The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hải Phòng hướng tới mô hình phát triển xanh hơn, sạch hơn và chuyển đổi số

Cùng với định hướng phát triển kinh tế mũi nhọn công nghiệp công nghệ cao, logistics - cảng biển, du lịch - thương mại, Hải Phòng đã có những bước chuyển mình nhanh chóng. Thành phố Cảng duy trì tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ở mức hai con số trong suốt 9 năm liên tục và đạt 10,34%, bất chấp khó khăn chung của kinh tế thế giới và cả nước trong năm 2023.
Phát huy vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế, nơi hội tụ 5 loại hình giao thông (đường biển, đường bộ, đường sắt, đường hàng không và thủy nội địa), Hải Phòng là một trong những địa phương dẫn đầu về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nằm trong top 3 cả nước năm 2022, tiếp tục khẳng định chất lượng điều hành kinh tế địa phương, tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp dân doanh của Hải Phòng.
Tuy nhiên, vị trí nằm ngoài top 10 trong bộ đánh giá Chỉ số Xanh (PGI) và Chỉ số Đánh giá Chuyển đổi số năm 2022 cho thấy các xu hướng mới quan trọng này chưa theo kịp tiềm năng và vị thế vốn có của Hải Phòng. Đây là các nhân tố then chốt giúp thành phố phát triển bền vững và nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ hiện đại đang thay đổi nhanh chóng.
Hải Phòng hướng tới mô hình phát triển xanh hơn, sạch hơn và chuyển đổi số - Ảnh 3
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam từ năm 2005. Các chỉ số thành phần cho thấy, Hải Phòng là địa phương đặc biệt hấp dẫn về: cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; chi phí thời gian. Đây là các chỉ số Hải Phòng đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên, thứ hạng của Hải Phòng về tính minh bạch và chi phí không chính thức chỉ ngang với mức trung vị và chỉ số về khả năng gia nhập thị trường vẫn nằm trong nhóm yếu so với cả nước.
Năm 2022, lần đầu tiên bộ Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) được giới thiệu cùng với PCI. Trong bộ chỉ số này, Hải Phòng xếp thứ nhất về Thúc đẩy thực hành xanh và xếp thứ 9 về Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Kết quả này không chỉ phản ánh sự tiên phong của chính quyền thành phố trong việc xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh 2014 và tầm nhìn xây dựng “Cảng xanh”, mà còn thể hiện ở những việc làm rất cụ thể.
Tỷ lệ doanh nghiệp Hải Phòng tham gia khảo sát PGI trả lời được nhận hỗ trợ và chỉ dẫn từ chính quyền địa phương về cách giảm thiểu, xử lý khí thải và chất thải gần gấp đôi mức trung vị của cả nước.
Tuy nhiên, Hải Phòng cần cố gắng rất nhiều để cải thiện các chỉ số thấp hơn mức trung vị của cả nước, bao gồm: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến doanh nghiệp; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu của doanh nghiệp.
Bộ Chỉ số Chuyển đổi số (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố cho thấy Hải Phòng cải thiện cả về mức tuyệt đối và mức tương đối so với các tỉnh, thành khác khi tăng vị trí xếp hạng từ 21 (năm 2020) lên 14 (năm 2022). Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn nằm ngoài 10 địa phương dẫn đầu dựa trên các tiêu chí tổng hợp từ 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hải Phòng hướng tới mô hình phát triển xanh hơn, sạch hơn và chuyển đổi số - Ảnh 4
Về mặt khách quan, hiện nay, trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là những điểm đến quan trọng của hàng hóa Việt Nam nhưng cũng là những thị trường dẫn đầu thế giới trong áp dụng xanh, sạch và số, bao gồm các tiêu chuẩn xanh trong sản xuất và kinh doanh, phát triển xanh và tăng trưởng bền vững. Điều này đang tạo ra thách thức rất lớn đối với các địa phương trong cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi sự chuyển biến, sự sẵn sàng trước những thách thức mới.
