Hạ tầng bứt phá tạo sức hút đầu tư
07 Tháng 5, 2021
Thực tế cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có mối tương quan thuận chiều với chất lượng hạ tầng. Đây là một trong những điểm mấu chốt để các địa phương cạnh tranh, bứt phá trong cuộc đua thu hút đầu tư.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội được xác định là một trong ba đột phá chiến lược giai đoạn 10 năm tới. Tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Kết nối địa phương - doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội” vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những ưu tiên đầu tư của Chính phủ trong thời gian tới. Phát triển hạ tầng sẽ giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế.
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2020 (PCI 2020) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, chất lượng hạ tầng tại Việt Nam nhìn chung ngày càng được cải thiện và có xu hướng đi lên kể từ năm 2014. PCI 2020 tiếp tục ghi nhận chỉ số hạ tầng ở mức cao, với điểm số tỉnh trung vị đạt 67,41 điểm. Mặc dù giảm so với năm 2019 (68,45 điểm), nhưng điểm số này vẫn cao thứ hai kể từ năm 2009 đến nay.
Từ kết quả điều tra PCI 2020, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI cho rằng, giữa chất lượng điều hành kinh tế và chất lượng hạ tầng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Nói cách khác, những địa phương được doanh nghiệp đánh giá cao hơn về chất lượng điều hành thường là những nơi có chất lượng hạ tầng tốt hơn. Hạ tầng tốt là một điểm cộng trong mắt nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo nên ưu thế vượt trội giúp địa phương nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, Bình Dương được xem là một hiện tượng của PCI 2020. Địa phương này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với doanh nghiệp, tăng 2,78 điểm, tương ứng tăng 9 bậc so với PCI 2019, vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng PCI 2020. Đây là một trong những địa phương đầu tư rất bài bản về hạ tầng khu công nghiệp, đường sá, Internet, điện… Với đề án xây dựng thành phố thông minh, trung tâm hành chính công tập trung, Bình Dương đang trở thành hình mẫu cho các tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chia sẻ về yếu tố giúp Bắc Ninh đứng trong top đầu những địa phương được nhiều nhà đầu tư quan tâm, ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong suốt 24 năm qua (kể từ khi tái lập Tỉnh), Bắc Ninh đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, Tỉnh đã phát triển được 16 khu công nghiệp tập trung, 26 khu/cụm công nghiệp - làng nghề và 1 khu công nghiệp công nghệ thông tin với diện tích trên 8.000 ha. Hiện có 10 khu công nghiệp tập trung đã hình thành và đi vào hoạt động, 5 khu công nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư… Bắc Ninh đã thu hút gần 20 tỷ USD vốn đăng ký của các nhà đầu tư đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo ông Tuấn, để tiếp tục thu hút đầu tư, Bắc Ninh xác định cần phải tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung thành “cứ điểm” công nghiệp điện tử, không gian sáng tạo, vườn ươm trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ông Tuấn nhận định, khó khăn lớn nhất là Bắc Ninh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất cả nước. Khi các lợi thế so sánh không còn nhiều, Tỉnh sẽ phải cạnh tranh quyết liệt hơn với các địa phương khác. Do đó, ngoài việc tận dụng tối đa lợi thế so sánh, Tỉnh xác định cần cải thiện hơn nữa về thủ tục, chính sách đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ phát triển các khu, cụm công nghiệp.
“Để giữ chân nhà đầu tư, chúng tôi sẽ tạo nơi gắn bó cho các nhà đầu tư với những không gian phát triển đô thị dịch vụ, khu đô thị thông minh”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại Đồng Tháp, theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhờ sự chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng khu, cụm công nghiệp mà địa phương đã có 13 năm liên tiếp đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng PCI. Thách thức mà Đồng Tháp phải vượt qua trong thời gian tới chính là chi phí logistics đắt đỏ, khi tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đất đai ngày càng hạn hẹp ảnh hưởng tới giao thông vận tải và giao thương của doanh nghiệp.
Theo Báo Đấu thầu