The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hải quan Bình Dương: Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh - Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) theo Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI Bình Dương 2015 đạt 58,89 điểm tăng 0,07 điểm và tăng 2 hạng so với năm 2014 (hạng 27). Trong đó, có 8 chỉ số tăng điểm và 2 chỉ số giảm so với năm 2014...Với kết quả như trên, các sở, ngành địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phải nhanh chóng cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Trên tinh thần nghiêm túc rà soát lại tất cả các mặt để rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp để cải thiện hiệu quả những mặt còn hạn chế, đến nay, đã cơ bản đạt được những cải thiện đáng kể trong môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo được uy tín cho các nhà đầu tư. Bình Dương hiện vẫn là một trong những tỉnh, thành có kết quả thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, Lãnh đạo các cấp, các ngành đã quán triệt và chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mình nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp với đặc thù riêng của từng ngành, từng lĩnh vực. Có thể kể đến là: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tư Pháp, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục hải Quan, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Ban quản lý KCN Vsip,... Do đó, trong những năm trở lại đây, nhiều chỉ số đã được cải thiện đáng kể về điểm số.

Trong đó, ưu tiên tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) một cách bền vững; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý về hải quan; bảo đảm công khai minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước; nâng cao ý thức về vai trò và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong nhận thức và hành động về cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hải quan. Nhằm tiếp tục góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI), Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều giải pháp trong năm 2016 nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể như:

1. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, kiểm soát tuân thủ, đảm bảo nguồn thu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; thực thi nghiêm chỉnh pháp luật hải quan, các cam kết và thông lệ quốc tế nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng và đảm bảo tổ chức quản lý nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn quản lý đúng quy định; phấn đấu trở thành một trong những cơ quan đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương.

2. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các phiên bản của Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, cơ chế một cửa quốc gia và các chương trình ứng dụng trong hoạt động quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn kỹ thuật một cửa ASEAN theo lộ trình của Tổng cục Hải quan. Đảm bảo luôn là 1 trong 5 đơn vị cấp Cục tiên phong trong ngành về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4.

3. Tiếp tục triển khai mô hình kiểm tra hàng hóa tập trung có trang bị máy soi container và các trang thiết bị hiện đại tại ICD Sóng Thần trong thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS theo định hướng của ngành Hải quan. Phấn đấu đạt và vượt mức ASEAN-4 về thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu.

4. Triển khai toàn diện kỹ thuật quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan theo hướng giảm tỷ lệ kiểm tra, tăng tỷ lệ phát hiện vi phạm; từng bước hỗ trợ công tác kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan; xây dựng và triển khai chương trình quản lý tuân thủ đồng bộ, thống nhất theo định hướng giảm dần mức độ kiểm soát sử dụng các quy trình thủ tục, các chế tài, xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp có mức độ tuân thủ từ cao xuống thấp và khuyến khích doanh nghiệp tự tuân thủ pháp luật thông qua chính sách khuyến khích tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan và chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức.

5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan cả ở cấp Cục và cấp Chi cục theo hướng áp dụng quản lý tuân thủ, quản lý rủi ro toàn diện, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, tập trung thực hiện kiểm toán hải quan tại trụ sở doanh nghiệp; chuyển dịch từ kiểm tra trên cơ sở các giao dịch sang kiểm tra trên cơ sở hệ thống; nâng dần số lượng doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn, tăng tính cạnh tranh trong hội nhập.

6. Tăng cường phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng ký kết, hình thức và lĩnh vực ký kết nhằm tạo nhiều thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cũng phát triển năng lực quản lý của cơ quan Hải quan theo chuẩn mực của một cơ quan Hải quan hiện đại; áp dụng Hệ thống chỉ số đánh giá hoạt động hải quan để từng bước nâng cao hiệu quả trong từng lĩnh vực hoạt động của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương.

7. Thường xuyên rà soát, báo cáo và kiến nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục kiến nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; áp dụng thông báo hoặc kết quả kiểm tra chuyên ngành của nước xuất khẩu; loại trừ nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra khỏi Danh mục đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành (trừ các mặt hàng phải kiểm dịch); minh bạch về cách tính chi phí, người chịu trách nhiệm trả phí.. nhằm từng bước giảm tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

8. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính và thực thi nhiệm vụ có hiệu lực, hiệu quả.

9. Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, năm 2016 tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu. Mục tiêu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trong những tháng cuối năm 2016, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cũng như các Sở ngành trong tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương nhằm cải thiện thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước và từng bước nâng cao điểm số, phấn đấu để trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm tới.

Những mục tiêu hướng đến

Về thủ tục hải quan: tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; duy trì và áp dụng có hiệu quả việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên Hệ thống VNACCS giai đoạn 2 đối với 100% doanh nghiệp trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2020, triển khai đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4 thuộc lĩnh vực hải quan thông qua Website Cục Hải quan tỉnh Bình Dương.

Về thời gian thông quan hàng hóa: phấn đấu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đạt và vượt mức thông báo của ASEAN- 4. Cụ thể: giai đoạn 2016 cần phối hợp với các Chi cục Hải quan cửa khẩu đảm bảo thời gian thông quan hàng hóa đối với hàng nhập khẩu xuống dưới 12 ngày và xuất khẩu dưới 10 ngày và tiếp tục giảm thời gian theo lộ trình triển khai của Tổng cục Hải quan.

Về thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa: đảm bảo thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa bằng hoặc thấp hơn so với thời hạn quy định tại Điều 23 của Luật Hải quan; Sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật và 02 máy soi container di động để kiểm tra hàng hóa tại 02 Địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, đảm bảo hàng hóa kiểm tra qua máy soi container không quá 5- 7 phút/container.

Tuân thủ và ứng dụng đầy đủ các quy trình thủ tục hải quan, đồng thời nghiên cứu cải tiến việc bố trí nhân sự và ứng dụng CNTT nhằm đơn giản hóa các bước thủ tục, phù hợp với điều kiện công việc và biên chế tại từng đơn vị thuộc và trực thuộc.

Thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển có chiều sâu hệ thống đại lý làm thủ tục hải quan chuyên nghiệp, hoạt động đúng tính chất; nâng cao vai trò của đại lý làm thủ tục hải quan trong chuỗi cung ứng, đảm bảo thực sự là “cánh tay nối dài” của cơ quan hải quan.

Có kế hoạch nâng số lượng doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trên địa bàn; phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 có ít nhất từ 18 – 20 doanh nghiệp trên địa bàn được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.

Nhiều giải pháp mới

Đảm bảo thực thi đúng pháp luật về hải quan trên cơ sở nâng cao tính tuân thủ các quy định của hải quan hiện đại để hài hòa giữa tạo thuận lợi và yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan; trong đó tập trung tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp ưu tiên, tuân thủ tốt pháp luật hải quan, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ cao. Phối hợp với các cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh phát triển dịch vụ Logistics và các khu vực cảng sông, ICD, kho ngoại quan, kho CFS để giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh trong hội nhập.

Căn cứ vào tình hình, đặc điểm của địa bàn tỉnh Bình Dương để tập trung nghiên cứu các giải pháp cụ thể nhằm đơn giản hóa, thống nhất hóa các quy trình thủ tục hải quan; đồng thời kiến nghị Tổng cục Hải quan loại bỏ các thủ tục chồng chéo, trùng lắp gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư; đảm bảo thống nhất giải quyết thủ tục hải quan giữa các Chi cục.

Xây dựng quy chế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Ban quản lý khu công nghiệp về trao đổi, cung cấp thông tin doanh nghiệp trên địa bàn làm cơ sở đánh giá nguồn thu, mời gọi doanh nghiệp làm thủ tục các tỉnh khác về làm thủ tục để tăng nguồn thu, đồng thời kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn.

Phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Hội xuất nhập khẩu thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, tham vấn doanh nghiệp để cung cấp kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành và giải đáp các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tiếp tục duy trì và phát huy hoạt động của các Tổ Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và Tổ Tư vấn, giải đáp trực tuyến và Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, nhất quán các quy định, quy trình liên quan đến công tác quản lý xuất nhập khẩu.

Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cơ quan trong tỉnh và ngoài tỉnh, cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong quá trình triển khai các quy định kiểm tra chuyên ngành, xác nhận qua khu vực giám sát để giúp các doanh nghiệp trên địa bàn giảm chi phí, thời gian thông quan, giải phóng hàng.

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các phần mềm ứng dụng làm công cụ quản lý nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn.

Lê Xuyền

Hải Quan Bình Dương