The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hải Dương: Đào tạo gắn với thị trường lao động

Xây dựng mối liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là một trong những giải pháp được tỉnh triển khai nhằm góp phần nâng cao chỉ số đào tạo lao động.

Công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ được trải nghiệm thực tế, học một số học phần tại doanh nghiệp

Đào tạo lao động là 1 trong 2 chỉ số thành phần chính làm giảm thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Dương năm 2018. Để cải thiện chỉ số này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng mối liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp (DN).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp

Chỉ số PCI của tỉnh năm 2018 đạt 60,98 điểm, xếp thứ 55 trong cả nước, giảm 6 bậc so với năm 2017. Trong tổng số 10 chỉ số thành phần, Hải Dương có 3 chỉ số giảm điểm. Đáng chú ý chỉ số đào tạo lao động của tỉnh chỉ đạt 6,34 điểm, giảm 0,57 điểm so với năm 2017.

Báo cáo đánh giá các chỉ tiêu cụ thể của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy số lượng và chất lượng lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng số lực lượng lao động đạt 9%, giảm 2% so với năm 2017. Hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm chưa hỗ trợ đắc lực cho các DN trong tuyển chọn lao động. DN chủ yếu sử dụng các dịch vụ của tư nhân. Năm 2018, tỷ lệ DN từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm trong tỉnh chỉ đạt 47%, giảm 19% so với năm 2017.

Chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng này, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được mục tiêu so với quy mô đào tạo, đặc biệt là tuyển sinh trình độ cao đẳng. Điều này dẫn đến tỷ lệ lao động tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên trên tổng lực lượng lao động bị giảm. Các DN và cơ sở giáo dục nghề chưa phối hợp thường xuyên, chặt chẽ trong việc gắn đào tạo với tuyển dụng.

Để cải thiện chỉ số này, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng liên quan để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng giảm điểm ở chỉ số thành phần liên quan đến nhiệm vụ của mình. Sở xác định các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN trong đào tạo. Khảo sát, đánh giá nguồn lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu. Chú trọng đào tạo có địa chỉ, theo đơn đặt hàng của DN. Cùng với đó, sở đã chỉ đạo nâng cao hiệu quả và đổi mới hoạt động sàn giao dịch việc làm.

Lao động trẻ có thể tìm kiếm thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp qua sàn giao dịch việc làm online do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương tổ chức

Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện gắn kết giáo dục nghề nghiệp với DN. Sở đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó 30% có chứng chỉ. Trong tháng 8 này, sở sẽ tổ chức hội nghị gắn kết DN với giáo dục, bàn giải pháp để gắn kết việc đào tạo với yêu cầu của DN.

Theo ông Nguyễn Đức Thái, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới. Việc đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đi vào thực chất, bám sát nhu cầu tuyển dụng của DN. Các trường đã chủ động liên kết với DN để xây dựng chương trình đào tạo cho người học. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cam kết số lượng đào tạo, chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu của DN, đồng thời bảo đảm có việc làm cho người học sau khi ra trường.

Trường Đại học Sao Đỏ đã liên kết với hàng chục DN để đào tạo. Các DN hỗ trợ nhà trường trang thiết bị, kinh phí phục vụ đào tạo, tiêu biểu như Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Toyota, các Công ty TNHH: Samsung Electronics Việt Nam, Canon Việt Nam, May Tinh Lợi... Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cho biết: "Để đáp ứng được yêu cầu của DN, kết thúc mỗi khóa, nhà trường thường lấy ý kiến của DN về chương trình đào tạo, thay thế hoặc bổ sung các học phần, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của DN. Trong quá trình đào tạo, nhà trường mời các chuyên gia của DN về bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên của trường, đánh giá năng lực của sinh viên. DN phối hợp với nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên đến DN trải nghiệm thực tế, học một số học phần tại DN từ 3 - 6 tháng.

Là một trong những cơ sở giáo dục nghề có uy tín trên địa bàn tỉnh, Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương đang đào tạo 9 ngành nghề. Để liên kết được với các DN nước ngoài, nhà trường đã chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giáo viên. Năm 2019, Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương tiếp tục điều chỉnh các chương trình, mô hình, phương pháp đào tạo nhằm gắn kết với DN sâu hơn.

Để việc đào tạo nghề đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN, góp phần nâng cao chỉ số đào tạo lao động, Hải Dương cần nhiều hơn nữa các mô hình liên kết như của Trường Đại học Sao Đỏ, Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương.

LAN NGUYỄN