Một nền kinh tế tuần hoàn xanh, sạch và số đã trở thành xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự phát triển bền vững về môi trường, đồng thời đáp ứng những yêu cầu và cơ hội về công nghệ và số hóa trong tương lai.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh, sạch và số. Tuy nhiên, những khó khăn nội tại đang tạo ra nhiều thách thức cho việc chuyển đổi: (i) hành lang pháp lý chưa theo kịp sự phát triển và nhu cầu của nền kinh tế xanh, sạch và số; (ii) việc tiếp cận các công nghệ mới cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; (iii) nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về nền kinh tế xanh, sạch và số còn chưa ở mức cao, dẫn đến việc tiếp cận mô hình này chưa đạt được mức độ như kỳ vọng; (iv) cơ sở hạ tầng và nhân lực để tạo điều kiện cho nền kinh tế xanh, sạch và số có thể phát triển bứt phá chưa được đầu tư kịp thời và bài bản.
Về mặt chủ quan, là địa phương có tổng sản lượng hàng hóa thông quan đứng đầu cả nước (đạt mức 23,9 triệu tấn năm 2023), Hải Phòng là thành phố hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông, môi trường và yếu tố con người để có thể đi tiên phong, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế tuần hoàn theo mô hình xanh, sạch và số của khu vực, phù hợp với nền kinh tế phát triển bền vững và theo kịp nhu cầu chuyển đổi số của thời đại.
Hải Phòng hướng tới mô hình phát triển xanh hơn, sạch hơn và chuyển đổi số - Ảnh 5
Đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo bản quy hoạch này, Hải Phòng đề ra mục tiêu đến năm 2050 sẽ là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển, bao gồm: (1) Dịch vụ cảng biển-logistics; (2) Công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; (3) Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.
Để đạt được các mục tiêu trên, Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai ngay các kế hoạch hành động chi tiết trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. (Hình 5 là đề xuất của nhóm tác giả cho thành phố Hải Phòng hướng tới sự phát triển theo mô hình xanh, sạch và số trong những năm tới).
Hải Phòng hướng tới mô hình phát triển xanh hơn, sạch hơn và chuyển đổi số - Ảnh 6
Cảng biển. Theo xu hướng chung, Hải Phòng nên đầu tư để chuyển đổi các cảng biển theo xu hướng xanh hóa với các hoạt động bền vững và thân thiện với môi trường trong mọi lĩnh vực thuộc ngành hàng hải. Các cảng xanh này sẽ áp dụng các công nghệ xanh và nhiên liệu carbon thấp cho thiết bị sử dụng nhiều năng lượng. Trên quy mô toàn cầu, các liên minh hàng hải và vận tải biển quốc tế đang đoàn kết các bên liên quan trong chuỗi cung ứng để giảm mức tiêu thụ điện năng và lượng khí thải carbon nói chung.
Logistics. Xây dựng chuỗi vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa theo hướng xanh. Đường đi của các loại hàng hóa vận chuyển vào và ra khỏi thành phố sẽ được khuyến khích theo hướng giảm quá trình vận chuyển. Cơ sở hạ tầng bao gồm quy hoạch sẽ xem xét đến việc giảm các phương tiện vận chuyển hàng hóa sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu.
Quy hoạch và xây dựng các Trung tâm Gom hàng nội thành (Urbain Consolidation Center - UCC) nhằm tối ưu hóa hoạt động giao nhận hàng hóa trong đô thị. Các UCC được đặt ở vị trí chiến lược, gần các khu dân cư và khu công nghiệp để thuận tiện cho việc phân loại và gom hàng. Đặc biệt, các hoạt động giao hàng chặng cuối từ UCC sẽ sử dụng phương tiện vận chuyển sạch và thân thiện với môi trường như xe điện, xe đạp điện. Đây là một giải pháp kinh tế và môi trường hiệu quả, giúp giảm thiểu ô nhiễm và tăng tính bền vững của hệ thống vận chuyển đô thị.
Đô thị. Hiện nay, thành phố đang triển khai xây dựng một số khu đô thị, hành chính mới, như thành phố Thủy Nguyên vào năm 2025. Đây là thời điểm thích hợp để xem xét áp dụng các thiết kế, công nghệ xây dựng thân thiện với môi trường, những kỹ thuật sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả và tiết kiệm, cùng hệ thống giao thông điện nội thị cho các khu quy hoạch mới.
