The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Nội: Tập trung tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng

Tại kỳ họp lần thứ 4 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV, diễn ra từ 3 - 5/7, một vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017 của Thủ đô; trong đó, có các giải pháp mang tính toàn diện, lâu dài.

Kết quả khá toàn diện

Điểm lại bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng qua, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết: Với sự quyết liệt, đổi mới trong phương thức chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt các nhiệm vụ Trung ương giao và có đột phá nên kinh tế Thủ đô có mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng 7,37% (cùng kỳ năm trước tăng 7,34%). Chỉ tiêu xuất khẩu vượt kế hoạch và cao hơn nhiều năm gần đây với kim ngạch ước đạt 5.789 triệu USD, tăng 12,1% (kế hoạch là tăng 4-5%; cùng kỳ các năm 2015 giảm 1,2%, năm 2016 tăng 0,1%). Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng cao nhất, đạt 20,8%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14.233 triệu USD, tăng 20,7%. Khách du lịch ước đạt 11,85 triệu lượt, tăng 8%, trong đó khách quốc tế 2,33 triệu lượt, tăng 14%.

Đáng chú ý, Thành phố cũng đã thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả, vốn đăng ký ngoài ngân sách nhà nước ước đạt 190.922 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 58 dự án ngoài ngân sách trong nước với 34.177,6 tỷ đồng; 24 dự án thu hút theo hình thức PPP đạt 32.103 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới là 13.355 (tăng 16%) với tổng số vốn đăng ký 101.476 tỷ đồng (tăng 2%); 269 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 1.053 triệu USD, tương đương 23.166 tỷ đồng (bằng 55,2% so với cùng kỳ năm 2016).

Cùng với đó, Thành phố đang chỉ đạo tích cực hoàn thiện các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chi tiết. Các công trình hạ tầng giao thông được triển khai đúng tiến độ (hoàn thành cầu vượt Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái; cầu vượt Cổ Linh; thông xe tuyến đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn khoái; Vành Đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Tôn Thất Tùng, Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng). Công tác trang trí, chiếu sáng đô thị được đổi mới, tạo diện mạo mới cho đường phố Thủ đô và vận hành an toàn liên tục (như hệ thống chiếu sáng cầu Nhật Tân bằng nguồn vốn xã hội hóa...). UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ra quân duy trì trật tự đô thị một cách bền vững: thí điểm triển khai dự án ứng dụng trông giữ xe qua điện thoại di động iParking trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; rà soát, kiểm tra các bãi đỗ xe, kiên quyết xử lý “xe dù, bến cóc”, các bãi đỗ xe không đúng quy định; xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo, rao vặt trái phép, gây mất mỹ quan đô thị; kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện...

Đặc biệt, thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017”, Thành phố Hà Nội đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và tác nghiệp, phấn đấu đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử; đã xây dựng phần mềm với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước ở cả 3 cấp; rà soát rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác đăng ký doanh nghiệp qua mạng; các cơ quan hành chính thuộc Thành phố đều đã xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính, Chương trình hành động thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017" và đăng ký nhiều bộ thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 để thống nhất thực hiện trong đơn vị.Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt trên 70%, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98,04%.

Từ những nỗ lực trên, Hà Nội đã có những kết quả rõ nét: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội cũng còn những khó khăn, hạn chế. Đó là xếp hạng chỉ số PAPI giảm và đang ở vị trí thấp. Nguyên nhân do sự giảm bậc của các chỉ số thành phần: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân. Cùng với đó, còn 05 chỉ số thành phần PCI đạt thấp cần tiếp tục có giải pháp để cải thiện thứ hạng trong thời gian tới. Rồi tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép còn xảy ra. Trên toàn Thành phố, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản tuy có tăng so với năm trước nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt tại một số đơn vị tỷ lệ giải ngân còn thấp. Công tác kiểm, soát, xử lý ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, một số cụm công nghiệp còn chưa được giải quyết dứt điểm. Ô nhiễm môi trường từ khói bụi, các công trình xây dựng, rác thải sinh tiếp tục cần được khắc phục….

