The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hải Dương: Hoá giải “nút thắt “ đầu tư

Sự phối hợp giữa các sở ngành và địa phương còn chưa chặt chẽ, công tác GPMB, xúc tiến đầu tư còn chậm, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) vẫn rườm rà… là những “nút thắt” Hải Dương sẽ tháo gỡ trong năm 2016 và những năm tới.

Hiện Hải Dương có 10/18 KCN đang triển khai theo quy hoạch có tỷ lệ lấp đầy 58,7%, bao gồm 200 dự án, trong đó 158 dự án có vốn ĐTNN có tổng số vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ 265 triệu USD; 42 dự án trong nước với số vốn đầu tư 7.444 tỷ đồng. Ngoài ra tính đến hết tháng 6/2016, lĩnh vực FDI ở ngoài KCN thu hút được 152 dự án với số vốn 3.4220 triệu USD. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Đoan, P. GĐ Sở KH&ĐT tỉnh Hải Đương thì, số lượng dự án chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Hải Dương.

Nhiều giải pháp đã được thực thi

Trước thực tế đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo triển khai một số giải pháp cơ bản, căn cơ nhất như, Chương trình hành động Nghị quyết số 35/NQ-CP, Quyết định số 1889/QĐ-UBND, Nghị quyết 19… Mặt khác, Sở KH&ĐT đã tham mưu cho tỉnh thực hiện được việc hỏi đáp qua mạng điện tử… Chủ động, tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chế độ, chính sách cho phù hợp…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư tiếp cận trực tiếp để mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, công nghệ tiên tiến đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp và các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia…Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ các DN FDI. Xây dựng triển khai Đề án cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Theo nhìn nhận của ông Huỳnh Tấn Quyền, Phó TGĐ Cty CP dây cáp điện Thượng Đình (CADI-SUN): Đầu tư vào Hải Dương các thủ thục đầu tư, cấp phép, giao đất, GPMB… được lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, huyện… làm rất nhanh. Do đó chỉ sau một năm là công ty đi vào hoạt động và tiếp tục đầu tư nhà máy mới đồng thời mở rộng đầu tư thêm lĩnh vực hạ tầng KCCN.

Đồng tình, bà Phạm Thị Gấm – Chủ tịch HĐQT Cty CP Địa Nam chia sẻ: Công ty thành lập năm 2006, đến nay sau 10 năm hoạt động công ty luôn được lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành tạo điều kiện thuận lợi. “Lãnh đạo tỉnh rất gần gũi thân thiện và cởi mở tạo mọi điều kiện cho DN từ đất đai, thủ tục đầu tư… đều minh bạch thông thoáng, chính sách nhất quán”, bà Gấm hồ hởi.

Hiện Hải Dương có 10/18 KCN đang triển khai theo quy hoạch có tỷ lệ lấp đầy 58,7%, bao gồm 200 dự án, trong đó 158 dự án có vốn ĐTNN có tổng số vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ 265 triệu USD.

Thay đổi tư duy cán bộ

Mặc dù, PCI Hải Dương nằm trong top khá năm 2015, tuy nhiên giảm 3 bậc so với năm 2014, nguyên nhân do nhiều sở, ngành, huyện vẫn chưa thực sự tích cực, quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thực tế còn tồn tại những bất cập trong thực hiện CCTTHC, về ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ công chức…

Để khắc phục những hạn chế này, ông Đoan Phó GĐ Sở KH&ĐT Hải Dương cho rằng, tỉnh cần tiếp tục phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng như: giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, các ngành công nghiệp phụ trợ và hạ tầng xã hội, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của DN.

Về dịch vụ đối với các KCN, ông Phạm Minh Phương, Trưởng ban QLCKCN chia sẻ, hiện nay sản lượng điện của Hải Dương không thiếu, tuy nhiên, tại KCN Tân trường và Phúc Điền hệ thống điện đã cũ nên hay xảy ra sự cố. Tỉnh đã có phương án xây dựng đường điện 22 kv mới và khi xây dựng xong vào cuối 2016 đầu 2017 sẽ ổn định cung cấp đủ điện cho các nhà máy.

Việc Hải Dương quyết liệt thực hiện cải thiện PCI gắn liền với nhiệm vụ CCHC đã tạo nên “luồng gió mới” “hút” các nhà đầu tư. Mục tiêu đưa Hải Dương đứng vào nhóm 20 tỉnh, thành phố trong cả nước có PCI tốt nhất mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI (2016 – 2020) đặt ra sẽ sớm trở thành hiện thực.

Nguyễn Minh

Enternews