Con đường kiểu mẫu. Hình thành các trạm sạc xe điện từ nguồn năng lượng mặt trời, lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo để thắp sáng đèn đô thị. Xây dựng hệ thống xe buýt xanh (xe điện) kết hợp các bến đỗ xe buýt tích năng lượng điện mặt trời. Ngoài ra, cần có cơ chế riêng của thành phố để khuyến khích lắp điện mặt trời áp mái đối với các công trình của các doanh nghiệp và khu vực dân sinh dọc theo con đường xanh.
Hải Phòng hướng tới mô hình phát triển xanh hơn, sạch hơn và chuyển đổi số - Ảnh 7
Trung tâm phát triển năng lượng. Với vị trí chiến lược và tiềm năng tự nhiên, Hải Phòng có thể đặt mục tiêu phát triển thành phố trở thành một trung tâm năng lượng bền vững của vùng Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ. Mục tiêu này sẽ bao gồm các hạng mục từ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (gió ngoài khơi, mặt trời, sinh khối, rác thải đô thị), các cảng biển phục vụ cho việc xuất nhập khẩu nhiên liệu và thiết bị năng lượng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng nên nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng các khu sản xuất, bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị năng lượng cùng hệ thống sản xuất, vận chuyển và sử dụng nguồn hydrogen xanh từ điện gió ngoài khơi trong những thập kỷ tới.
Khu công nghiệp công nghệ cao. Với 12 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, việc khuyến khích và đưa ra các tiêu chuẩn về sản xuất công nghệ cao (ví dụ: chíp bán dẫn) là cần thiết. Ngoài ra, các tiêu chuẩn sạch về sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của thành phố, mà còn đảm bảo tuân theo các tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu của các nước thông qua hệ thống giao thông đường biển, hàng không, đường bộ và đường sắt của thành phố.
Nghiên cứu và phát triển. Để có thể hội tụ được các nguồn tri thức trong và ngoài nước cũng như các công nghệ mới phục vụ cho việc phát triển thành phố theo hướng xanh, sạch và số, Hải Phòng có thể định hướng phát triển các trung tâm cấp vùng về đào tạo, nghiên cứu, hội thảo và triển lãm tập trung cho các ngành công nghiệp và năng lượng tái tạo.
Thị trường tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và đạt được mục tiêu giảm lượng phát thải ròng về 0 (Net Zero) theo định hướng của cả nước vào năm 2050. Với vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và cảng biển quan trọng bậc nhất của cả nước, Hải Phòng cần đi tiên phong trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và khung pháp lý cho thị trường này.
Hải Phòng hướng tới mô hình phát triển xanh hơn, sạch hơn và chuyển đổi số - Ảnh 8
Logistics. Với sự phát triển nhanh của kỷ nguyên số, việc quản lý thông tin minh bạch và an toàn là vô cùng cấp thiết. Thành phố cần xây dựng một hệ thống dữ liệu kết nối các lĩnh vực như hành chính công, dân cư, bất động sản, thuế, đồng thời kết nối với dữ liệu quốc gia để đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất trong quản lý.
Trung tâm công nghệ số. Thành phố cần xem xét xây dựng các “digital hub” và trung tâm an ninh mạng. Các trung tâm này không chỉ đảm bảo an ninh trên môi trường không gian mạng cho sự phát triển của thành phố, mà còn đóng vai trò cập nhật, trợ giúp cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Hệ thống cơ sở pháp lý. Xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ pháp lý mới phát sinh từ chuyển đổi số, đảm bảo an ninh, an toàn từ những rủi ro trên không gian mạng. Hệ thống các văn bản hướng dẫn cần có những bước tiến nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu thay đổi thường xuyên về công nghệ và số hóa.
Đào tạo nhân lực. Song song với việc theo kịp các thay đổi về công nghệ của thế giới, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, đáp ứng các nhu cầu số hóa là cần thiết, đảm bảo nguồn lực cho lĩnh vực này trong thời gian dài.
Với những đòi hỏi khách quan và chủ quan của quá trình hội nhập, nhu cầu của sự phát triển xanh, sạch và số đã tạo ra thách thức cũng như cơ hội cho thành phố Cảng. Đồng thời, phát triển xanh, sạch và số cũng là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo một sự phát triển bền vững trong tương lai.