The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Nội tháo gỡ khó khăn về cấp GCN quyền sử dụng đất cho DN như thế nào?

UBND thành phố trả lời ý kiến Hỏi đáp về tháo gỡ khó khăn về cấp GCN quyền sử dụng đất cho DN trên đia bàn Hà Nội.

Hỏi: Cải cách hành chính nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, nhất là trong khởi sự doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, thủ tục liên quan đến đất đai. Thời gian qua, người dân, doanh nghiệp vẫn phản ánh gặp khó khăn trong thực hiện các công việc trên ở Hà Nội; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đề nghị UBND Thành phố báo cáo nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới?

UBND Thành phố trả lời: Từ nay đến năm 2020, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng sau khi Việt Nam hoàn tất đàm phán và bắt đầu triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đối với các đối tác lớn hàng đầu thế giới, hoàn tất việc triển khai các cam kết kinh tế trong khuôn khổ WTO và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016. Thành phố đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện 2 Nghị quyết trên của Chính phủ, đồng thời tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển của đất nước” ngày 29/4/2016 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 04/6/2016, Thành phố Hà Nội đã cam kết tiên phong trong cả nước về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35. Trong thời gian qua, Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, nhiều kết quả đạt được vượt chỉ tiêu Trung ương giao:

- Thành phố đang khẩn trương xây dựng nhiệm vụ về Chính quyền điện tử, trong đó hướng đến việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa liên thông điện tử, nhất là đối với các lĩnh vực: thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh…

- Từ tháng 6/2016, Hà Nội thực hiện đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 02 ngày làm việc (trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp) đối với quá trình giao dịch trên mạng. Đẩy mạnh công tác đăng ký doanh nghiệp qua mạng, phấn đấu thực hiện giải quyết hồ sơ đăng ký qua mạng chiếm khoảng 30-40% tổng số hồ sơ. Triển khai mô hình Tổ chuyên trách hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp làm hồ sơ, nhận và trả kết quả hồ sơ qua mạng trực tiếp ngay tại Bộ phận “Một cửa” lĩnh vực Đăng ký kinh doanh.

- Thí điểm thực hiện liên thông giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo mô hình thí điểm, thời gian thực hiện việc cấp phép tại Hà Nội sẽ rút ngắn từ 20-60% thời gian so với quy định hiện hành. Nhà đầu tư chỉ phải đến một điểm và chỉ mất 10 ngày để nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (giảm 8 ngày so với quy định hiện hành). Giấy chứng nhận doanh nghiệp được cấp ngay trong ngày cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư.

- 97,33% số doanh nghiệp, tổ chức kê khai thuế qua mạng (vượt chỉ tiêu).

- Giảm thời gian tiếp cận điện cho doanh nghiệp xuống còn 21 ngày đối với đường điện trên không và 26 ngày đối với đường điện trung áp cáp ngầm (quy định là tối đa 36 ngày).

- Giảm thời gian thực hiện TTHC trong lĩnh vực quản lý đất đai và bảo vệ môi trường từ 30-50% theo quy định (trong đó: rút ngắn thời gian đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản trên đất từ 30 ngày xuống còn không quá 14 làm việc). Cho phép nhà đầu tư thực hiện song song, đồng thời nhiều thủ tục hành chính trong cùng thời gian.

Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp:

Đến nay, đã cấp được 12.141 thửa đất/19.247 thửa đất đạt 63% (còn lại 7.106 thửa đất các tổ chức đang sử dụng đất chưa kê khai và cấp giấy chứng nhận: 2.425 thửa đất của các tổ chức kinh tế và 4.681 thửa đất của các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức sự nghiệp công, UBND các cấp).

Để đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án, giảm thời gian thực hiện TTHC, UBND Thành phố thực hiện việc ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đất hỗn hợp; Giao nhiệm vụ cho UBND cấp huyện, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố.

Những kết quả trên được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thông qua kết quả Chỉ số PCI của Hà Nội, Hà Nội tăng hạng chỉ số PCI trong 3 năm liên tiếp: 2013, 2014, 2015 và năm 2015 có xếp hạng cao nhất kể từ ngày VCCI công bố Chỉ số PCI. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp vẫn còn phản ánh về việc khó khăn trong quá trình thực hiện các công việc trên.

