The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hà Tĩnh: “Mở cửa, đồng hành” cùng nhà đầu tư

Mấy năm gần đây, kinh tế Hà Tĩnh liên tục có những bước đột phá mới, cả về quy mô và chất lượng tăng trưởng, trở thành điểm đầu tư hấp dẫn. Có được điều đó, Hà Tĩnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thực sự “mở cửa, đồng hành” với doanh nghiệp (DN), coi đây là định hướng, tầm nhìn chiến lược.

Chủ tịch tỉnh muốn lắng nghe doanh nghiệp

Năm 2018, Hà Tĩnh vượt 10 bậc trong thứ hạng PCI, trong đó có 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm, nằm ở nhóm khá của cả nước. Tính từ năm 2015 đến 2018, Hà Tĩnh đã tăng đến 22 bậc và vươn lên vị trí 23, đứng cùng với các tỉnh thành khác trong nhóm khá của cả nước như TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng… Kết quả nói trên là nỗ lực không mệt mỏi của toàn hệ thống chính trị Hà Tĩnh với sự quyết tâm cao của các lãnh đạo địa phương trong việc quyết liệt thay đổi tư duy, lề lối làm việc, cải thiện môi trường đầu tư, thực sự đồng hành, chia sẻ với DN.

Ngày 31.1.2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN. Riêng về chi phí không chính thức, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho DN…

Trong cuộc tọa đàm, đối thoại với hàng trăm giám đốc DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, ông Trần Tiến Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - chia sẻ: “Tôi trăn trở với lãnh đạo tỉnh, làm sao tiếp nhận được tất cả thông tin, vướng mắc của DN để tìm phương pháp, cách thức tháo gỡ. Chẳng hạn, có thể mở quán càphê doanh nhân, định kỳ tuần hoặc tháng lắng nghe ý kiến trực tiếp của lãnh đạo các công ty, cùng giải quyết”.

Khởi sắc từ quyết tâm thay đổi

Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, trong 9 tháng đầu năm 2019, địa phương đã cấp chủ trương đầu tư cho 13 dự án (DA) có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỉ đồng. Trong đó, có 8 DA trong nước với số vốn đăng ký trên 1.930 tỉ đồng; 5 dự án FDI với số vốn đăng ký trên 6,6 triệu USD. Trong số 13 DA mà Hà Tĩnh thu hút được, khu kinh tế Vũng Áng có 6 DA với số vốn 1.692,71 tỉ đồng, 5 DA đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 6,608 triệu USD; Khu công nghiệp Gia Lách thu hút được 2 DA đầu tư với số vốn đăng ký 238,5 tỉ đồng. Đáng chú ý, tại khu công nghiệp Phú Vinh, hiện đã có 6 doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các ngành cơ khí, kết cấu thép, phụ trợ ngành thép và kết cấu xây dựng đã thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng với tổng mức đầu tư trên 30 triệu USD. Hà Tĩnh đang hướng đến các DA năng lượng “xanh”, tiêu biểu là DA Nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Hoành Sơn tại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), tổng mức đầu tư 1.458 tỉ đồng, công suất 50 MWp, đã phát điện thương mại vào tháng 6.2019.

8 tháng đầu năm 2019, thu ngân sách Hà Tĩnh đạt 9.250 tỉ đồng, tự tin đạt mục tiêu thu 13.200 tỉ đồng cả năm. Trong đó, tính đến ngày 29.8, toàn tỉnh thu nội địa được hơn 4.460 tỉ đồng, đạt 70,7% kế hoạch HĐND tỉnh giao và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Theo địa bàn, có 6/15 đơn vị thu đạt cao, trong đó có huyện Nghi Xuân và Can Lộc đã về đích thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm. Đây là kết quả cao nhất trong mấy năm gần đây, tạo nguồn để thực hiện các mục tiêu phát đầu tư phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.