Hải Phòng cải thiện môi trường đầu tư, tạo niềm tin cho doanh nghiệp
16 Tháng 11, 2022
Ngoài lợi thế về hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, Hải Phòng còn luôn chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả.
Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí á quân tại Bảng xếp hạng PCI năm 2021 Ảnh: VCCI |
Duy trì tốc độ tăng trưởng
Theo Cục Thống kê Hải Phòng, nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiệu quả, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Hải Phòng khá nhanh, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Dù 2 năm 2020 và 2021 chịu tác động của Covid-19, nhưng dòng vốn FDI vào Hải Phòng vẫn tăng trưởng liên tục. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2021, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng (cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp thông qua việc góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 5,149 tỷ USD, cao nhất cả nước, tăng gần 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước (năm 2020 là 1,531 tỷ USD).
Còn trong 10 tháng năm nay, Hải Phòng đã cấp mới 65 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt 919,43 triệu USD. Trong đó cấp mới trong KCN, KKT đạt 803,19 triệu USD (chiếm 87,36%); cấp mới ngoài KCN, KKT đạt 116,24 triệu USD (chiếm 12,64%). Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 32 dự án, với tổng vốn tăng là 478,32 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Hải Phòng thu hút được là gần 1,4 tỷ USD. Các dự án cấp mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cùng với dòng vốn liên tục đổ vào Hải Phòng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đã đạt được những con số ấn tượng. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng tăng 11,22%, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao thứ hai cả nước. Năm 2021, Hải Phòng vươn lên dẫn đầu với mức tăng trưởng 12,38%, cao gấp 4 lần so với mức tăng GDP của cả nước. Năm 2022 này, Hải Phòng phấn đấu đạt mức tăng trưởng 13%.
Không chỉ đón dòng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, mà địa phương này còn đón dòng vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản, thương mại. Dự án The Minato, do chủ đầu tư và cũng là tổng thầu Fujitar thuộc Daiwa House - tập đoàn xây dựng lớn nhất tại Nhật Bản, chọn Hải Phòng là bến đỗ. Hay Tập đoàn AEON với Dự án Trung tâm thương mại khu vực phía Nam thành phố. Tập đoàn này đang dự tính xây dựng trung tâm thương mại thứ 2 tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm (huyện Thủy Nguyên).
Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài, thì hàng loạt dự án khác của các nhà đầu tư trong nước như Tập đoàn Vingroup, Geleximco, Sun Group giúp thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại của thành phố. Đặc biệt, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Vingroup đã đưa Hải Phòng lên bản đồ sản xuất ô tô của thế giới, dẫn đầu xu hướng sản xuất ô tô điện thân thiện với môi trường.
Nguồn lực quan trọng cho sự phát triển
“Vốn đầu tư là một trong những yếu tố quyết định đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia cũng như từng vùng, từng địa phương. Cuộc đua tranh phát triển giữa các tỉnh/thành phố thời gian qua thực chất là cuộc đua tranh thu hút các nguồn lực phát triển, trước hết là thu hút vốn đầu tư. Công cụ quan trọng nhất để thu hút vốn đầu tư là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn mỗi tỉnh/thành phố”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhận định.
Theo dõi quá trình phát triển của Hải Phòng trong giai đoạn 2016-2020, có thể thấy, đây là một trong những địa phương có kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Hải Phòng đã vươn lên xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng hạng 3 bậc so với năm 2019. Năm 2021, PCI của Hải Phòng đạt 70,61 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2020, vươn lên vị trí thứ hai của cả nước. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021 của Hải Phòng lần đầu tiên ghi nhận ngôi vị quán quân, với kết quả đạt 91,8% (cao hơn 5,43% so với mức trung bình của các tỉnh, thành phố trong cả nước).
Nhờ những nỗ lực này mà Hải Phòng đã trở thành địa bàn hấp dẫn các nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước. Tốc độ tăng vốn đầu tư có sự khác biệt rất rõ rệt giữa 2 giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Nếu giai đoạn 2011-2015 chỉ là 2,4%/năm, bằng một nửa mức tăng chung cả nước, thì giai đoạn 2016-2020 tăng lên tới 28,6%/năm, gấp gần 12 lần giai đoạn trước và gần 3,5 lần mức tăng chung cả nước.
