HẢI PHÒNG TẠO ĐỘNG LỰC THU HÚT ĐẦU TƯ
Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi đã góp phần quan trọng để Hải Phòng đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là thu hút đầu tư. Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về nội dung này.
Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp, Hải Phòng chọn chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu - chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. Điều đó cho thấy quyết tâm rất cao của Thành phố trong việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính phục vụ. Ông có thể nói rõ hơn về chủ đề này?
Trước hết, có thể khẳng định, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Thành phố quan tâm từ lâu và thực hiện liên tục, thường xuyên qua nhiều năm nay. Đặc biệt, trong 2 năm, 2016 - 2017, Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính đồng bộ và hiệu quả.
Cụ thể, Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 763/KH-UBND ngày 27/5/2016 và Kế hoạch số 962/KH-UBND ngày 28/6/2016, nhằm triển khai các Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Trong đó, rất quan trọng là Kế hoạch số 47/KH-UBND năm 2017, triển khai Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 tại Hải Phòng.
Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Bản cam kết thực hiện giữa Thành phố với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đã được ký kết ngày 19/9/2016. Thành phố cũng đưa ra nhiều biện pháp thiết thực trong tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế. Thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả, định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc.
Khuyến khích áp dụng hình thức đối tác công - tư; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn tối đa các thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện các giao dịch điện tử. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm tối đa thời gian và chi phí; tập trung vốn đầu tư từ ngân sách cho các công trình, dự ántrọng điểm; hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải...
Trong năm 2018 này, Thành phố sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả đi liền với việc phân cấp mạnh mẽ hơn nữa việc quản lý nguồn chi, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm tạo thêm tính chủ động, sáng tạo, giải phóng mọi tiềm năng, khơi dậy mọi nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển.
Có thể thấy, năm 2017 đã là bước đệm tốt cho kế hoạch năm 2018, thưa ông?
Đúng vậy. Kết quả năm 2017 cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố tiếp tục được cải thiện, nhiều dự án lớn đã được thực hiện. Cụ thể, Tập đoàn Sungroup khởi công giai đoạn I quần thể du lịch sinh thái Cát Bà, tiến tới mục tiêu đưa Cát Bà trở thành Khu du lịch sinh thái và thông minh đầu tiên ở Việt Nam. Tập đoàn Vingroup triển khai Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco tại huyện Vĩnh Bảo, đã đưa 201 ha vào sản xuất; Tổ hợp sản xuất, chế tạo ô tô Vinfast tại Cát Hải với tổng vốn trên 35.000 tỷ đồng đang được xây dựng; Tập đoàn Aeon triển khai Dự án Trung tâm mua sắm Aeon Mall tại quận Lê Chân với tổng vốn trên 3.000 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện thủ tục đầu tư cho 35 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư 69.259 tỷ đồng; đầu tư trực tiếp nước ngoài với 47 dự án cấp mới và 34 dự án điều chỉnh tăng vốn.
Hệ thống cảng biển Hải Phòng với hơn 92 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng trong năm 2017. |
Trong năm 2017, tổng số vốn đầu tư công đạt trên 11.000 tỷ đồng. Tiếp tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi và thu hút các nhà đầu tư. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 2.974 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 17.377,1 tỷ đồng, tăng 16% về số doanh nghiệp. Thời gian trung bình để xử lý hồ sơ thành lập mới và hồ sơ đăng ký thay đổi là dưới 2,5 ngày làm việc; số hồ sơ cấp thành lập mới qua mạng chiếm tỷ lệ 60%. Khai, nộp thuế điện tử đạt 100% số doanh nghiệp thuộc diện khai và nộp thuế điện tử.
Những kết quả tích cực và nhân tố thuận lợi trên đã tạo đà đưa Hải Phòng khẳng định vị thế của thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 67.853 tỷ đồng; Chỉ số phát triển ngành công nghiệp (IIP) tăng 21,6% và kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 22,2%, đều cao nhất cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố đạt 71.700,3 tỷ đồng, tăng 11,2%, trong đó thu nội địa đạt trên 21.500 tỷ đồng, tăng 26,22%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV, Đảng bộ Thành phố giao trước 3 năm.
