The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hải Dương phấn đấu tăng 5 bậc trong xếp hạng chỉ số PCI

Theo ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trong thời gian tới, Hải Dương nỗ lực nâng cao điểm số, thứ hạng các chỉ số minh bạch, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và các chỉ số ít được cải thiện, suy giảm.
Năm 2022, Hải Dương phấn đấu tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); số doanh nghiệp thành lập mới tăng 10% trở lên so với năm 2021. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu là một trong 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất về PCI. Trong giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển đạt bình quân 35,4%.
Để đạt được mục tiêu trên, Hải Dương sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tạo bước chuyển biến đột phá, đi vào thực chất về cải cách hành chính. Cụ thể, tỉnh phấn đấu giảm ít nhất 50% thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư của một dự án so với hiện nay; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư như: đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường, thuế, hải quan, cấp phép kinh doanh có điều kiện… Hải Dương cũng ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính theo nguyên tắc 5 rõ (rõ về thủ tục; rõ về; quy trình; rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan; rõ thời gian rõ kết quả và chất lượng trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính).
Hải Dương cũng nỗ lực đảm bảo tính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp như: hoàn thành quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 trong quý I/2022; quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung về xây dựng, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; công khai các quy hoạch trên môi trường mạng, website.
Tỉnh sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; cải thiện chất lượng các dịch vụ hỗ trợ như điện, kho bãi, thông tin liên lạc, tín dụng ngân hàng; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong đối thoại, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn phát sinh của doanh nghiệp; tạo môi trường an toàn cho hoạt động đầu tư.
Cùng với đó, trong thời gian tới, Hải Dương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo chiều sâu, hướng đến các nhà đâu tư trọng điểm, có tiềm lực, uy tín trong và ngoài nước gắn với thực hiện các hoạt động hỗ trợ đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Hải Dương tổ chức sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp.
Hải Dương là một trong những tỉnh hiện nay có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở mức trung bình. Cụ thể, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Dương năm 2020 đạt 62,52 điểm, xếp thứ 47 trong cả nước và thuộc nhóm 32 tỉnh xếp hạng trung bình.
Lãnh đạo tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, chỉ số cạnh tranh của Hải Dương thấp là do việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính, trong tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư còn những hạn chế, một số việc qua nhiều cấp, nhiều ngành, thời gian còn kéo dài; trình tự, thủ tục dự án còn kéo dài do quy hoạch chưa tốt; chất lượng một số dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa cao; chưa tạo được đột phá về thu hút đầu tư; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được lãnh đạo tỉnh này coi là nhiệm vụ của hệ thống chính trị.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhất là trong đợt thứ 3, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương từ tăng trưởng âm trong quý I năm 2021, chỉ đạt 3,9% trong quý II, tỉnh đã vượt khó, vươn lên, ước đạt 8,6% cả năm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/14 chỉ tiêu, đứng thứ 12 cả nước.
Trong năm, Hải Dương tập trung triển khai lập "Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050"; hoàn thiện thủ tục đầu tư một số khu, cụm công nghiệp; triển khai nghiên cứu phương án Quy hoạch vùng công nghiệp động lực (khu kinh tế chuyên biệt) trên địa bàn huyện Thanh Miện - Bình Giang, diện tích khoảng 10.000 ha.