phải đổi mới tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ hành chính nhằm rút gọn thời gian giải quyết, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện kiến nghị thành phố phải xây dựng cơ chế bảo vệ các làng nghề, các doanh nghiệp trong nước trước những tác động của hội nhập, sử dụng các rào cản kỹ thuật để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài…

Chương trình 03 vừa tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững; vừa bảo đảm thực hiện đồng bộ với bẩy chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa 16. Vấn đề là xác định đúng, trúng các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và đưa ra các giải pháp có tính khả thi nhằm khơi thông và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Nguyên Trang

Báo Nhân dân