The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà nội: Xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (phải) và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Đây là mục tiêu trong Chương trình 08 Thành uỷ Hà Nội về “Đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2016 – 2020” đang được hoàn thiện.

Đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính (CCHC) trong 5 năm qua cho thấy Hà Nội đã tăng chỉ số CCHC qua mỗi năm, từ vị trí 6/63 tỉnh thành năm 2012 lên thứ 3/63 năm 2014.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã có sự cải thiện đáng kể, năm 2013 tăng 18 bậc so với năm 2012, năm 2014 tăng 7 bậc so với năm 2013, năm 2015 tăng 2 bậc so với năm 2014, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá.

Tuy nhiên, chỉ số PCI của Hà Nội chưa có sự đột phá, một số chỉ số đánh giá còn thấp, chưa có sự chuyển biến như tính minh bạch và tiếp nhận thông tin, chi phí không chính thức, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử đụng đất.

Một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của Thủ đô chưa được xây dựng, việc ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hoá và thu hút đầu tư còn chậm.

Số lượng các thủ tục hành (TTHC) thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn ít, trách nhiệm phối hợp liên ngành trong giải quyết TTHC liên thông còn chưa tốt, hiệu quả thấp. Một số sở, ngành có trách nhiệm phối hợp giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, người dân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa thực hiện đúng trách nhiệm, chưa đặt mục đích cao nhất là lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục vụ.

Việc thành lập các đơn vị sự nghiệp ở một số lĩnh vực như đầu tư, xây dựng, văn hoá, xã hội… có sự phân tán, chồng chéo, nhiều đầu mối quản lý, thiếu sự chỉ đạo nhất quán, dàn trải nguồn vốn đầu tư trong bối cảnh ngân sách có nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi, có bộ phận còn yếu, nhất là năng lực phát hiện những vấn đề vướng mắc, tham mưu và đề xuất biện pháp giải quyết. Một số cán bộ, công chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân chưa làm hết trách nhiệm, chưa tận tình hướng dẫn để các tổ chức và công dân được giải quyết nguyện vọng theo quy định. Một số cán bộ, công chức có thái độ ứng xử trong giao tiếp chưa tạo sự hài lòng, thân thiện với người dân.

Để xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, Chương trình 08 Thành uỷ Hà Nội về “Đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2016 – 2020” đang được hoàn thiện để tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở về CCHC.

Trọng tâm được xác định là bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ TTHC; tổ chức bộ máy các cơ quan được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Đến cuối năm 2016, tất cả các cơ quan đơn vị của Hà Nội phải công khai, minh bạch quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc trong nội bộ cơ quan, đơn vị; quy trình giải quyết công việc với người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2017, Thành phố cung cấp từ 40 – 70% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đến năm 2020 cung cấp từ 70 – 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại tất cả các Sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã.

Đến năm 2018, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết TTHC đạt trên 80%.

Cũng trong năm 2016, tất cả các cơ quan, đơn vị của Hà Nội sẽ xây dựng xong quy chế, quy trình và phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị; xác định rõ những việc được làm, không được làm cho từng bộ phận, từng đơn vị. Cụ thể hoá các chế tài xử lý cán bộ, công chức vi phạm trách nhiệm và đạo đức công vụ nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Gia Huy

thanglong.chinhphu.vn