Hải Phòng sẵn sàng vươn ra biển lớn
Đầu tư bài bản cả về hạ tầng cứng và cơ chế mềm, về nguồn nhân lực, TP. Hải Phòng đã sẵn sàng vươn ra biển lớn.
Thu hút FDI đầu bảng cả nước
Kết thúc năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Hải Phòng trở thành một cái tên khá nổi tiếng khi được nhắc đến với nhiều cái nhất, cái mới.
Lần đầu tiên, Hải Phòng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,9 tỷ USD, đứng ở vị trí đầu bảng cả nước. Những tên tuổi lớn trong và ngoài nước đã nối tiếp nhau chọn Hải Phòng làm điểm đến để đầu tư và đã thành công. LGE, LGD, Bridgestone, Fuji Xerox, JX Nippon Oil, Rent-A-Port, Vingroup, Sun Group, BRG… là những doanh nghiệp điển hình.
Hải Phòng ngày càng khang trang, hiện đại, xứng tầm là một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Hải Phòng |
Nhưng không phải tự nhiên mà các ông lớn này lại tìm đến và chọn Hải Phòng. Còn nhớ vị Tổng giám đốc của Tập đoàn LG Displays, ông Cheoldong Jeong đã nói trong buổi ký bản ghi nhớ đầu tư hồi tháng 4/2016 rằng, trước khi quyết định chọn Hải Phòng, LG Displays cũng đã khảo sát tại nhiều địa phương ở Việt Nam, nhưng rồi họ quyết định chọn thành phố này vì những lợi thế riêng có, đặc biệt là sự đồng hành và nhiệt tình hỗ trợ của lãnh đạo Thành phố.
Để hỗ trợ nhà đầu tư một cách thực chất và nhanh nhất, Hải Phòng đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại - Du lịch, hoạt động theo mô hình một cửa cấp thành phố. Trung tâm này đã chính thức ra mắt tháng 9/2016. Cải cách hành chính và chính quyền điện tử ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư ghi nhận.
Hàng loạt dự án đầu tư đi vào hoạt động hoặc đang được triển khai thực hiện đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của Hải Phòng. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng năm 2016 đạt 11%, gấp 1,7 lần bình quân của cả nước. Hầu hết chỉ số của các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, chẳng hạn sản xuất công nghiệp tăng 17,02%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5,16 tỷ USD (tăng 19,57%), tổng lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 80,01 triệu tấn (tăng 17,2%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 56.125 tỷ đồng (tăng gần 15%)… Đặc biệt, kết quả thu ngân sách có sự tăng mạnh, nhất là thu nội địa bứt phá với 17.068,6 tỷ đồng, tăng đến 27,5% so với cùng kỳ.
Những tháng đầu năm 2017, Hải Phòng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2016. Nhờ đó, thu ngân sách của Thành phố trong quý I/2017 đã đạt 15.655 tỷ đồng, tăng 19,8%, trong đó thu nội địa đạt 4.754 tỷ đồng, tăng 22,8%. Với tốc độ tăng này, thì chỉ tiêu thu ngân sách mà Hải Phòng đã đặt ra cho năm 2017 với mức 77.396,784 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 21.500,3 tỷ đồng sẽ không quá xa vời.
“Mục tiêu này là khá cao, nhưng cũng là vì mục đích tái đầu tư, vì mục tiêu phát triển dài lâu của Thành phố. Dù biết rằng, thực hiện nó, chúng tôi sẽ phải nỗ lực nhiều. Song với những kết quả đã đạt được, đây sẽ là tiền đề quan trọng để chúng tôi thực hiện đến cùng mục tiêu đã đề ra cho năm 2017 và cả giai đoạn 2016 - 2020”, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chia sẻ.
Một yếu tố nữa khiến lãnh đạo Hải Phòng phần nào yên tâm hơn về “sức khỏe” nền kinh tế của Thành phố là cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã có sự gia tăng mạnh về số lượng và cả quy mô vốn. Năm 2016, Hải Phòng đã ghi nhận số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2.511 doanh nghiệp, tăng 6,2%. Số vốn đăng ký tăng gấp nhiều lần, khoảng 78,5%, đạt trên 18.789 tỷ đồng.
Cũng không phải dễ dàng khi Hải Phòng thuyết phục được nhiều doanh nghiệp đến hoặc quay lại Thành phố. Đã thành lệ, cứ vào mùng 10 hàng tháng, lãnh đạo UBND Thành phố trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe và kịp thời giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp. Với những hành động thiết thực này, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Hải Phòng đã tăng 7 bậc, giữ vị trí thứ 21 trên bảng xếp hạng.
Với một bức tranh kinh tế sinh động bởi những gam màu sáng và đa sắc, người dân Hải Phòng tự tin hơn trong việc thực hiện các chỉ tiêu mà Đảng bộ Thành phố đã đề ra.