Hà Nội đang có nhiều đột phá về cải cách hành chính - Ảnh minh họa

Nguyên nhân:

- Từ năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thành phố triển khai quyết liệt các quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất của Thủ đô. Tất cả các dự án có sử dụng đất đều phải rà soát lại, tạm dừng chờ quy hoạch mới. Bên cạnh đó, đất đai là tài nguyên đặc biệt – tài nguyên không tái sinh, chịu tác động rất lớn của quy luật cung cầu trên thị trường bất động sản, trong khi đó trên địa bàn Thủ đô cung luôn nhỏ hơn cầu. Nhiều vấn đề về giá đất, giải phóng mặt bằng, điều kiện thời hạn thuê đất… luôn vướng mắc chưa được giải quyết do hệ thống pháp lý còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản và không phù hợp với thực tiễn. Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến cảm nhận của các doanh nghiệp.

- Hà Nội cũng là thành phố có môi trường cạnh tranh quyết liệt, gay gắt, có số lượng doanh nghiệp rất lớn (hiện đang có gần 130 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm ¼ số lượng doanh nghiệp của cả nước); Một số thủ tục đã và đang có hiện tượng quá tải như: thủ tục thuế, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, bảo hiểm... Sự quá tải khi thực hiện các thủ tục trên đã làm doanh nghiệp mất thêm nhiều thời gian, chi phí đi lại và cá biệt có các trường hợp gây bức xúc cho cả doanh nghiệp và cán bộ thực hiện.

Các giải pháp thực hiện trong thời gian tới:

Thành phố tiếp tục xác định công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành. Cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, các cấp trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp theo hướng “một cửa liên thông điện tử” để chủ động giảm thời gian, giảm thủ tục so với quy định của Trung ương.

- Trước hết là thủ tục khởi sự doanh nghiệp: Thành phố đang giao các ngành xây dựng mô hình Khu dịch vụ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vận hành hiệu quả các vườn ươm doanh nghiệp. Xây dựng chính sách khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã sang mô hình doanh nghiệp. Phấn đấu có thêm 200.000 doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2016-2020. Thành phố phấn đấu hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh 100% qua mạng từ tháng 9/2016. Trong tháng 9, sẽ tổ chức Hội nghị vườn ươm doanh nghiệp với FPT, đại sứ Israel và Hội nghị đối thoại doanh nghiệp.

- Thực hiện mô hình liên thông tập trung giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các dự án ngoài đầu tư công, có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng quyết tâm thực hiện thí điểm rút ngắn tối đa 60% thời gian, quy trình thực hiện giải quyết Thủ tục hành chính cho nhà đầu tư trong nước nói chung, nhà đầu tư ngoài nước nói riêng.

- Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận quản lý đất đai và đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp: Công khai các nguồn lực tài nguyên đất đai để các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, đảm bảo công khai, minh bạch trong lĩnh vực tiếp cận đất đai (Khu nhà ở xã hội tập trung; trung tâm thương mại...). Thúc đẩy việc thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp tạo nguồn cung sẵn có về mặt bằng sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý và có tính cạnh tranh.

Cải cách triệt để trong thực hiện TTHC về cấp GCN, như trình đồng thời thủ tục xin chủ trương Thành phố đối với chuyển nhượng tài sản, gắn liền với đất được báo cáo lồng ghép vào Tờ trình, trình UBND Thành phố quyết định thu hồi đất, cho thuê đất theo quy định.

Cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức sử dụng đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp Giấy trong tháng 6/2017...

Rút ngắn thời gian đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản trên đất từ 30 ngày xuống còn không quá 14 ngày làm việc. Đối với nơi đã có bản đồ địa chính (hoặc đã đo vẽ khi thực hiện dự án Xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Hà Nội) thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trích sao để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp này không phải chuyển Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận về vị trí, ranh giới sử dụng đất không tranh chấp, khiếu kiện. Đối với các tổ chức được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003, hiện đang sử dụng đất đúng mục đích, đúng vị trí, ranh giới, diện tích đất được giao, được thuê (kể cả trường hợp sử dụng đất có diện tích đất nhỏ hơn, nằm trong ranh giới, diện tích đất được giao, được thuê) thì không phải lấy thông tin quy hoạch của Sở Quy hoạch Kiến trúc và chỉ giới đường đỏ.

Theo Báo Hà Nội Mới