The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hải Dương: Nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút vốn FDI

Để có thể thu hút được nguồn lực đủ lớn phục vụ mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025, Hải Dương quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút vốn FDI.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư
Những năm gần đây, Hải Dương tích cực cải thiện môi trường đầu tư, có nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư FDI. Tuy nhiên, đánh giá môi trường đầu tư của tỉnh, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã thẳng thắn thừa nhận, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Dương đã được cải thiện, nhưng còn nhiều mặt chưa tốt, như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 47/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nhiều chi phí mà doanh nghiệp phải chịu còn khá cao.
Đây chính là hạn chế mà chính quyền địa phương phải khắc phục trong thời gian tới. Do vậy, tỉnh Hải Dương xác định, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những khâu đột phá và là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của tất cả các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị. Hải Dương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chuyển đổi số.
“Nếu không thu hút được dòng vốn thì không thể tạo ra tăng trưởng. Như vậy, trong thời gian tới, Hải Dương sẽ phải đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư vào hạ tầng, qua đó thúc đẩy thu hút dòng vốn FDI có chất lượng”, ông Thăng khẳng định.
Chia sẻ rõ hơn về kế hoạch thu hút đầu tư của Hải Dương trong năm 2022, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “Năm 2022, Hải Dương lấy chủ đề năm là ‘Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá’. Tỉnh đã xác định, muốn bứt thì phải mở rộng xúc tiến đầu tư, không tuần tự như mọi năm. Kinh phí dành cho xúc tiến đầu tư bằng ngân sách như mọi năm sẽ chỉ bằng 1/10 tổng kinh phí của năm này. 90% kinh phí sẽ do các sở, ngành, địa phương cùng tham và và huy động từ nguồn xã hội hóa để cùng xúc tiến. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉ là nơi tạo ra khung xúc tiến, mọi ngành nghề, lĩnh vực sẽ cùng phải tham gia việc xúc tiến.
Năm 2022, tỉnh sẽ không chỉ tập trung thu hút FDI trong công nghiệp, nông nghiệp, mà mọi lĩnh vực đều được đẩy mạnh, từ y tế, giáo dục, đến thương mại, du lịch…”.
Hải Dương hiện có nhiều dư địa về hạ tầng để sẵn sàng thu hút vốn FDI. Tính đến hết năm 2020, tỉnh Hải Dương có 10 khu công nghiệp (KCN), 40 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 82%.
Được biết, đến nay hệ thống pháp luật và hành chính của tỉnh Hải Dương thường xuyên được rà soát, hoàn thiện, bảo đảm tính minh bạch, dễ tiếp cận với nhà đầu tư. Cùng hòa vào cuộc đua chuyển đổi số của các tỉnh thành, Hải Dương hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, năm 2025 sẽ có 80% thủ tục hành chính của tỉnh được thực hiện ở mức độ 4. Cùng với đó, trước những tác động của dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh luôn sát sao đồng hành cùng doanh nghiệp. Sau khi dịch COVID-19 được khống chế, Hải Dương đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người dân. Tỉnh tập trung cải cách hành chính, hướng dẫn và đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng tạo điều kiện thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại Hải Dương
Hấp dẫn cơ sở hạ tầng…
Được biết, trong mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 của Hải Dương sẽ tăng ngồn cung bất động sản công nghiệp chất lượng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, giai đoạn 2021 - 2030, địa phương này sẽ phát triển tiếp 15 KCN, 50 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 10.000 ha. Đặc biệt, tỉnh Hải Dương đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại vị trí chỉ cách Hà Nội 25 phút đi ô tô đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với tổng diện tích 10.000 ha. Trong đó, có 5.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị, dịch vụ và logistics.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Hải Dương đã thu hút được 10 dự án FDI mới, tổng vốn đầu tư FDI tại Hải Dương đạt 244,7 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.
Quy mô vốn đầu tư FDI vào Hải Dương tương đối đồng đều, trung bình 10 triệu USD/dự án. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo với tỷ lệ 99,3% tổng vốn đầu tư. Các ngành nghề hút vốn đầu tư chủ yếu tại Hải Dương là sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện – điện tử, sản xuất hàng may mặc, nông sản xuất khẩu, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô các loại…
Hải Dương cũng đang trong quá trình đề nghị Chính phủ cho thành lập khu kinh tế tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện với nhiều ưu đãi.
Đóng góp với Hải Dương, ông Kim Sungsoo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam - doanh nghiệp đã 3 lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư vào Hải Dương - nêu quan điểm: “Về định hướng thu hút đầu tư, tỉnh Hải Dương cần bảo đảm hạ tầng tốt nhất để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ về pháp lý, giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, quản trị lao động; hỗ trợ người nước ngoài nhằm tăng thêm các điều kiện hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh”.
Để tăng sức hút, không chỉ chính quyền nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến, mà bản thân doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN cũng cần có sự thay đổi, điều chỉnh để tăng sức hấp dẫn của chính mình. Một trong những doanh nghiệp đang thay đổi như thế là Công ty cổ phần Đại An.
Theo Bà Trương Tú Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại An chia sẻ: Ngày 3/12/2021, Đại An đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty TNHH SEIN I&D Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc) để đầu tư Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Gia Lộc, diện tích 490 ha, với tổng vốn đầu tư 298 triệu USD. Theo bà Phương, Doanh nghiệp sẽ không đi một mình, mà lựa chọn đối tác quốc tế lớn để hợp tác, từ đó gia tăng chất lượng dòng vốn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của tỉnh Hải Dương.