Vững bước đi lên
Sông Lấp, sông Cấm, cầu Rào, chợ Đổ… của Hải Phòng là những cái tên khá gây tò mò với những ai mới đến Hải Phòng. Nhiều khi nó lại trở thành đề tài phiếm cho những buổi “trà dư tửu hậu” khi nhắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn là “lấp, rào, cấm” của thành phố này những năm xưa cũ.
Nhưng không thể không nhìn vào sự thật đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn trước. Đó là sự phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, cũng như vị thế là một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Là sự chậm phát triển khi có đến 6 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách còn thấp. Môi trường đầu tư vẫn còn bất cập. Thành phố chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh.
Giờ thì, những công trình ngàn tỷ như Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Cảng quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; hay những dự án đang chuẩn bị khởi công như đường cao tốc ven biển, tuyến cáp treo vượt biển dài và lớn nhất thế giới ra đảo Cát Bà… sẽ xóa đi cái mặc định về sự “lấp, rào, cấm, đổ”... Đó cũng là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng tốc trong phát triển của Hải Phòng. Và hiệu quả đã hiện hữu.
Một diện mạo xứng với tầm vóc đô thị loại I cũng đang được đổi thay từng ngày với những công trình, những dự án lớn của các nhà đầu tư uy tín trong và ngoài nước. Trong trung tâm thành phố với dự án khách sạn 5 sao mang thương hiệu Hilton của Tập đoàn BRG; là dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, căn hộ và khách sạn 4 sao Accor của Tập đoàn VLC; là trung tâm thương mại hiện đại Vincom và khu nhà Shophouse của Vingroup. Một khu đô thị mới hiện đại, văn minh - Khu đô thị ven sông Lạch Tray, do nhà đầu tư đến từ Singapore thực hiện đang dần hình thành, một bệnh viện Vinmec hiện đại, khang trang đang được khẩn trương xây dựng. Một khu đô thị hiện đại nhất Hải Phòng - Vinhomes Imperia, với điểm nhấn là tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn cao 45 tầng đang được Vingroup xây dựng.
Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên được đánh thức tiềm năng lớn về du lịch với những dự án ngàn tỷ của Vingroup, Him Lam, Sun Group, FLC. 178 chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm đã được Thành phố lên kế hoạch xây dựng lại để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và chỉnh trang đô thị.
Và trong tương lai không xa, Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm sẽ dần hiện hữu, bởi cầu Hoàng Văn Thụ (vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng) đã khởi công hôm 6/1/2017. Cây cầu này không chỉ có ý nghĩa về giao thông, mà còn có ý nghĩa lớn với sự mở rộng phát triển đô thị Hải Phòng. Đặc biệt, đây là công trình khởi đầu cho việc xây dựng để di chuyển Trung tâm hành chính - chính trị của Thành phố sang vị trí mới, có quy mô lớn hơn, hiện đại hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển Hải Phòng trong tương lai.
Tất cả những công trình này đang hiện thực hóa định hướng mở rộng không gian đô thị (chủ yếu là hướng biển) của Hải Phòng.
Theo ông Lê Văn Thành, đô thị của Hải Phòng giờ đây đang được mở rộng theo 3 hướng.
Hướng thứ nhất, mở rộng lên phía Bắc - đô thị Bắc Sông Cấm (huyện Thủy Nguyên).
Hướng thứ hai, tuyến từ quận Hải An ra phía huyện Cát Hải, Cát Bà. Hiện quy hoạch huyện Cát Hải đã được thực hiện xong và mục tiêu khu vực này sẽ là nơi phát triển cảng biển gắn với công nghiệp dịch vụ và du lịch.
Hướng thứ ba, mở rộng về phía quận Dương Kinh và Đồ Sơn, gắn với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và phát triển du lịch.
“Mục đích của việc này là vừa đảm bảo môi trường sống mới văn minh, hiện đại hơn và cũng là tăng thêm cơ hội phát triển về kinh tế, khi trung tâm hành chính - kinh tế hiện tại của Hải Phòng đã phát triển đến giới hạn của nó”, ông Lê Văn Thành khẳng định.
Với sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy của chính quyền, khi coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ thay vì là đối tượng quản lý, đến việc đầu tư bài bản cho hệ thống hạ tầng giao thông và đô thị một cách đồng bộ đã tạo bệ phóng cho Hải Phòng vươn mình. TP. Hải Phòng cùng cộng đồng doanh nghiệp đã sẵn sàng tâm thế để đón nhận những cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sắp tham gia. Con số những doanh nghiệp đang đặt chân ra thế giới như Nhựa Tiền Phong, Sơn Hải Phòng, Vico… đang nhiều dần lên.
Hải Phòng hôm nay tự tin vững bước ra biển lớn.