The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hậu Giang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Khu công nghiệp sông Hậu, huyện Châu Thành. Ảnh: LÝ ANH LAM

Trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang tích cực thực hiện các nghị quyết của Chính phủ: Số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016, số 19-2018/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN), cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những nỗ lực và quyết tâm cao của địa phương đã đạt kết quả thiết thực, đánh thức tiềm năng, lợi thế của tỉnh nằm ở Tiểu vùng tây sông Hậu.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Hậu Giang hiện có hai khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích 1.269 ha, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 50%. Để thu hút đầu tư, phát triển DN, tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu đãi, như miễn và giảm thuế thu nhập DN, miễn, giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế suất, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật… Đồng thời, thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư; phát huy trách nhiệm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng nhiều kênh đối thoại với DN, nhà đầu tư và người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tổ chức rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thành lập trung tâm hành chính công, tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; ban hành công khai danh mục các dự án thu hút đầu tư; củng cố, kiện toàn tổ chức và nội dung hoạt động của hiệp hội DN. Tỉnh triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI), thành lập các tổ chuyên môn để giải quyết và hỗ trợ các vấn đề liên quan DN như: Tổ xúc tiến đầu tư, tổ xúc tiến thương mại - xuất khẩu hàng hóa, tổ đầu tư vùng nguyên liệu…

Cách làm này cho thấy Hậu Giang đã có sự thay đổi kiểu tư duy “quản lý” sang tư duy “hỗ trợ”, thay đổi trong phương thức làm việc và tiếp cận DN, thấu hiểu những khó khăn thật sự của DN để hỗ trợ hiệu quả. Từ đó, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự đồng hành của DN, chỉ số năng lực cạnh tranh được cải thiện qua từng năm. Năm 2018, chỉ số PCI của tỉnh đứng vị trí thứ 44 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng sáu bậc so năm 2017, đứng vị trí thứ 10 trong số 13 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm 2019, chỉ số này tiếp tục tăng hai bậc so năm 2018, xếp hạng 42 trong số 63 cả nước, xếp hạng 8 trong số 13 của khu vực ĐBSCL, đưa tỉnh Hậu Giang quay trở lại nhóm điều hành kinh tế khá của cả nước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, đến nay, tỉnh có 355 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 127,6 nghìn tỷ đồng. Tỉnh thu hút 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 553 triệu USD. 5 năm qua, Hậu Giang có thêm 3.000 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 15 nghìn tỷ đồng, tăng 76% về số DN và tăng 91% số vốn đăng ký so nhiệm kỳ trước, bình quân quy mô một DN khoảng năm tỷ đồng, tăng 9%. Lũy kế từ trước đến nay, tỉnh đã cấp giấy phép kinh doanh gần 4.650 DN với tổng vốn hơn 48,3 nghìn tỷ đồng.

Là DN FDI trong lĩnh vực sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu đầu vào là giấy tái chế, với công suất 420 nghìn tấn/năm, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động ở địa phương, ông Chung Wei Fu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man cho biết: Sau hơn ba năm hoạt động ở Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (huyện Châu Thành), Hậu Giang ngày càng thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Yếu tố tiên quyết thu hút vốn đầu tư này là nhờ tỉnh có vị trí chiến lược nằm trên tuyến lưu thông của Tiểu vùng tây sông Hậu, có điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực. Đáng chú ý, do nằm liền kề TP Cần Thơ, Hậu Giang được thừa hưởng nhiều thế mạnh về logistics, cơ sở hạ tầng, trình độ khoa học - công nghệ… từ thành phố kinh tế trọng điểm của khu vực Tây Nam Bộ. Ngoài ra, tỉnh còn đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN đầu tư với những đãi ngộ theo hướng nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định. “Trong tương lai gần, tin rằng Hậu Giang sẽ là “tâm điểm” kinh tế của khu vực ĐBSCL nói riêng và của Việt Nam nói chung”- ông Chung Wei Fu nhận định.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Là DN chuyên chế biến các sản phẩm trái cây sấy dẻo, rau, củ, quả đông lạnh mang hương vị ĐBSCL để xuất khẩu, với công suất chế biến 10 nghìn tấn sản phẩm/năm, ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh cho biết: “Những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh ở Hậu Giang đã cải thiện đáng kể. Ngoài vị trí thuận lợi để phát triển công nghiệp, Hậu Giang có thế mạnh về các loại nông, thủy sản trong khu vực ĐBSCL cho nên rất có tiềm năng thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến”.

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế này, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã xác định là ưu tiên phát triển công nghiệp (công nghiệp chế biến), phát triển nông nghiệp bền vững, kế thừa và phát huy lợi thế sẵn có về nông nghiệp, tạo thành chuỗi liên kết giữa sản xuất, bảo quản và tiêu thụ nông sản, vừa góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, vừa làm động lực cho nông nghiệp phát triển; đồng thời, quan tâm phát triển công nghiệp chế tạo, nhất là các thiết bị cơ khí, máy móc, công nghệ,... phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều ý kiến DN cho rằng, tuy Hậu Giang có tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, nhưng để khai thác hiệu quả, tỉnh cần sớm khắc phục những hạn chế, đó là: Hệ thống giao thông thủy, bộ chưa được đầu tư đồng bộ. Một số địa phương có đường giao thông không đáp ứng yêu cầu phục vụ cho xe có tải trọng lớn; đường thủy không có cảng biển, hệ thống giao thông thủy không đủ độ sâu, độ rộng để tàu có tải trọng lớn lưu thông. Tuy địa phương có nguồn lực lao động dồi dào, nhưng chủ yếu là công nhân lao động phổ thông, nguồn lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Hậu Giang còn thiếu quỹ đất sạch, chủ yếu ứng vốn (tiền thuê đất) từ nhà đầu tư để thực hiện giải phóng mặt bằng, do đó DN còn ngần ngại, ảnh hưởng việc kêu gọi đầu tư…

Để tháo gỡ những khó khăn hạn chế, khai thác tốt nhất những tiềm năng, lợi thế, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Lê Tiến Châu cho biết: Tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông thủy, bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương trong khu vực. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển DN, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp. Huy động nguồn lực, tăng chi ngân sách, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức quốc tế để thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc địa điểm đầu tư đối với các danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh, bảo đảm đủ điều kiện về đất đai cho nhà đầu tư đến triển khai dự án. Xây dựng Chương trình Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, ưu tiên thu hút mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất đạo đức, tâm huyết, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Theo Báo Nhân dân