Hơn nữa, phần lớn mức tăng vốn đầu tư đổ vào các KKT và KCN, trong khi vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp có xu hướng giảm dần thì khu vực phi nông nghiệp tăng nhanh, đặc biệt là khu vực công nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, khu vực công nghiệp tăng tới gần 35%/năm, cao gấp 5,8 lần mức tăng vốn đầu tư cho khu vực công nghiệp của cả nước.
Trong cơ cấu chia theo nguồn vốn đầu tư, mức tăng bình quân 10 năm cao nhất thuộc về khu vực FDI (23,6%/năm), trong đó giai đoạn 2016-2020 tăng 25%/năm. Mức tăng bình quân năm của FDI vào Hải Phòng như vậy là cao gần gấp đôi của vùng Đồng bằng sông Hồng (12,4%/năm) và gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước (4,5%). Tỷ trọng vốn đầu tư/GRDP mấy năm gần đây của Hải Phòng cao hơn hẳn mức bình quân chung cả nước. Thời điểm năm 2020, tỷ trọng này của Hải Phòng tăng lên 62%, cao gấp 1,4 lần vùng Đồng bằng sông Hồng (43%/năm) và gấp hơn 1,8 lần bình quân chung cả nước (34,4%).
Như vậy, có thể thấy, những đặc điểm của vốn đầu tư phản ánh rõ nét mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng, đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2020. Nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện mà Hải Phòng trở thành địa điểm hấp dẫn, có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng cần duy trì tiếp đà tăng vốn FDI của giai đoạn 5 năm qua với mức tăng bình quân khoảng 25%/năm hoặc cao hơn cho những năm sắp tới. Nếu duy trì được tỷ lệ này, tổng vốn FDI của giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 512.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 khoảng 2 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, Hải Phòng phải tiếp tục duy trì được đà tăng vốn đầu tư tư nhân trong nước, bình quân khoảng 30%/năm, thì tổng vốn đầu tư từ khu vực này của giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt khoảng 1,46 triệu tỷ đồng; giai đoạn 2025-2030 là 6,94 triệu tỷ đồng.
Để huy động được nguồn vốn lớn phục vụ nhu cầu phát triển, Hải Phòng cần duy trì được thứ hạng cao PCI và các chỉ tiêu về cải cách thể chế khác. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thực hiện tốt việc xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
“Việc Hải Phòng trải thảm đỏ đón nhà đầu tư chính là hành động cụ thể trong việc là tạo môi trường đầu tư minh bạch, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cho nhà đầu tư. Thực hiện chuyển đổi số là nhân tố mới, là công cụ hữu hiệu để cải thiện điểm số PCI của Hải Phòng, tăng tính minh bạch và năng động của chính quyền cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh”, ông Lương Hải Âu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng cho hay.
Hiện, chuyển đổi số đang được Hải Phòng áp dụng ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, đảm bảo mọi quy trình được công khai, minh bạch. Doanh nghiệp sẽ giảm tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với cơ quan nhà nước, giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức... Qua đó, tác động trực tiếp và cải thiện nhanh chóng môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng, giúp gia tăng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền.
Như tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và thay đổi được thực hiện qua mạng chiếm tỷ lệ 100% số hồ sơ. Sở Giao thông - Vận tải đã thực hiện một số thủ tục ở cấp độ 4.
Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND, ngày 27/5/2022 về việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, giảm tỷ lệ hồ sơ quá hạn trong cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố. Theo kế hoạch, Thành phố đề ra mục tiêu của năm 2022 là 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 80% dịch vụ công mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tiếp và trực tuyến đạt tối thiểu 60%.
Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng, một trong những nhà đầu tư FDI chiến lược của Hải Phòng là LG Display Việt Nam đã bày tỏ rằng, việc đầu tư vào Hải Phòng của công ty sẽ chưa dừng lại ở con số 4,65 tỷ USD, mà sẽ nhiều hơn nữa.
Còn theo ông Leon Chen, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pegatron Việt Nam, chính quyền TP. Hải Phòng đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho công ty trong suốt thời gian hoạt động tại đây. Đặc biệt, sự hỗ trợ của thành phố Hải Phòng và Ban Quản lý Khu kinh tế trong việc triển khai dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân tại KKT Đình Vũ - Cát Hải với diện tích khoảng 5,8 ha sẽ giúp nhiều người lao động an cư lạc nghiệp, yên tâm công tác. Phía công ty cũng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai dự án mở rộng tại TP. Hải Phòng.
Theo Báo Đầu tư