Liên tục 4 năm, Hải Phòng được xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về cải cách hành chính; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, tăng 7 bậc so với 2015, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố. Hải Phòng luôn nằm trong nhóm 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư.
Có thể khẳng định, môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở đã tác động rất tích cực tới hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng trong năm qua. Theo ông, đâu là những điểm nhấn rõ nét nhất?
Theo tôi, việc nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ của Thành phố không chỉ giúp môi trường kinh doanh thay đổi theo hướng cởi mở, mà hoạt động thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng thiết thực và chọn lọc hơn. Thứ nữa là, công tác xúc tiến đầu tư đã thể hiện tính chuyên nghiệp hơn. Tập trung ưu tiên thu hút dự án có hàm lượng công nghệ cao, khuyến khích áp dụng hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng của Thành phố.
Tháng 9/2016, Hải Phòng đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại - Du lịch, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ nhà đầu tư trong thủ tục và triển khai thực hiện dự án tại Thành phố. Với việc thành lập và đưa vào vận hành trung tâm này, lãnh đạo Thành phố đã khẳng định trách nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý, TP. Hải Phòng tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Nút giao thông khác mức Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm, cầu Tam Bạc, cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ... đã đi vào vận hành, đang tạo nền tảng, sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong giai đoạn tới. Một số công trình khác đang được đẩy nhanh tiến độ như: Nhà máy sản xuất, chế tạo ô tô Vinfast; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí Cát Bà; cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, mở rộng Quốc lộ 10; cầu Hoàng Văn Thụ...
Nhờ giải pháp tổng thể này, Hải Phòng đã thu hút được nhiều dự án FDI có vốn đầu tư lớn và công nghệ hiện đại như dự án 1,5 tỷ USD của Công ty LG Display, dự án 550 triệu USD của Công ty LG Innotek... Bên cạnh đó, một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp trong nước, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có kinh nghiệm và tiềm lực mạnh như Vingroup, Sungroup, BRG, Flamengo... cũng đầu tư vào Hải Phòng với tổng vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng. Nhìn chung, Hải Phòng đang đi đúng định hướng phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh mà Thành phố đã hoạch định.
Để năm 2018 tiếp tục thành công, tạo tiền đề tốt cho những năm tiếp theo, đâu là những mục tiêu chiến lược của Thành phố, thưa ông?
Năm 2018, Thành phố sẽ tiếp tục phát huy nhịp độ tăng trưởng trong hai năm qua, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018. Thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội Thành phố, hoàn thành thủ tục để triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tập trung nguồn lực, ưu tiên thực hiện chương trình mở rộng không gian đô thị ra 3 hướng đột phá. Huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, triển khai hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2018, đặc biệt là 18 dự án trọng điểm dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2018 - 2020 đã được Thành ủy, HĐND Thành phố thông qua.
Xây dựng phương án huy động các nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển Thành phố năm 2018. Rà soát, sửa đổi, ban hành các quy định về quản lý đầu tư xây dựng theo hướng thông thoáng, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giảm bớt các thủ tục hành chính đi đôi với thanh, kiểm tra về đầu tư. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như các nhà đầu tư đã và đang triển khai các dự án tại Thành phố. Trước mắt, tập trung chỉ đạo bảo đảm tiến độ thi công các dự án trọng điểm.
Năm 2018, thành phố sẽ khởi công 16 dự án và khánh thành 8 dự án, công trình quan trọng, gồm: Dự án Xây dựng nút giao thông Nam cầu Bính; Dự án Cải tạo, chỉnh trang hai bờ sông Tam Bạc; Trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2; Dự án Xây dựng 3 tòa nhà chung cư; công trình nhà ga hành khách số 2 tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2; các bến cảng tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Trung tâm thương mại AEON Nhật Bản; Dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại số 12 đường Trần Phú...
Trong dịp đầu năm 2018, Thành phố sẽ khánh thành Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec; Dự án Công viên cây xanh Tam Bạc giai đoạn II; Dự án Nâng cấp, cải tạo quốc lộ 10; cầu Đăng và cầu Hàn. 2 bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Hoàng Văn Thụ và tòa nhà 45 tầng của Vingroup…