Hiến kế cho Thủ đô phát triển

Thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố Hà Nội cũng chỉ ra, mặc dù tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt khá nhưng để đạt kế hoạch đề ra của cả năm (tăng trưởng từ 8,5 – 9%), các tháng còn lại của năm phải đạt tốc độ tăng trưởng 9,5% là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Để thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra, Hà Nội xác định sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là tiếp tục thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính 2017”, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính; rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; cắt giảm triệt để những chi phí không hợp lý cho chính quyền và người dân.

Thực hiện các giải pháp cải thiện xếp hạng chỉ số PAPI, tập trung vào 03 chỉ số yếu kém. Tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PCI. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ người, rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công; tập trung xây dựng, mở rộng và nâng cấp các cơ sở dữ liệu phát triển Chính phủ điện tử; phấn đấu đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là thủ tục hành chính, dịch vụ công, lãi suất vốn vay, thủ tục hoàn thuế; giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp; thúc đẩy dòng vốn đầu tư phát triển...

Đồng tình với các giải pháp mà UBND Thành phố đã đề ra, các đại biểu tham dự kỳ họp HĐND Thành phố nhấn mạnh đến các giải pháp để tháo gỡ các rào cản, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đại biểu Nguyễn Phi Thường, tổ đại biểu quận Thanh Xuân cho rằng, Hà Nội cần định hướng khung quy chuẩn về thành phố thông minh, trong đó lựa chọn một số nhóm lĩnh vực then chốt đặc trưng riêng để ứng dụng triển khai trước. Có thể kể đến như văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Bên cạnh đó là tập trung nguồn lực về nhân sự, công nghệ, tài chính để đầu tư xây dựng chính quyền công nghệ số… Trước mắt lựa chọn những lĩnh vực có tính lan tỏa và tạo hiệu ứng xã hội mạnh.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn, tổ đại biểu quận Hoàng Mai đề nghị Thành phố cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Bởi hiện nay người tiêu dùng Thủ đô có thu nhập khá cao, nhu cầu tiêu dùng tăng nhưng do chất lượng sản phẩm và vấn đề an toàn thực phẩm chưa cao nên nhiều người tiêu dùng quay sang dùng hàng nhập khẩu. Do đó, đại biểu Phạm Đình Đoàn yêu cầu dùng “bàn tay sắt” để quản lý các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, dịch vụ kém chất lượng, coi thường tính mạng của người tiêu dùng… Từ đó xây dựng định hướng lâu dài các sản phẩm dịch vụ của Thủ đô chất ượng cao như “made in Hà Nội” hay “made for Hà Nội”, tận dụng các hiệp định thương mại để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tới Hàn Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt, tạo ra sự công bằng cho các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực trong dân để tạo ra sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh, khởi nghiệp, đẩy nhanh cổ phần hóa nhà nước; cần tập trung cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, rút ngắn hơn nữa giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, đại biểu Đỗ Thị Dương, tổ đại biểu quận Cầu Giấy đề xuất thành phố tiếp tục quan tâm, có những chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm phát huy thế mạnh của đội ngũ trí thức vì hiện nay, thành phố đang phát triển song song cả trường công - tư, bệnh viện công - tư. Trên thực tế thu nhập, chế độ đãi ngộ hai khu vực này vẫn còn khoảng cách rất lớn, trong đó thu nhập ở khu vực nhà nước còn thấp.

Các đại biểu cũng đề nghị thành phố chú trọng kích cầu tiêu dùng; tăng cường nguồn lực xây dựng nông thôn mới; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện quyết liệt việc quản lý xây dựng, trật tự đô thị; đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm với một số nước trong khu vực, qua đó tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.../.

Thu Hà

Đảng Cộng Sản