The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Nội tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số thành phần PCI

Hà Nội đang tập trung nâng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 với mục tiêu cải thiện rõ nét môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao thứ hạng chỉ số PCI trong nhóm có thứ hạng cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hà Nội tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số thành phần PCI - Ảnh 1.

UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị nâng chất lượng giải quyết hồ sơ, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Gia Huy

Mục tiêu là tăng thứ hạng trong các chỉ số thành phần của PCI

Trong hội nghị giao ban quý II/2023 của Thành ủy Hà Nội vừa diễn ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã nêu, môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố tuy đã được cải thiện nhưng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Hà Nội mới đạt 66,74 điểm (giảm 1,86 điểm so với năm 2021), xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (giảm 10 bậc so với năm 2021).

Kết quả này chưa đạt mục tiêu đề ra được nêu trong Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy và Chỉ thị của UBND Thành phố về việc nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022; 07 chỉ số thành phần giảm.

Còn theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, trên cơ sở phân tích Chỉ số PCI 2022 của Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch về Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 với mục tiêu "Cải thiện rõ nét môi trường đầu tư, kinh doanh; Nâng cao thứ hạng chỉ số PCI trong nhóm có thứ hạng cao so với các tỉnh, thành phố cả nước và cải thiện rõ rệt chỉ số PGI".

Chỉ tiêu Hà Nội đặt ra là: Tăng 1 bậc trở lên đối với chỉ tiêu thành phần PCI "Đào tạo lao động"; Tăng 5 bậc trở lên đối với 4 chỉ tiêu thành phần PCI "Tính minh bạch"; "Chi phí thời gian"; "Cạnh tranh bình đẳng"; "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp"; Tăng 10 bậc trở lên đối với 5 chỉ tiêu thành phần PCI "Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh"; "Chi phí không chính thức"; "Chi phí gia nhập thị trường"; "Tiếp cận đất đai"; "Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự".

Hà Nội cũng đặt chỉ tiêu tăng 10 bậc trở lên đối với 04 chi tiêu thành phần PGI "Thúc đẩy thực hành xanh"; "Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu"; "Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu"; "Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường"; Hoàn thành bộ tiêu chí đánh giá khung năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương trên địa bàn.

Giảm thời gian doanh nghiệp hoàn thành thủ tục để hoạt động

Để thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra, theo ông Trần Đình Cảnh, toàn Thành phố đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số thành phần PCI ở từng chỉ số cụ thể.

Đối với Chỉ số "Chi phí gia nhập thị trường", Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện đang chủ trì đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để nâng cao Chỉ số. Yêu cầu đặt ra là giữ vững tỷ lệ 100% tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận thực hiện qua mạng; bảo đảm thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với cả thủ tục đăng ký mới và thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp.

Tiếp tục duy trì 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phấn đấu 92% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4; đẩy mạnh phương thức trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, phấn đấu đạt tỷ lệ 92% trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

Chỉ số này cũng yêu cầu các cơ quan cần rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết trong nội bộ nhằm phản hồi tính hợp lệ của hồ sơ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất, giảm thời gian doanh nghiệp hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động.

Thành phố yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến doanh nghiệp cần: Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp/tổ chức sớm gia nhập thị trường; Đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho doanh nghiệp; Đẩy mạnh tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận qua mạng, đơn vị bưu chính công ích, trả kết quả tại trụ sở/địa chỉ đăng ký doanh nghiệp, nâng cao tỷ lệ hồ sơ hành chính mức độ 4; Niêm yết, hướng dẫn công khai các TTHC tại cơ quan, đơn vị, hướng dẫn rõ ràng nội dung cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu có; Bố trí cán bộ có nghiệp vụ chuyên môn, nhiệt tình, thân thiện tại bộ phận một cửa.

Đối với Chỉ số "Tiếp cận đất đai", UBND Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để nâng cao Chỉ số, phối hợp với các quận, huyện, thị xã thực hiện công khai thông tin về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức cung cấp thông tin Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân đảm bảo thuận lợi và nhanh chóng; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; rà soát, thống kê và thu hồi đất của các dự án chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có giải pháp cụ thể đối với các dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan để thu hút đầu tư, tránh để lãng phí tài nguyên đất.

Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát thực hiện quyết liệt để cơ bản hoàn thành 100% cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn; giải quyết vướng mắc và nâng cao tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức. Công khai, minh bạch, đúng quy định, không gây khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính về đất đaiChấn chỉnh tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn và phải có văn bản thông báo tình trạng hồ sơ và xin lỗi người dân khi hồ sơ trễ hạn.

Nâng chất lượng giải quyết hồ sơ, không gây phiền hà

Đối với Chỉ số "Chi phí thời gian", UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và người lao động; Tổng hợp kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Đồng thời, UBND Thành phố giao Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách thủ tục hành chính để kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức của các cấp, các ngành khi thi hành công vụ; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Rà soát, phân loại, rõ trách nhiệm giải quyết, xử lý hồ sơ hành chính; Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, nhất là: Thủ tục đăng ký Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế lao động tiền lương... Chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Đối với Chỉ số "Chi phí không chính thức", UBND Thành phố giao Thanh tra Thành phố chủ trì đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để nâng cao Chỉ số; Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho người dân, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp.

Thành phố yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí trên mọi lĩnh vực; Gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng cơ quan hành chính điện tử.

Đối với Chỉ số "Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh", theo ông Trần Đình Cảnh, UBND Thành phố đã giao Sở Nội vụ chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để nâng cao Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh" và các chỉ tiêu đánh giá về cán bộ công chức trong các chỉ số thành phần của Chỉ số PCI. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND Thành phố thực hiện các giải pháp để cải thiện "Chi phí thời gian", với Thanh tra Thành phố thực hiện các giải pháp để cải thiện Chỉ số "Chi phí không chính thức".

Theo Cổng TTĐT Chính phủ