The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Tĩnh: Cải thiện PCI vì môi trường phát triển bền vững của doanh nghiệp

4 chỉ số "nóng" giảm điểm

PCI năm 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, sau khi khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp (DN) dân doanh ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân với số điểm 66,87 (trên thang điểm 100). Tiếp đó là Đồng Tháp và Lào Cai "giật giải" á quân. Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế - các tỉnh nằm trong top 3 của khu vực duyên hải miền Trung đạt điểm "rất tốt" và "tốt". Hà Tĩnh cùng với 3 tỉnh còn lại: Quảng Bình, Phú Yên, Quảng Trị nằm vào tốp cuối của bảng xếp hạng khu vực này.

Bà Nguyễn Ngọc Lan - chuyên gia PCI (VCCI) cho biết: "So với năm 2013, Hà Tĩnh có 6 chỉ số thành phần (trên 10 chỉ số) tăng điểm, bao gồm: gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, lao động và thiết chế pháp lý. Trong đó, điểm sáng là bộ phận "một cửa", theo khảo sát của chúng tôi thì có 59% DN hài lòng về thời gian giải quyết thủ tục tại đây. Với 58,19 điểm, Hà Tĩnh xếp thứ 35 cả nước, thuộc nhóm khá".

Chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh cộng với môi trường đầu tư sôi động chính là "thỏi nam châm" để các doanh nghiệp Hà Tĩnh bứt phá, tăng năng lực cạnh tranh.

Dù tỉnh đã thành công trong nỗ lực nâng thứ hạng từ 45 (2013) lên 35 (2014) thì theo chuyên gia đến từ VCCI, kết quả này vẫn chưa thể nói lên được điều gì. Vấn đề là ở chỗ, 4 chỉ số thành phần giảm điểm của Hà Tĩnh đều là những chỉ số đáng lo ngại nhất hiện nay: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động và hỗ trợ DN.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết: “3/4 chỉ số (ngoại trừ hỗ trợ DN) là “điểm nghẽn” mà DN các tỉnh bày tỏ tâm lý bi quan nhất. Tại Hà Tĩnh, điều tra trên 100 DN ngẫu nhiên thì đều phản ánh 4 lĩnh vực được cho là gây nhiều phiền hà nhất: thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai và thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.

Các DN thường phải trả chi phí không chính thức để được tạo thuận lợi trong SXKD. Tỷ lệ này không những không giảm mà còn có xu hướng tăng trong năm 2014 với 64% DN đồng ý việc phải chi “hoa hồng”, tăng 2% so với năm 2013. Theo đó, hiện tượng nhũng nhiễu cũng tăng lên 73%, tăng 16%”. Đặc biệt, năm nay, Hà Tĩnh là địa phương “đội sổ” chỉ số cạnh tranh bình đẳng. Theo một số DN thì tỉnh đã ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, sự ưu đãi các công ty lớn, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, chính sách… là những vấn đề khiến DN dân doanh “phàn nàn”.

Cải cách hành chính: khâu đột phá cải thiện PCI

Những năm gần đây, tốc độ phát triển KT-XH của Hà Tĩnh tăng trưởng cao. Trong 5 năm (2011-2014), bình quân tốc độ tăng trưởng đạt 18,7% (riêng năm 2014 đạt 25,8%). Hiện nay, trên địa bàn có 376 dự án đang được thực hiện với tổng số vốn lên đến 300.000 tỷ đồng. Nhất là KKT Vũng Áng, thu hút hàng trăm nhà đầu tư, hàng chục dự án “khủng”. Trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu đã “kích thích” sự phát triển đời sống kinh tế và tinh thần người dân nông thôn...

Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự trong lần hội thảo về “Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” do Hà Tĩnh và VCCI tổ chức mới đây đã khẳng định: “Đối với Hà Tĩnh, kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo trong nền KT-XH. Trong 5 năm (2011-2014), tỉnh đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách hùng hậu để khuyến khích, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN. 2015 tiếp tục là năm tỉnh chọn cải cách hành chính làm khâu đột phá nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và năng lực điều hành của chính quyền”.

Trong 5 năm (2011-2014), tỉnh đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách hùng hậu để khuyến khích, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN.

Sở KH&ĐT là cơ quan đầu tiên công khai việc cắt giảm thủ tục hành chính. Nếu như trước đây, phải mất một tuần lễ để có trong tay giấy phép đầu tư thì bây giờ các DN chỉ chờ 2 ngày. Ông Trần Tú Anh - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: “So với trước, thủ tục hành chính đã tinh giản đến mức tối đa. Đến nay, thành phần hồ sơ đã giảm 1/3, thời gian xử lý công việc giảm còn một nửa. Bây giờ, DN không cần phải “chầu chực” ở sở để lấy kết quả mà sau khi thu hồ sơ, khách hàng sẽ được nhận giấy hẹn và hoàn trả hồ sơ theo đúng lịch”.

Ngay cả như thuế, lĩnh vực bị DN “đánh” vào nhóm nhũng nhiễu nhiều nhất thì cũng đã có những cải cách mang tính đột phá. Thời gian nộp thuế rút xuống còn 100 giờ, có đến 95% DN kê khai thuế qua mạng và 87,5% DN nộp thuế điện tử.

Ông Phạm Hoành Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn cho hay: “Bây giờ, tôi có thể cử một nhân viên đến làm hồ sơ tại các cơ quan chuyên môn mà không phải là lãnh đạo công ty như trước đây. Điều này chứng tỏ việc xử lý, giải quyết hồ sơ, thủ tục tại các sở, ngành đã minh bạch, khách quan hơn trước”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, năng lực điều hành của chính quyền mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh và yếu dần ở cấp thấp hơn. Ông Võ Tá Biểu - Chủ tịch Hội DN Nghi Xuân cho rằng: “Để rút ngắn, tinh giản thủ tục hành chính thì cần phải nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ cấp xã, cấp huyện. Đó chính là những người tiếp xúc, giải quyết trực tiếp tất cả những vấn đề của DN”.

Nguyễn Oanh

Theo báo Hà Tĩnh ngày 08/09/2015