The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Tĩnh: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao cạnh tranh cấp tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đồng chủ trì hội thảo. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Thiện, Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đồng chủ trì hội thảo

Điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2005, đến nay có hơn 80.500 doanh nghiệp dân doanh và gần 8.000 doanh nghiệp FDI tham gia. PCI được đánh giá trên 10 chỉ số thành phần nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Hiện nay, doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội hội nhập lớn. Do vậy, các địa phương phải đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Ngành thuế, hải quan phải đi đầu trong công cuộc CCHC, tiến tới cắt giảm các thủ tục giấy tờ, đầu tư công nghệ thông tin, xã hội hóa dịch vụ công...

Theo điều tra của VCCI, so với năm 2013, trong khi các chỉ số như: gia nhập thị trường, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, gia nhập thị trường và thiết chế pháp lý tăng cao thì chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng lại thu hẹp.

Ông Trần Tú Anh -Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh: Sở KH& ĐT là đơn vị đầu tiên trên toàn tỉnh công khai cắt giảm 1/3 thủ tục về thành phần hồ sơ, giảm ½ thời gian xử lý công việc.

Các tỉnh Đồng Tháp, Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là những tỉnh có nhiều chỉ số thành phần đứng đầu nhất. Đối với khu vực FDI, qua điều tra cho thấy, năm 2014, nhiệt kế doanh nghiệp cao nhất từ năm 2011, vốn đầu tư tăng, các DN FDI tuyển thêm lao động vào lĩnh vực này. Và đa phần các DN đều đồng ý môi trường kinh doanh ở Việt Nam tốt hơn các nước cạnh tranh khác.

Ông Đinh Nho Hậu - Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh: Liên quan đến thủ tục hành chính, ngành Thuế đã cắt giảm nhiều thành phần hồ sơ và giảm 1/3 thời gian xử lý so với trước. Thời gian nộp thuế rút xuống 100 giờ, hiện nay, 95% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng và 87,5% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.

Theo kết quả điều tra của VCCI, Hà Tĩnh hiện đứng thứ 35 cả nước về năng lực cạnh tranh, thuộc nhóm khá. Năm 2014, 6 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: gia nhập thị trường, minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, lao động, thiết chế pháp lý. Các chỉ số như: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp giảm điểm so với năm 2013.

Ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở TN&MT: Năm 2014, chỉ số tiếp cận đất đai giảm. Nguyên nhân chinh là vướng về GPMB, sự tiếp cận của doanh nghiệp và có một phần do hạn chế về năng lực, trách nhiệm của cán bộ sở.

Trong đó, điểm sáng là bộ phận một cửa, đa phần DN hài lòng với việc giải quyết thủ tục tại đây. Tuy nhiên, điểm số và xếp hạng của Hà Tĩnh thiếu bền vững. Theo cộng đồng doanh nghiệp, những lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính gặp nhiều phiền hà nhất là: thuế, BHXH, đất đai và thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến VCCI trong việc có những đánh giá sát đúng tình hình phát triển KT-XH của Hà Tĩnh thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đối với Hà Tĩnh, kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo trong nền KT-XH. Trong 5 năm (2011- 2015), Hà Tĩnh đã ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách hỗ trợ DN trên cơ sở minh bạch, bình đẳng, tạo động lực phát triển cho DN. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 376 dự án với tổng số vốn đầu tư lên 300 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Hà Tĩnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của phát triển doanh nghiệp, và lãnh đạo tỉnh xin được tiếp thu, xử lý dứt điểm những tồn tại.

Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, cộng đồng DN cần nâng cao năng lực phù hợp với điều kiện hội nhập. Hiện nay, trên địa bàn có 28 quốc gia đang đầu tư vào các dự án, đây chính là môi trường tốt nhất để DN hội nhập sâu, hội nhập tại chỗ.

Trong đó, phải xây dựng chiến lược phát triển, tranh thủ cơ hội tái cấu trúc theo hướng bền vững. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi cộng đồng DN hợp tác, đoàn kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nhằm phát triển ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh; yêu cầu Giám đốc Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm chính chỉ đạo, giám sát thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính trong việc giải quyết hồ sơ doanh nghiệp; các ngành chỉ đạo đến tận cán bộ, công chức nâng cao năng lực, trách nhiệm và xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp.

N. Oanh - T. Công

Theo báo Hà Tĩnh ngày 25/08/2015