The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

HÀ NỘI: VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI “ĐỐT NÓNG” HỘI NGHỊ SƠ KẾT 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015

Đất đai – Cái khó muôn thủa

Theo bà Trinh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP. Hà Nội, hiện nay, một số doanh nghiệp thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh. Các DN mong muốn Thành phố tiếp tục hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, tìm giải pháp giúp DN vay vốn tín chấp vì nhiều DN không có tài sản đảm bảo.

Ông Nguyễn Quang Tuấn – Tổng thư ký Hiệp hội DN TP. Hà Nội cho rằng: Gía thuê đất sản xuất và các khu công nghiệp vẫn ở mức cao so với các tỉnh lân cận. Điều này khiến một loạt các DN, nhà đầu tư phải đầu tư sang các tỉnh khác. Mặt khác, giá điện tăng như hiện nay khiến DN cũng “lao đao” khi đẩy giá thành sản xuất kinh doanh lên cao, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập từ các nước khác. “Khung giá đất, giá điện tăng cao khiến chi phí doanh nghiệp bị đội lên. Nhà nước cần điều chỉnh lại về mức hợp lý” – ông Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, tại Hội nghị còn có 11 ý kiến của các sở, ban ngành “kêu” “than”, kiến nghị tới Thành phố về những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ cho DN nhưng “vượt tầm” xử lý. Cụ thể, ông Phạm Công Bình – Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội chia sẻ, mặc dù giá thuê đất đã được Thành phố giảm 02 lần đến mức “sàn” nhưng doanh nghiệp vẫn “than” rằng quá cao.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Quang – Phó Ban quản lý các KCN và KCX Hà Nội cho rằng: Mặc dù năm 2015, các DN đã bớt khó khăn và có sự tăng trưởng nhưng do giá thuê đất tại các khu công nghiệp vẫn cao từ 120 – 150 USD/m2 (ví dụ như Yên Nghĩa, Sóc Sơn…) nên nhiều DN bỏ đi đầu tư tỉnh khác. Điều này làm ảnh hưởng tới nhóm DN đầu tư phát triển hạ tầng KCN. Ông Quang kiến nghị Thành phố cần tổ chức các chương trình thu hút đầu tư cho các khu công nghiệp như: Quang Minh, Thăng Long, Khu CN cao tin học…

Còn ông Thái Dũng Tiến – Phó Cục trưởng Cục thuế HN bộc bạch: Mặc dù khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến ngành thuế đều được tháo gỡ như cho hoàn thuế 3 tháng/lần thay vì một năm/lần như trước đây, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề vướng của DN như xuất hóa đơn, giảm thuế suất khi nghiệm thu hoàn thành, bàn giao mới… trong lĩnh vực xây dựng.

Cần có giải pháp cụ thể

Ông Trần Ngọc Nam – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết: 6 tháng đầu năm, Sở đã giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 46%, giải ngân các dự án trọng điểm đạt 65%. Sở Công thương đã hỗ trợ DN xây dựng chương trình phát triển CNHT, tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cạnh tranh khi các Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) có hiệu lực thi hành và cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015. Ngoài ra, Sở còn xử lý hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho cho DN. Cục thuế Hà Nội giảm tiền thuê đất 621 tỷ đồng cho 309 hồ sơ. Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho 12 DN với tổng số tiền 10.968 triệu đồng. Về hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng, tính đến 31/5/2015 đạt 1.094.020 tỷ đồng, tăng 8,25% so với 31/12/2014. Tư vấn miễn phí khoảng 770 lượt doanh nghiệp…

Tuy nhiên, theo ông Nam, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn nhiều khó khăn. Giá điện, xăng dầu – yếu tố đầu vào tăng làm ảnh hưởng đến giá thành đầu ra của sản phẩm. Môi trường đầu tư chưa được cải thiện… Qua 13 ý kiến của các Sở, ngành tại Hội nghị, ông Nam cho rằng, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn DN hiệu quả, 6 tháng cuối năm thường trực Ban Chỉ đạo sẽ phân loại các nhóm, ngành cụ thể…để có các giải pháp hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, các cấp các ngành Thành phố cần “mạnh tay” hơn nữa hỗ trợ DN, bởi DN có phát triển thì kinh tế xã hội của Thành phố mới tăng trưởng. Do đó, điều quan trọng đầu tiên là lãnh đạo các Sở, ban ngành phải quan tâm, quyết liệt xử lý tháo gỡ hỗ trợ DN.

Cũng theo ông Tuấn, các cấp các ngành cần nỗ lực CCTTHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 6 tháng cuối năm 2015 là năm cuối giai đoạn phát triển của kế hoạch 5 năm… Đặc biệt, cuối năm VN gia nhập ASEAN – hội nhập không biên giới, các DNNVV của VN chiếm 95% nên DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy các sở ban ngành cần tập trung nỗ lực hơn nữa gỡ khó cho DN về xúc tiến thương mại, lãi suất sau đầu tư. Cần nghiên cứu và phân rõ loại đất tại 8 KCN để đưa ra giá đất phù hợp. “Chúng ta tháo gỡ khó khăn DN chính là tháo gỡ khó khăn cho Thành phố, vì DN giúp chúng ta hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế” – ông Tuấn khẳng định!

Khắc Lãng

Theo báo enternews.vn ngày 17/07/2015