Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, với âm mưu đặt lại ách thống trị trên toàn bộ nước ta, ngay từ giữa tháng 11-1946, thực dân Pháp đã tiến vào đánh chiếm Hải Phòng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn đối với miền Bắc. Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, bằng chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ (năm 1954), miền Bắc được giải phóng. Riêng Hải Phòng lại phải bước tiếp vào cuộc chiến đấu mới-đó là thời kỳ “300 ngày giải phóng quê hương”. Trong thời gian này, cuộc đấu tranh với địch trên các mặt trận kinh tế, chính trị diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, quân và dân Hải Phòng đã đập tan ý đồ phá hoại thành phố Cảng, phá hoại Hiệp định Geneve của thực dân Pháp cùng bọn tay sai và mãi đến ngày 13-5-1955, tên Pháp cuối cùng mới rút khỏi Hải Phòng, thành phố chính thức được giải phóng.

Thành phố “đi nhanh, về sớm”
Nút giao thông Nam Cầu Bính (Hải Phòng) vừa khánh thành. Ảnh: NGUYỄN HỒNG PHONG.

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, Hải Phòng cũng là một trong những mục tiêu đầu tiên. Nhằm ngăn chặn việc chi viện cho chiến trường miền Nam và sự giúp đỡ của các nước anh em đối với Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn để phong tỏa cảng Hải Phòng. Theo các tài liệu lịch sử, đợt phong tỏa lần thứ nhất chỉ trong hai năm 1967-1968, Mỹ đã dùng tới gần 1.500 quả bom từ trường và thủy lôi; đợt phong tỏa thứ hai từ tháng 5-1972 Mỹ dùng tới 2.877 quả bom từ trường và thủy lôi các loại tại khu vực Hải Phòng. Trong hai đợt phong tỏa, hàng nghìn quả thủy lôi, bom từ trường của Mỹ đã được quân dân Hải Phòng phá hủy, kịp thời thông tuyến hàng hải đặc biệt quan trọng này.

Kiến quốc: “Đi nhanh, về sớm”

Ngay sau khi thành phố được giải phóng, quân dân Hải Phòng đã dồn sức khôi phục kinh tế. Nhiều phong trào thi đua thiết thực đã ra đời từ đây, tiêu biểu là phong trào “Sóng Duyên Hải” được khởi nguồn từ Nhà máy Cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng (nay là Công ty TNHH MTV Cơ khí Duyên Hải) được phát động mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của toàn thể cán bộ, công nhân. Chỉ trong hai tháng, 237 chỉ tiêu định mức lao động, kỹ thuật "bị" phá; năng suất lao động vượt từ 50 đến 610%, trình độ năng lực của cán bộ quản lý, kỹ thuật được tăng cường, trình độ tay nghề của công nhân được nâng cao. Duyên Hải ngày ấy sôi động một cao trào thi đua chưa từng có, thực sự tạo nên một khí thế cách mạng, đưa Duyên Hải trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp miền Bắc.

Vào đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, sáng kiến khoán sản phẩm trong nông nghiệp cũng được nhen nhóm từ Hải Phòng, cùng với khoán hộ từ Vĩnh Phú xuất hiện từ thập kỷ sáu mươi, khoán sản phẩm trong nông nghiệp của Hải Phòng đã được phát triển trở thành “khoán 100” rồi “khoán 10”, tạo ra cuộc cách mạng, mang lại nguồn sinh khí mới trong nông nghiệp.

Mấy năm gần đây, Hải Phòng nổi lên nên như là một trong những địa phương năng động nhất của cả nước trong thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2019 vừa qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 16,68%, cao gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước. Quý I năm nay, dù phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 nhưng GRDP của thành phố vẫn tăng 14,9%, cao gấp gần 4 lần so với bình quân của cả nước. Xuất khẩu của Hải Phòng tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch quý I-2020 tăng 15,62%, trong khi đó cả nước chỉ tăng 0,5%.

Thành phố “đi nhanh, về sớm”
Thành phố đang vươn cao. Ảnh: NGUYỄN TUẤN ANH.

Theo dự thảo Báo cáo chính trị của Thành ủy Hải Phòng chuẩn bị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, GRDP thành phố 5 năm 2016-2020 tăng bình quân 14,94%/năm, gấp 1,42 lần mục tiêu (10,5%/năm), gấp 2,1 lần giai đoạn 2011-2015 và gấp 2,2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 6.196USD, vượt mục tiêu đề ra (5.600USD), gấp 2,04 lần so với năm 2015, gấp 2 lần bình quân chung cả nước. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết định đột phá, táo bạo về các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Điển hình là các nghị quyết về hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị; hỗ trợ xây sửa nhà đối với người có công, hộ nghèo; quyết định tăng mức bảo trợ xã hội; chính sách khuyến khích học sinh, giáo viên giỏi; hỗ trợ 100% học phí cho học sinh phổ thông...

Với các giải pháp “đi nhanh”, Hải Phòng đang phấn đấu để có thể “về sớm” mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại I; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.

Vì sao Hải Phòng phát triển bứt phá?

Chúng tôi đã đặt câu hỏi như vậy với đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Thay cho câu trả lời, đồng chí Bí thư Thành ủy đã đưa cho chúng tôi dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Trong đó nhấn mạnh đến 6 vấn đế đổi mới sáng tạo nổi bật trong nhiệm kỳ 2015-2020. Đặc biệt là việc đổi mới tư duy, mở rộng dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lấy lợi ích của người dân làm mục đích hướng tới, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tạo bước đột phá về thu ngân sách nội địa. Đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đầu tư công; tập trung nguồn lực cho các dự án, chương trình trọng điểm, ưu tiên. Đổi mới trong thu hút nguồn lực xã hội, tạo động lực cho xây dựng và phát triển thành phố nhanh và bền vững...

Thành phố “đi nhanh, về sớm”
Một góc đô thị Hải Phòng. Ảnh NGUYỄN TUẤN ANH

Thành công nổi bật nhất trong nhiệm kỳ là thành phố đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước, với tổng mức đầu tư hơn 200 nghìn tỷ đồng, điển hình, như: Vingroup, Sungroup, Geleximco, FLC... đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của thành phố như công nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả lĩnh vực hàng không, cảng biển và cả các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế. Trong thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, thành phố kiên quyết không chạy theo số lượng, hài hòa giữa mở cửa cho đầu tư với việc chọn lọc các nhà đầu tư có chất lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Điểm đổi mới mấu chốt nhất trong công tác giải phóng mặt bằng là thành phố và các cấp, ngành đã coi trọng và phát huy vai trò của công tác vận động nhân dân. Hệ thống chính trị các cấp đều vào cuộc vận động nhân dân ngay từ khi phê duyệt chủ trương dự án. Đặc biệt là phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở, ở các thôn, tổ dân phố trong công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vận động nhân dân ủng hộ việc triển khai các dự án, đồng thuận trong kiểm kê, bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến Hải Phòng tăng trưởng nhanh là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, theo đó Hải Phòng xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, đạt 68,73 điểm, tăng 4,25 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2018. Trước đó, giai đoạn 2007-2012, Hải Phòng chỉ nằm trong nhóm thấp và trung bình trong bảng xếp hạng PCI, thậm chí, năm 2012, Hải Phòng bị tụt 5 hạng và xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thành phố đã tổ chức định kỳ hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng tháng. Tập trung cao giải quyết các thủ tục về kinh doanh, đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng kịp thời cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang đầu tư trên địa bàn...

Theo Báo Quân đội Nhân dân